Nữ hoàng không đăng quang của nước Anh - Kỳ 2:

Con đường chông gai tới ngai vàng

Tư liệu lịch sử đã cho thấy việc Matilda lên ngôi theo ý chỉ của Hoàng đế Henry Đệ nhất vấp phải nhiều rào cản định kiến. Hơn nữa, tính cách độc đoán của bà bị chỉ trích là “kiêu ngạo không thể chịu đựng được”. Với những định kiến này, nước Anh đã trải qua những năm nội chiến liên miên giữa một bên là một vị vua nam có dòng máu hoàng gia và khả năng lãnh đạo dễ dàng được chấp nhận, với một vị vua nữ là người nối dõi hợp pháp duy nhất.


Vua Henry I.

 Việc một người đàn bà cầm quyền đã tạo ra một tiền lệ phức tạp, kéo theo nhiều biến động trong nền chính trị nước Anh thời đó, dẫn đến một cuộc đảo chính giống hệt cuộc đảo chính đã đưa Vua Henry Đệ nhất lên ngôi hoàng đế trước đây. Vào năm 1135, hay tin Vua Henry Đệ nhất qua đời tại dinh thự Lyons - la - Foret, người cháu họ Stephen xứ Boulogne (anh em họ của Matilda) đã nhanh chân tiến quân từ Boulogne đến Winchester để đăng quang hoàng đế. Lúc đó Matilda vẫn đang nằm bất động do thai nghén tại hạt Anjou của người chồng thứ hai và chưa biết được việc gì đang diễn ra.


Hai hình thái quyền lực khác biệt của hoàng gia giờ đây đứng đối lập với nhau: Một người đàn ông có dòng máu hoàng gia trong tĩnh mạch và là người có thể đem lại sự lãnh đạo quen thuộc và quyết đoán giống như những vị vua trước, và người phụ nữ với quyền lên ngôi theo chỉ định của vua cha và là người con hợp pháp duy nhất của vị vua tiền nhiệm.


Không ai dám công khai nói rằng một người phụ nữ thì không có khả năng lãnh đạo đất nước. Nhưng trong thực tế, khi Matilda đã ở cận kề quyền lực, thì những lời phê phán lần đầu tiên về bà bắt đầu loan truyền rằng Matilda không “phù hợp” với ngai vàng. Một sử gia của giai đoạn này nhận định: “Vào giờ phút thắng lợi, bà ta đã thể hiện sự kiêu ngạo và tính cố chấp không thể chấp nhận được”.


Có thể dễ dàng tìm được minh chứng cho nhận định này. Tác giả vô danh của cuốn Gesta Stephani (Hành động của Stephen) viết rằng: “Bà ta ngay lập tức thể hiện dáng vẻ cực kỳ kiêu ngạo, thay vì vẻ đi đứng khiêm tốn và đúng mực phù hợp với nữ giới”. Trong khi đó, Bá tước Henry thuộc hạt Huntingdon cũng tuyên bố rằng Matilda đã được nâng lên thành một kẻ kiêu ngạo không thể chịu đựng được... và xa lánh trái tim hầu hết thần dân.


 

Nữ hoàng Matilda.

 

Những phê phán này thể hiện rõ những khó khăn, thách thức mà Matilda đã phải đối mặt vào thời khắc quan trọng khi vương quốc nằm trong tay bà. Tuy nhiên, theo một quan điểm sử học khác, tình hình thời cuộc khi đó phức tạp. Thật ra tính cách của nhân vật này trước đây chưa từng thể hiện như thế. Mọi chỉ trích có thể là nhằm để bà phải thoái ngôi.


Matilda đã cố gắng để không trở thành người vợ của nhà vua theo nghĩa thông thường, mà trở thành Nữ hoàng của nước Anh, khái niệm vốn chưa từng có tiền lệ. Các hoàng đế luôn được kỳ vọng là những nhân vật có quyền uy tối cao và có khả năng đưa ra mệnh lệnh chỉ huy cao nhất. Nhưng khi kế tục cha điều khiển đám quần thần dưới quyền, bà lại bị lên án là ương ngạnh, thiếu nữ tính, là thích ra oai một cách phi lý. Cuốn Gesta Stephani viết: “Đáng lẽ phải đứng lên một cách tôn trọng khi các quan đầu triều cúi chào mình, nhưng bà ta lại không làm”; hay “đáng lẽ phải chấp nhận những đề nghị của họ thì bà ta lại nhiều lần tống cổ họ, cự tuyệt họ bằng các câu trả lời ngạo mạn, từ chối không nghe lời họ; và không còn dựa vào lời khuyên của họ như đã hứa, cứ tự quyết định mọi việc mà bà ta cho là thích hợp theo ý chí tùy tiện của mình”.


Những chỉ trích này rốt cuộc gói gọn trong việc Matilda đã không làm theo lời khuyên của các cận thần. Khó có thể hình dung Hoàng đế Henry Đệ nhất, cha của Matilda, sẽ nói gì trước ý kiến cho rằng cận thần của vua cần có tiếng nói quyết định trong điều hành. Và cũng khó tưởng tượng Vua Henry sẽ làm gì nếu bị buộc tội là "kiêu ngạo đến mức không thể chịu đựng được”. Dưới thời của ông chỉ có sự phục tùng tuyệt đối, sự trừng phạt thẳng tay những ai không tuân lệnh.


Vậy làm thế nào để Matilda có thể cai trị vương quốc của mình như cha bà đã làm nếu bà giữ một “dáng vẻ khiêm tốn và phù hợp với nữ giới”? Đế chế non trẻ của Matilda đã không bị tê liệt bởi những tin đồn về những khiếm khuyết cá nhân. Nhưng trên thực tế, Matilda đã phải đi những bước chập chững đầu tiên trong vai trò của một nữ hoàng để hình thành tính cách của một vị vua nữ, và bà đã tự mình cảm thấy mình đang vấp phải những mâu thuẫn tiềm ẩn giữa một người phụ nữ và là một vị vua.


Chúc Minh - Dương Hưng

 

Đón đọc kỳ cuối: Cuộc chiến giành lại vương miện

Nữ hoàng không đăng quang của nước Anh
Nữ hoàng không đăng quang của nước Anh

Đây là câu chuyện về Matilda (1102-1157), con gái vua Henry Đệ nhất, người đàn bà cầm quyền như một vị nữ hoàng đầu tiên của nước Anh. Vào thời trung cổ ở Anh, quyền lực vốn thuộc về nam giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN