Vụ án rúng động làng thời trang - ‘ông trùm’ Gucci bị vợ thuê người ám sát - Kỳ 1

Maurizio Gucci đã bị bắn chết bởi 4 phát súng theo lệnh của người vợ cũ Patrizia Reggiani ngay trên bậc thềm văn phòng của ông ở Milan. Bi kịch nhà Gucci được tái hiện trong bộ phim "House of Gucci" được công chiếu ngày 24/11 tại Mỹ.

CUỘC ĐIỆN THOẠI 'PHÁ ÁN'

Cuộc điện thoại làm thay đổi mọi thứ đã reng lên vào tối muộn ngày 8/1/1997. Người gọi ẩn danh yêu cầu được nói chuyện với Filippo Ninni, cảnh sát trưởng vùng Lombardia của Italy, và yêu cầu một cuộc gặp. Người gọi không muốn nói quá nhiều qua điện thoại: “Tôi chỉ nói một cái tên: Gucci.”

Chú thích ảnh
Maurizio Gucci và vợ Patrizia Reggiani. Ảnh: Twitter

Ninni khi đó là một trong những thám tử chính đang điều tra một bí ẩn chưa được giải đáp của nước Ý: vụ ám sát Maurizio Gucci, người thừa kế và từng là người đứng đầu hãng thời trang danh tiếng, mang tên dòng họ của ông.

Hai năm trước đó, vào sáng ngày 27/3/1995, Maurizio bị một sát thủ lạ mặt bắn chết khi đang bước vào tòa văn phòng nơi ông làm việc ở số 20 phố Palestro của Milan - cách quận thời trang của thành phố chỉ một đoạn ngắn. Những hướng điều tra khác nhau đã được tổ chức: Liệu Maurizio có bị lôi kéo vào các giao dịch mờ ám? Có phải đã có một rạn nứt trong gia đình, nổi tiếng với những mối thù nội bộ? Nhưng các nhà điều tra không đi đến manh mối nào cả.

Khi gặp thám tử Ninni, người cung cấp thông tin tự giới thiệu và giải thích rằng anh ta đang ở một khách sạn ở Milan, nơi anh ta đã nghe người khuân vác đêm khoe khoang về việc đã thuê được sát thủ giết hại Maurizio Gucci. Tiết lộ này dẫn các nhà chức trách đi vào một con đường quanh co, cuối cùng dẫn đến sáng tỏ một âm mưu ám sát, mà chủ mưu chính là vợ cũ của Maurizio Gucci. 

Là người thừa kế của đế chế thời trang Italy, Maurizio Gucci đã có tất cả. Ông lớn lên trong sự xa hoa, được phụ trách thương hiệu thời trang nổi tiếng bậc nhất thế giới và kết hôn với một nhân vật đình đám trong làng mốt và giải trí. Nhưng người thừa kế đầy tham vọng cuối cùng không chỉ mất toàn bộ quyền kiểm soát Gucci, mà còn bị sát hại trong một bi kịch gây rúng động làng thời trang thế giới.

Chú thích ảnh
Thi thể Maurizio Gucci được khiêng bằng cáng tại hiện trường vụ ám sát năm 1995. Ảnh: Getty Images

Maurizio Gucci sinh ngày 26/9/1948 tại Florence, Italy, nơi ông nội Guccio Guccio của ông sáng lập thương thiệu thiết kế lừng danh vào năm 1921. Khi được người chú Aldo tiếp quản thời hậu Thế chiến thứ hai, thời trang Gucci đã được các ngôi sao Hollywood và John F. Kennedy ưa thích. Với sự trợ lực của Reggiani, Maurizio Gucci đã chiến đấu để giành quyền làm chủ tịch công ty, để rồi cuối cùng bị sát hại vào ngày 27/3/1995.

“Đó là một buổi sáng mùa xuân đẹp đẽ, rất yên tĩnh”, ông Giuseppe Onorato, người gác cửa tại văn phòng riêng của Maurizio Gucci tại số 20 phố Palestro kể lại.

“Ông Gucci đến, mang theo vài quyển tạp chí và chào mọi người. Sau đó, tôi nhìn thấy một bàn tay. Đó là một bàn tay sạch, đẹp, đang chĩa súng”.

Maurizio Gucci bị bắn bốn phát vào lúc 8h30 sáng và chết trên bậc thềm tòa nhà văn phòng của chính mình. Khi đó ông 46 tuổi.

Bi kịch gia đình Gucci đã được tái hiện trong bộ phim điện ảnh "House of Gucci" vừa khởi chiếu tại Mỹ ngày 24/11. Xem trailer phim (Nguồn Kinocheck):

Gặp gỡ nữ hoàng tiệc tùng

Năm 1971, Maurizio Gucci gặp gỡ Patrizia Reggiani trong một bữa tiệc ở Milan. Cô nàng vốn là con gái của một người kinh doanh xe tải với một nữ hầu bàn. Họ rất giàu có nhưng không phải tầng lớp quý tộc. Reggiani lớn lên trong sự chiều chuộng của bố và dần dần bước chân vào giới thượng lưu. 

Là một nhân vật quan trọng trong vòng quay tiệc tùng ở châu Âu vào cuối những năm 1960, đầu 1970, Reggiani đã sớm tự kiếm được nguồn tiền cho bản thân. Ngay từ lần đầu tiên, Maurizio Gucci đã bị thu hút về cô nàng.

“Cô gái xinh đẹp mặc đồ đỏ trông giống Elizabeth Taylor kia là ai vậy”, Gucci hỏi một người bạn.

Chú thích ảnh
Maurizio Gucci vào năm 1981. Ảnh: Getty Images

Bất chấp những lời cảnh báo của cha mình, chàng công tử nhà Gucci quá say mê Reggiani. Ông Rodolfo Gucci thậm chí cầu xin con trai cẩn thận trước những những động cơ thầm kín của cô nàng, nói rằng ông biết cô ta là người thô tục, đầy tham vọng, “một người muốn đi lên chẳng có gì ngoài tiền”.

- “Bố, con không thể rời cô ấy. Con yêu cô ấy”, Maurizio Gucci hét lên. 

Năm 1972, quý tử nhà Gucci kết hôn với Reggiani ở tuổi 24. Họ trải qua những tháng ngày xa hoa không kể xiết, với một du thuyền 70 mét, một căn penhouse ở Manhattan, trang trại ở Connecticut, một dinh thự ở Acapulco và một ngôi nhà nghỉ trượt tuyết ở vùng St. Moritz. 

Có Reggiani như một “trùm cố vấn”, Maurizio Gucci ngày càng đủ tự tin để đứng lên thể hiện quyền lực với cha mình. Nhưng khi ông Rodolfo qua đời năm 1983 và để lại cho con trai 50% cổ phần của Gucci, Maurizio không còn nghe theo Reggiani nữa. Ông bắt đầu âm mưu một cuộc chiếm đoạt hoàn toàn, dẫn đến xung đột gia đình, ly hôn và cuối cùng là án mạng.

Chú thích ảnh
Nhà nghỉ trượt tuyết ở St Moritz của Maurizio Gucci. Ảnh: Getty Images

“Maurizio đã phát điên lên. Cho đến khi đó, tôi vẫn là cố vấn chính về tất cả các vấn đề của Gucci. Nhưng anh ấy muốn trở thành người giỏi nhất, và không còn nghe tôi nữa”, Reggiani sau này cho biết.

Hôn nhân rạn nứt

Maurizio đã nắm được cổ phần kiểm soát với đế chế Gucci, nhưng ông còn muốn mua nốt cả cổ phần của người chú Aldo, và đã khởi động một nỗ lực pháp lý để làm điều đó. Người chú tức giận, phản đối bằng một vụ kiện cáo buộc Maurizio giả mạo chữ ký cha mình, ông Rodolfo, để tránh phải trả thuế thừa kế. Maurizio ban đầu bị kết tội, nhưng sau đó được tuyên trắng án.

Cuộc hôn nhân với Reggiani càng thêm rạn nứt khi Maurizio Gucci quay lại với tình cũ Paola Franchi. Franchi vốn là một “ngọn lửa” cũ trong vòng xoáy tiệc tùng thời trẻ của Maurizio, nhưng cô không tham gia vào những quyết định kinh doanh của ông như Reggiani. Năm 1985, Maurizio rời bỏ hẳn người vợ của mình, bước vào một hành trình mà ông không bao giờ có cơ hội trở về.

Maurizio Gucci bắt đầu chung sống với người tình Franchi. Ông thậm chí còn can thiệp để công ty tài chính - ngân hàng Investcorp có trụ sở ở Bahrain mua toàn bộ cổ phần Gucci mà những người họ hàng của ông sở hữu với giá 135 triệu USD vào tháng 6/1988. Một năm sau đó, Maurizio trở thành chủ tịch của Gucci.

Điều không may là dưới sự lãnh đạo của ông, hoạt động tài chính của công ty thời trang xa xỉ này lại sa sút và chìm trong giới hạn đỏ từ năm 1991-1993.

Chú thích ảnh
Roberto Gucci, Georgio Gucci và Maurizio Gucci (từ trái sang) dự một lễ khai trương cửa hàng Gucci ở Paris vào 22/9/1983. Ảnh: Getty Images

Năm 1993, Maurizio bán cổ phần còn lại của mình với giá 120 triệu USD cho Investcorp và mất hoàn toàn quyền thừa kế đế chế thời trang gia đình. 

Vụ ly hôn của Maurizio với Reggiani được hoàn tất một năm sau. Được nhận khoản tiền cấp dưỡng mỗi năm 1 triệu USD, nhưng Reggiani vẫn tuyệt vọng tức giận vì bị thay thế bởi một phụ nữ còn già hơn mình.

“Tôi tức giận với Maurizio về rất nhiều điều vào thời điểm đó. Nhưng trên hết là chuyện này. Để mất công ty gia đình, đó là sự ngu xuẩn, đó là thất bại. Trong tôi tràn ngập cơn thịnh nộ, nhưng tôi chẳng thể làm gì được”, Reggiani nói. Trong đầu cô khi đó đã nung nấu một kế hoạch trừng phạt người chồng cũ.

Xem Kỳ 2 "CÁI CHẾT BÊN THỀM"
 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo A.I, Forbes)
Vụ án rúng động làng thời trang - ‘ông trùm’ Gucci bị vợ thuê người ám sát - Kỳ cuối
Vụ án rúng động làng thời trang - ‘ông trùm’ Gucci bị vợ thuê người ám sát - Kỳ cuối

Đối chất trước tòa với bằng chứng đã trả cho đồng phạm 365.000 USD để tìm thuê một sát thủ, Reggiani lạnh lùng trả lời: “Nó đáng giá từng lira”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN