Côn Đảo anh hùng, Biển Đông dậy sóng

LTS: Đã 60 năm kể từ ngày diễn ra cuộc vượt ngục Côn Đảo (12/12/1952-12/12/2012), lần đầu tiên những người tù Côn Đảo mới có cơ hội tổ chức một cuộc hội thảo khoa học lớn, do Ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo Hà Nội chủ trì.


Trong cuộc hội thảo này, rất nhiều những câu chuyện xúc động, những kỷ niệm xưa được ôn lại. Tin tức xin trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Đoàn Duy Thành, một cựu tù Côn Đảo...


Lên kế hoạch


Tôi ra Côn Đảo ngày 4/10/1952. Lúc đó tôi là Bí thư chi bộ của đoàn tù binh bị đầy ra Côn Đảo từ Căng Đoạn Xá (Hải Phòng). Đến đây, tôi đã gặp lại các đồng chí cũ, từng công tác với nhau ở ngoài đời hoặc cùng tù ở Căng Đoạn Xá. Chúng tôi gặp nhau trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, tại một địa điểm rất đặc biệt, đó là “Địa ngục Côn Đảo”, nơi mà thực dân Pháp đặt tên là “Pénitencier de Poulo- Condore” (Nhà ngục Côn Đảo), chứ không phải gọi nó là “Prison” (nhà tù) như các nơi giam giữ tù nhân khác của Pháp ở Việt Nam. Điều này đã thể hiện rõ dã tâm biến nơi đây thành “địa ngục trần gian”.

Du khách tham quan di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo.
Ảnh: Kim Phương-TTXVN


Sau 6 ngày đặt chân lên đảo, vào ngày 10/10/1952, đồng chí Lê Văn Hiến (tức Văn) qua đồng chí Hồng Long là em họ tôi, báo cho tôi biết là Đảo ủy đã thống nhất đề nghị tôi tham gia Đảo ủy. Tôi gặp đồng chí Hiến và được phổ biến toàn bộ kế hoạch tổ chức võ trang cướp đảo, giải phóng toàn bộ tù nhân để trở về tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Như vậy, tính theo thời gian, tôi tham gia Đảo ủy Côn Đảo được 62 ngày thì cuộc võ trang giải phóng đảo nổ ra.


Sau khi nghe xong toàn bộ kế hoạch, tôi rất đồng tình với quyết định của tập thể Ban chấp hành Đảo ủy. Ngay lập tức, tôi được phân công cùng đồng chí Nguyễn Đình Thâu, Đảo ủy viên phụ trách khu vực anh em tù án và đồng chí Lê Đình Thụ (tức Vũ Hồng) Thành ủy viên Sài Gòn - Gia Định mới ra đảo và được bổ sung vào Đảo ủy sau tôi 1 tháng trực tiếp chỉ đạo cuộc võ trang. Ngoài ra, còn có các đồng chí Phạm Bạt Tụy chỉ huy quân sự Banh 3, đồng chí Lê Văn Dương, Tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 100 mặt trận Bình Trị Thiên mới bị đày ra Côn Đảo, đồng chí Nghĩa - Bí thư liên chi Banh 3, các đồng chí Tư Hà, Cầu, Hậu, Chiêm… ở bên tù án (Banh1, Banh 2). Nhiệm vụ của chúng tôi khi đó là phối hợp với các lực lượng Đầu Mom, Bến Đầm tiến về trung tâm thị trấn Côn Đảo đánh chiếm 3 điểm chính là trụ sở Chúa Đảo - Jacty, trại lính và Nhà giây thép (bưu điện) Cầu Tàu.


Nếu cuộc giải phóng đảo thành công, chúng tôi có nhiệm vụ sử dụng phương tiện có sẵn của địch để chở đoàn tù về đất liền một cách an toàn. Nếu không thành công, bắt buộc phải thực hiện phương án 2, thì ba chúng tôi cùng các đồng chí trên lo việc đối phó với địch và xử lý mọi tình huống xảy ra.


Cuộc vượt ngục sau đó đã không thành, để lại cho chúng tôi một nhiệm vụ rất nặng nề và phức tạp. Một mặt phải đối phó với sự trả thù đê hèn của thực dân Pháp; một mặt phải lấy lại tinh thần, ổn định tư tưởng cho anh em đồng thời tiếp tục làm công tác dân vận, bảo đảm an toàn cho những người còn sống, nhất là đối với 117 anh em bị bắt lại cũng như việc cứu chữa cho những anh em bị thương…

Những ngày "sôi sục"


Do một nguyên nhân chủ quan nên cuộc đánh chiếm đảo đã không thành công.


Đó là khuyết điểm trong chỉ đạo chiến thuật, một sơ hở không đáng có là phối hợp giữa cánh quân Bến Đầm và cánh quân Đầu Mom không chặt chẽ về thời gian.


Thời điểm ấy, cả Côn Đảo sục sôi khí thế chiến đấu. Cánh quân Bến Đầm do chỉ huy trưởng Phan Du và chỉ huy phó Hoàng Tiễn trong giây phút đã bắt gọn trung đội mạnh nhất của Đại đội bảo vệ đảo của địch, gồm 27 lính da đen và 1 quản da trắng - Bordessouille (Bóc đờ xun). Không cần nổ súng, công tác binh vận xuất sắc làm cho địch tâm phục khẩu phục, tên quản Bóc đờ xun không những tặng cho ta 1 bản đồ đi biển, 1 la bàn và cả cái phao bơi của hắn, y còn tỏ ý muốn theo đoàn tù vượt đảo về với kháng chiến. Lính Cụ Hồ đã làm được điều kỳ diệu như thế ở mặt trận Bến Đầm.


Bến Đầm đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng ở mặt trận Đầu Mom, cánh quân này chậm phát hiện dấu hiệu, nên đã để địch phát hiện ra, dùng súng uy hiếp, làm anh em lâm vào thế bị động. Cùng có 100 quân như mặt trận Bến Đầm, đánh có 7 tên lính da đen mà thắng lợi không trọn vẹn, ta chỉ bắt sống được 2 tên, 1 tên chạy thoát, 4 tên chết, ta hy sinh 1 (đồng chí Hân), bị thương 1 (đồng chí Đặng). Đó cũng là bài học cho chúng ta, đúng như các cụ xưa nói: “Sai một li đi một dặm”.


Trước tình hình đó, đồng chí bí thư Đảo ủy Lê Văn Hiến (tức Văn) đã hội ý chớp nhoáng với các đồng chí Đảo ủy khác có mặt tại chiến trường và quyết định thực hiện phương án 2: Không đánh về trung tâm Đảo, mà tổ chức vượt ngục bộ phận cho 2 cánh quân Bến Đầm và Đầu Mom gồm 200 người.


Cuộc vượt ngục Côn Đảo không thành công, 81 chiến sĩ hy sinh trên biển, 75 người trôi dạt vào bờ, 6 người mất tích giữa biển khơi. Những chiến sĩ hy sinh đã được người dân “đặc biệt ở Côn Đảo” âm thầm chôn cất ở bãi cát Cỏ Ống và lập đền thờ. Sau 44 năm (1996) những người “công dân đặc biệt” này mới báo cáo với chính quyền địa phương để dựng bia và sửa lại ngôi đền, còn 75 thi hài vẫn nằm rải trong khu bãi cát rộng khoảng hơn 500 m2 được rào dậu tạm thời. Năm 2011 và 2012, thi hài của đồng chí Phạm Chí Viễn, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và đồng chí Hoàng Văn Gián, nguyên Huyện ủy viên huyện An Lão (Hải Phòng) đã được gia đình đưa về Hải Phòng. Hiện vẫn còn lại 73 hài cốt nằm lại Cỏ Ống, Côn Đảo.


Trong quá trình vượt biển cũng đã để lại cho chúng ta biết bao hình ảnh kiên cường bất khuất, tình thương đồng chí, đồng đội trong lúc gian nguy nhất. Không chỉ nhường cơm sẻ áo, mà nhường cả mạng sống cho bạn, dành cái chết cho mình. Như đồng chí Bí thư Đảo ủy trước khi nhảy xuống biển đã để lại cái phao của mình cứu sống được 2 đồng chí khác. Hàng chục đồng chí khác cũng đã nhảy xuống biển để đồng chí của mình được sống. Có một số đồng chí bơi được vào bờ và có mặt ngày hôm nay, có đồng chí trước khi nhảy xuống biển đã hô to khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm” như đồng chí Hồng Long... Biết bao gương dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến đấu giữa biển khơi và cả trong ngày bị bắt lại, bị giam cầm tra tấn với những đòn trả thù hèn hạ của bọn thực dân Pháp.


Khi địch đưa ra tòa án binh để xử, anh em đã vạch trần sự tàn bạo của địch đối với tù binh chiến tranh. Lý lẽ đanh thép, thái độ hiên ngang của 117 anh em bị bắt lại được luật sư Nguyễn Hữu Thọ cãi trước tòa. Những người lính gác đảo bị ta bắt, được đối xử nhân đạo đã làm chứng phản bác lại tòa án của chúng kết tội anh em ta là phá rối trật tự, giết lính của chúng. Phiên tòa đã làm cho bọn quan tòa của chế độ thực dân bẽ mặt và được dư luận trong nước và dư luận Pháp đồng tình ủng hộ.


Đã hơn một nửa thế kỷ qua, cuộc võ trang giải phóng đảo ngày 12/12/1952 đã để lại một tấm gương chói sáng cho hôm nay và cho mai sau.


Những bài học từ cuộc võ trang giải phóng


Từ cuộc “Võ trang giải phóng” toàn đảo ngày 12/12/1952, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm.


Thứ nhất, cuộc “Võ trang giải phóng” toàn đảo diễn ra vào một thời điểm rất quyết liệt, khi cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta đã đi gần đến ngày thắng lợi. Đó cũng là thời điểm chế độ thực dân ở chính quốc và nhân dân Pháp đang khủng hoảng về tinh thần, lòng tin và ý chí xâm lược nước ta. Trên chiến trường Đông Dương, thực dân Pháp bế tắc cả về chiến lược và chiến thuật. Họ đã phải thay đổi nhiều vị trí quan trọng bằng các tướng được cho là giỏi nhất nước Pháp lúc bấy giờ. Tuy nhiên, dù đã được chi viện hùng hậu về tài chính và vũ khí của đế quốc Mỹ nhưng chúng vẫn bế tắc, không có lối thoát và ngày càng lún sâu vào thất bại.


Vì vậy, cuộc võ trang giải phóng Côn Đảo ngày 12/12/1952 xảy ra ở một nơi mà chúng cho là an toàn nhất trên chiến trường Đông Dương đã trực tiếp giáng một “quả đấm thép” vào ý chí xâm lược của bộ não gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam khiến chúng hoang mang càng hoang mang hơn.


Thứ hai, quyết định của Ban chấp hành Đảo ủy về cuộc “võ trang giải phóng” là một chủ trương rất đúng đắn, qui mô, được tổ chức chỉ đạo mọi mặt như một trận đánh lớn, một cuộc tổng khởi nghĩa trên một địa bàn rất đặc biệt, từ việc chuẩn bị quân nhu, quân khí tự tạo, đến chiến thuật cướp súng giặc… đều diễn ra theo đúng kế hoạch.


Thứ ba, công tác dân vận, binh vận được đặt lên vị trí hàng đầu nên đã quy tụ được lòng dân, không những chỉ quần chúng trong tù mà đặc biệt là nhân dân trên đảo. Đó là những công chức trong bộ máy quản lý đảo và gia đình họ giúp đỡ kháng chiến, giúp đỡ trực tiếp cho các tù nhân. Mặc dù những gia đình này ta gọi là nhân dân nhưng đều được tuyển chọn rất kĩ về lý lịch, về sự tận tụy, trung thành phục vụ chế độ thực dân. Họ được tuyển dụng và đưa ra đảo để tạo lập một bộ máy quản lý chặt chẽ tù nhân mà lúc đó chúng gọi là “Việt Minh - Cộng sản”. Công tác dân vận của Đảo ủy đã lay động được lòng “yêu nước thương nòi” của chính những viên chức đó và gia đình họ đã ngả theo kháng chiến, ủng hộ kháng chiến, giúp đỡ tù nhân “Việt Minh - Cộng sản”. Là những người hàng ngày trực tiếp chứng kiến những cảnh tra tấn, nhục hình ghê tởm, dã man của nhà tù, họ hiểu rất rõ những gì dành cho mình nếu bị phát hiện giúp đỡ Việt Minh - Cộng sản? Thế nhưng không một ai đã được tuyên truyền vận động mà lại không hưởng ứng. Họ đã góp tiền của cho việc mua sắm sơn, vải, dụng cụ cần thiết cho việc chuẩn bị phương tiện vượt đảo… Đó là đỉnh cao về lòng yêu nước của người Việt Nam. Dù ở bất cứ đâu cũng không quên rằng Tổ quốc Việt Nam phải được giải phóng, phải được độc lập, tự do.


Điều đó chứng minh hùng hồn về lòng yêu nước tuyệt vời của người dân Việt Nam dù phải sống trên hòn đảo xa Tổ quốc, bị thực dân chiếm đóng 90 năm (1862- 1952).
Những chiến sĩ ở Côn Đảo anh hùng đã làm dậy sóng Biển Đông.


Đoàn Duy Thành

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN