Juliane Koepcke không bao giờ tưởng tượng nổi điều gì chờ đón mình khi lên chuyến bay số hiệu 508 của hãng hàng không LANSA vào đêm Giáng sinh năm 1971. Cô gái 17 tuổi đi cùng mẹ từ Lima, thủ đô Peru đến thành phố Pucallpa ở phía đông để thăm cha cô, người đang làm việc trong rừng mưa nhiệt đới Amazon.
Juliane Koepcke sinh ra ở Lima vào ngày 10/10/1954. Cha mẹ cô đều là nhà động vật học người Đức chuyển đến Peru để nghiên cứu động vật hoang dã. Cô nữ sinh nhận bằng tốt nghiệp trung học đúng một ngày trước chuyến bay và dự định theo học ngành động vật học giống cha mẹ.
Theo kế hoạch thì chuyến bay sẽ kéo dài một giờ đồng hồ. Juliane ngồi thoải mái ở ghế số 19F, cho đến khi mây đen dần và những nhiễu động không khí trở nên dữ dội hơn.
Đột nhiên, chiếc máy bay đi vào giữa một cơn giông bão lớn. Chiếc phi cơ bị xoay vần giữa những đám mây đen như mực, những tia chớp sáng lòa ngoài cửa sổ. Khi một tia sét đánh vào động cơ, chiếc máy bay vỡ thành nhiều mảnh.
Sau đó tất cả mọi thứ phóng vọt ra. Có những tiếng ồn ào la hét của mọi người và tiếng động cơ cho đến khi tất cả những gì Juliane nghe thấy chỉ là tiếng gió rít bên tai. Khi lao xuống, băng ghế ba chỗ ngồi mà Juliane vẫn được thắt dây xoay tròn như hạt giống có cánh của một cây phong, liệng về phía tán rừng.
Cô gái bất tỉnh sau khi rơi khoảng 3.050 mét, hơn 3km, giữa lưng trời xuống giữa rừng mưa nhiệt đới Amazon, thuộc lãnh thổ Peru. Nhưng thật kỳ diệu là cô vẫn sống. Băng ghế mà cô được gắn chặt đã rơi xuống những tán rừng rậm rạp, làm lớp đệm cho va chạm. Juliane là người duy nhất sống sót sau vụ tai nạn. Và phía trước cô là hành trình 11 ngày với sức sống mãnh liệt không thể tin nổi, vượt qua rừng rậm.
Khi Juliane tỉnh dậy vào sáng hôm sau, cơn chấn động và cú sốc tâm lý chỉ cho phép cô cử động được chút ít. Cô gái đã sống sót sau một vụ tai nạn máy bay kinh hoàng. Juliane không thể nhìn rõ với một mắt, và lại lịm đi. Phải mất nửa ngày nữa cô mới tỉnh hẳn được.
Thật kỳ diệu, vết thương của Juliane tương đối nhẹ: gãy xương đòn, bong gân đầu gối, một vết rách ở bắp chân trái, một bên mắt sưng húp. Điều khó chịu nhất với cô là chiếc kính cận đã biến mất. “Tôi nằm đó, giống như là một phôi thai trong suốt cả ngày cả đêm, cho đến sáng hôm sau", cô viết trong cuốn hồi ký của mình, "When I Fell From the Sky" (Khi tôi rơi xuống từ bầu trời), xuất bản tại Đức năm 2011. “Tôi hoàn toàn ướt sũng, đầy bùn đất, vì trời mưa như trút suốt ngày đêm".
Juliane lắng nghe tiếng chim kêu, tiếng ếch nhái râm ran và tiếng côn trùng vo ve. “Tôi nghe những âm thanh của động vật hoang dã và nhận ra rằng tôi đang ở trong một khu rừng và đã sống sót sau vụ tai nạn. Những gì tôi trải qua không chỉ là sợ hãi mà là cảm giác bị bỏ rơi mãi mãi”. Bị sốc, bị chấn thương và chỉ với một túi kẹo nhỏ để duy trì sức sống, cô gái 17 tuổi đã vượt qua rừng Amazon đáng sợ, đối mặt với những con báo đốm dài 2 mét rưỡi, rắn độc và nhện, những con ong bám đầy trên mặt, cả đàn muỗi bâu và những con cá đuối gai độc ở đáy sông.
Juliane lên đường tìm mẹ nhưng đó là một nỗ lực tuyệt vọng không thành. Sau này, khi được giải cứu, cô mới biết rằng mẹ mình cũng sống sót sau cú rơi từ trên không, nhưng đã qua đời vì vết thương.
Ban đầu Juliane Koepcke cảm thấy khá tuyệt vọng, nhưng sau đó cô nhớ lại một số lời khuyên về kỹ năng sinh tồn mà cha cô đã dạy từ nhỏ: Nếu nhìn thấy một dòng nước, hãy đi theo nó xuống hạ lưu. Đó sẽ là nơi có nền văn minh. “Một dòng chảy nhỏ sẽ hòa vào một dòng lớn hơn, sau đó lại nhập vào một dòng lớn hơn nữa, và cuối cùng con sẽ gặp được sự trợ giúp”, Juliane vẫn nhớ như in lời cha.
Vậy là cuộc hành trình của cô bắt đầu từ một dòng suối. Có khi Juliane đi bộ, có lúc cô bơi. Vào ngày thứ tư của hành trình, cô bắt gặp ba hành khách vẫn đang gắn chặt vào băng ghế máy bay. Họ đều đã chết, một trong đó là phụ nữ. Juliane Koepcke chạm vào người phụ nữ, hy vọng đó có thể là mẹ mình, nhưng không phải vậy. Một người trong số đó mang theo một túi kẹo, và đó là nguồn thức ăn duy nhất của Juliane trong những ngày còn lại.
Có lúc Juliane nghe và nhìn thấy máy bay cứu hộ trên đầu, nhưng cô không thể thu hút sự chú ý của họ. Hóa ra vụ tai nạn máy bay đã dẫn đến một cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử Peru. Nhưng do mật độ rừng rậm, máy bay cứu hộ đã không thể phát hiện ra dù chỉ một mảnh vỡ từ vụ tai nạn, chứ chưa nói đến một nạn nhân nào.
Sau một thời gian Juliane không còn nghe thấy âm thanh từ máy bay cứu hộ nữa, và cô biết rằng cô phải thực sự tự cứu mình. Đó là giữa mùa mưa ẩm ướt, nên không có trái cây nào trong tầm tay để hái và không có cành cây khô nào để đốt lửa. Bất cứ khi nào nhìn thấy những xác chết, Juliane lại thấy tê liệt vì hoảng sợ, tuy nhiên cô luôn kiểm tra xem người đó có thể là mẹ mình hay không.
Sau vài ngày, vết thương của Juliane bắt đầu nhiễm trùng và mọc giòi, nhức nhối đau đớn. Cô còn luôn phải cảnh giác với cá sấu, cá piranha và những con côn trùng hung hãn.
Vào ngày thứ 9 trong rừng, Juliane tình cờ gặp một túp lều và quyết định vào nghỉ ngơi. Sau đó, cô nghe thấy những giọng nói, từ thế giới thực chứ không phải tưởng tượng. Đó là tiếng của ba nhà truyền giáo Peru sống trong túp lều. Juliane Koepcke kể lại: “Người đàn ông đầu tiên tôi nhìn thấy giống như một thiên thần".
Nhưng ba nhà truyền giáo thì không hoàn toàn cảm thấy như vậy. Họ hơi sợ hãi khi nhìn thấy cô gái, và thoạt đầu nghĩ cô có thể là một thủy thần, mà họ thường gọi là Yemanjábut. Tuy nhiên, họ vẫn để Julianne ở đó thêm một đêm và ngày hôm sau thì dùng thuyền đưa cô đến bệnh viện địa phương nằm ở một thị trấn nhỏ gần đó.
Sau khi được điều trị vết thương, Juliane đoàn tụ với cha mình. Cô cũng giúp các nhà chức trách xác định vị trí của chiếc máy bay và trong vài ngày, họ đã có thể tìm thấy và xác định các thi thể nạn nhân trong vụ tai nạn.
Trong số 91 người trên máy bay, Juliane Koepcke là người sống sót duy nhất. Tất cả những gì cô gái đã trải qua, những tổn thương tâm lý, sự mất mát người mẹ, khiến Juliane Koepcke hình thành nỗi sợ hãi máy bay và trong nhiều năm sau cô thường xuyên gặp ác mộng.
Cuối cùng, Juliane theo học ngành sinh học tại Đại học Kiel ở Đức vào năm 1980 và sau đó nhận bằng tiến sĩ. Cô trở lại Peru để nghiên cứu về động vật. Juliane Koepcke kết hôn và trở thành Juliane Diller.
Năm 1998, Juliane quay lại địa điểm xảy ra vụ tai nạn để tham gia ghi hình bộ phim tài liệu “Wings of Hope” (Đôi cánh Hy vọng) kể về câu chuyện kinh ngạc của mình. Trên chuyến bay cùng với đạo diễn Werner Herzog, cô một lần nữa ngồi ở ghế 19F. Trải nghiệm này thôi thúc cô viết cuốn hồi ký về câu chuyện sống sót kỳ diệu của mình có tên “Khi tôi rơi xuống từ bầu trời”.
"Rừng rậm là một phần trong tôi, cũng giống như tình yêu của tôi dành cho chồng, cho âm nhạc của những người sống dọc sông Amazon và các nhánh của nó, và cả những vết sẹo còn lại sau vụ tai nạn máy bay”, Julianne viết trong hồi ký.
Trước năm 2020, khi đại dịch COVID-19 hạn chế hoạt động đi lại bằng đường hàng không quốc tế, Juliane Diller đã quyết định đến thăm khu bảo tồn thiên nhiên ở rừng Amazon hai lần một năm trong các chuyến thám hiểm kéo dài hàng tháng. Phần lớn công việc của bà liên quan đến việc duy trì sự phát triển bền vững nông nghiệp và công nghiệp.
50 năm sau cuộc hành trình đau thương trong rừng, Juliane Diller giờ đây hài lòng khi nhìn lại cuộc đời mình và biết rằng nó đã đạt được mục đích và ý nghĩa. “Chỉ cần giúp đỡ mọi người và làm điều gì đó cho thiên nhiên thì đã thật tốt khi tôi được sống sót. Và vì điều đó, tôi rất biết ơn", Juliane nói với nụ cười thoảng trên khuôn mặt.