Cuộc thảm sát đẫm máu của đàn cá sấu nhằm vào binh sĩ Nhật Bản

Hàng trăm binh sĩ Nhật Bản đã bỏ mạng trong một cuộc thảm sát trên đảo Ramree (Myanmar), được ghi nhận là vụ tấn công chết chóc nhất của cá sấu nhằm vào con người.

Chú thích ảnh
Thủy quân lục chiến Anh đổ bộ lên đảo Ramree vào tháng 1/1945 khi bắt đầu trận chiến kéo dài 6 tuần. Ảnh: Wikimedia Commons

Hãy tưởng tượng bạn là một nhóm của lực lượng quân sự bị kẻ thù bao vây trên một hòn đảo nhiệt đới. Chỉ có cách duy nhất thoát khỏi vòng vây là băng qua một đầm lầy đầy cá sấu chết chóc để hội quân với nhóm "quân ta" lớn hơn.

Nếu không cố gắng vượt qua đầm lầy, bạn sẽ phải đối mặt với quân địch đang áp sát. Nếu tìm cách vượt qua, bạn phải đối mặt với những con cá sấu hung dữ. Bạn có dám liều mạng trong đầm lầy hay đặt mạng sống của mình vào tay kẻ thù?

Tình huống này đã xảy ra với lực lượng Nhật Bản đang chiếm đóng đảo Ramree (nằm ngoài khơi bang Rakhine của Myanmar) trên Vịnh Bengal vào đầu năm 1945, giai đoạn cuối Thế chiến thứ hai. Những người sống sót trong trận chiến trên đảo được cho là đã có một lựa chọn thiếu may mắn khi tìm cách băng qua một vùng nước đầy cá sấu trong cơn tuyệt vọng thoát khỏi vòng vây.

Chú thích ảnh

Sau ba cuộc chiến tranh Anh - Myanmar (1825, 1852 và 1885), Myanmar (khi đó là Burma) trở thành một thuộc địa chính thức của Anh từ năm 1886. Người Anh sử dụng Myanmar như một vùng đệm giữa Ấn Độ và phần còn lại của châu Á. Tuy nhiên năm 1942, giữa Thế chiến thứ hai, đế quốc Nhật đã giành quyền kiểm soát khắp Đông Á, Đông Nam Á, và Myanmar không phải là một ngoại lệ.

Người Nhật hỗ trợ thành lập Quân đội Myanmar Độc lập. Ban đầu người Myanmar hy vọng nhờ sự hỗ trợ của Nhật Bản để đánh đuổi lực lượng Anh và giành độc lập. Một chính quyền bù nhìn do Nhật Bản dựng lên tại Myanmar. Nhưng nhiều người Myanmar bắt đầu hiểu ra rằng Nhật Bản không có ý định trao cho họ quyền độc lập hoàn toàn. 

Tháng 8/1944, Aung San - cha của bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) tại Myanmar hiện nay - và các lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc khác đã thành lập Tổ chức Chống Phát xít, đề nghị Vương quốc Anh thành lập liên minh với các nước Đồng minh khác để chống Nhật.

Vào thời điểm đó, lực lượng Anh cần một căn cứ không quân ở khu vực đảo Ramree để có thể mở thêm các cuộc tấn công chống lại quân Nhật. Tuy nhiên, hàng nghìn quân địch đang trấn giữ hòn đảo, đã đẩy họ vào một trận chiến mệt mỏi kéo dài trong 6 tuần.

Chú thích ảnh
Quân Anh tham gia Trận chiến đảo Ramree. Ảnh: warhistory

Hai bên lâm vào thế bế tắc cho đến khi Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh cùng với Lữ đoàn bộ binh Ấn Độ 36 đánh bại quân Nhật. Lực lượng Đồng minh phối hợp đã tách đôi nhóm đối phương và cô lập khoảng 1.000 lính Nhật. Người Anh sau đó phát cảnh báo rằng, nhóm nhỏ bị cô lập của Nhật Bản nên đầu hàng.

Về phần mình, nhóm lính Nhật bị cô lập không có cách nào tiếp cận được vùng an toàn cùng với tiểu đoàn lớn hơn. Nhưng thay vì chấp nhận đầu hàng, họ lại chọn thực hiện một hành trình dài 13km băng qua đầm lầy ngập mặn.

Đó là khi mọi chuyện chuyển từ xấu sang tồi tệ nhất, và cuộc thảm sát đảo Ramree bắt đầu.

Đầm lầy ngập mặn trên đảo Ramree dày đặc bùn, nước lưu chuyển chậm. Quân Anh theo dõi tình hình từ xa ở rìa đầm lầy. Người Anh đã không truy đuổi sát sạt đoàn quân đang bỏ chạy bởi vì quân Đồng minh biết điều gì đang chờ đợi kẻ thù bên trong cái bẫy chết chóc tự nhiên này.

Cá sấu nước mặn là loài bò sát lớn nhất trên thế giới. Những con đực bình thường dài tới hơn 5 mét và gần 500kg, con lớn nhất có thể đạt tới 7 mét và nặng gần 1 tấn. Đầm lầy là môi trường sống tự nhiên của cá sấu nước mặn, và tất nhiên con người không thể sánh được về tốc độ, kích thước, sự nhanh nhẹn và sức mạnh của chúng.

Chú thích ảnh

Người Nhật hiểu rằng cá sấu nước mặn nổi tiếng là loài ăn thịt người nhưng dù sao họ đã lâm đường cùng khi đi vào vùng đầm lầy ngập mặn của đảo Ramree. Và trong một thảm kịch không khác gì vụ cá mập tấn công khét tiếng nhằm vào thuỷ thủ tàu Indianapolis của Mỹ vào cuối năm đó, rất nhiều lính Nhật đã bỏ mạng trong hàm cá sấu.

Ngay sau khi bước vào vùng đầm lầy nhầy nhụa, những người lính Nhật còn phải chống chọi với bệnh tật, tình trạng mất nước và đói khát. Chưa kể muỗi, nhện, rắn độc, và bọ cạp ẩn náu trong rừng rậm tấn công họ, và lần lượt từng người lính phải bỏ xác.

Cá sấu xuất hiện khi quân Nhật tiến sâu hơn vào đầm lầy. Tệ hại hơn, cá sấu nước mặn là loài ăn đêm và rất giỏi săn mồi trong bóng tối.

Một số binh sĩ Anh kể lại rằng những con cá sấu đã có một cuộc săn mồi sôi động trong đầm lầy. Câu chuyện kể lại nổi bật nhất về những gì đã xảy ra là từ nhà tự nhiên học Bruce Stanley Wright, người đã tham gia Trận chiến đảo Ramree.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Anh nghỉ chân cạnh một ngôi đền trên đảo Ramree. Ảnh: Wikimedia Commons

“Đêm đó [ngày 19/2/1945] là đêm kinh khủng nhất mà bất kỳ thành viên nào của lực lượng đổ bộ Hải quân Hoàng gia Anh từng trải qua. Những con cá sấu, được đánh thức bởi tiếng súng và mùi máu, đã tụ tập giữa rừng ngập mặn, nằm nhắm mắt trên mặt nước, canh chừng bữa ăn tiếp theo của chúng. Khi thủy triều lên, những con cá sấu di chuyển qua lại giữa những xác chết, người bị thương và không bị thương đã sa lầy trong bùn.

Những phát súng trường rải rác trong đầm lầy đen kịt lẫn với tiếng la hét của những người lính bị kẹp trong hàm của những con bò sát to lớn, và tiếng quẫy nước của những con cá sấu đang quay tròn, tất cả tạo nên một bản nhạc địa ngục hiếm khi nào có thể lặp lại trên Trái đất. Vào lúc bình minh, bầy kền kền sà đến để dọn dẹp những gì đàn cá sấu còn để lại”.

Chú thích ảnh
Một con cá sấu nước mặn bò lên cạn. Ảnh: Wikimedia Commons

Trong số 1.000 binh lính tiến vào đầm lầy trên đảo Ramree, chỉ có 480 người được báo cáo là sống sót. Sách Kỷ lục Guinness Thế giới đã ghi nhận vụ thảm sát trên đảo Ramree là vụ cá sấu tấn công người lớn nhất trong lịch sử, theo Wikipedia.

Tuy nhiên, những ước tính về số người chết rất khác nhau. Những gì lực lượng Anh biết chắc chắn là chỉ có 20 người ra khỏi đầm lầy còn sống và bị bắt. Những người lính Nhật này đã nói với lực lượng bắt giữ họ về những con cá sấu. Nhưng chính xác có bao nhiêu người chết trong vương quốc của những con cá sấu vẫn là con số gây tranh cãi, bởi không ai biết có bao nhiêu lính Nhật đã không chống chọi được với bệnh tật, mất nước, hoặc chết đói thay vì bị cá sấu ăn thịt.

Có một điều chắc chắn là: Khi được lựa chọn đầu hàng hoặc chấp nhận rủi ro trong một vùng đầm lầy có nhiều cá sấu, hãy chọn đầu hàng - đừng đối đầu với thiên nhiên hoang dã.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo A.I)
Vụ án rúng động làng thời trang - ‘ông trùm’ Gucci bị vợ thuê người ám sát - Kỳ cuối
Vụ án rúng động làng thời trang - ‘ông trùm’ Gucci bị vợ thuê người ám sát - Kỳ cuối

Đối chất trước tòa với bằng chứng đã trả cho đồng phạm 365.000 USD để tìm thuê một sát thủ, Reggiani lạnh lùng trả lời: “Nó đáng giá từng lira”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN