Chiến dịch Opera: Israel đập tan giấc mơ hạt nhân của Iraq

 Iraq khởi động chương trình hạt nhân từ những năm 1960, nhưng phải tới khi Đảng Baath lên nắm quyền vào năm 1968, chương trình này mới được thúc đẩy mạnh mẽ. Cuối những năm 1970, Irắc đã mua được từ Pháp một lò phản ứng hạt nhân lớp Osiris. Mặc dù lúc đó Bátđa đã ký Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và việc lắp đặt lò phản ứng hạt nhân Osirak tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Al Tuwaitha nằm dưới sự giám sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, nhưng đối với Ten Avíp, việc Irắc sở hữu công nghệ hạt nhân chẳng khác gì một mối đe dọa trực tiếp. Để đập tan giấc mơ hạt nhân của Irắc, Ixraen đã bí mật mở một chiến dịch quân sự chớp nhoáng mang mật danh “Opera”, đặt dưới sự chỉ đạo của đích thân Thủ tướng Menachem Begin.

Sơ đồ đường bay đi, về của máy bay Ixraen trong chiến dịch Opera.

16 giờ 55 giờ địa phương (12 giờ 55 giờ GMT) ngày chủ nhật 7/6/1981, dưới sự yểm trợ của một biên đội gồm 6 chiếc máy bay tiêm kích F-15A, 8 chiếc máy bay cường kích F-16A (4 chiếc từ phi đoàn 117 và 4 chiếc từ phi đoàn 110) của không quân Ixraen được lệnh xuất kích. Mỗi chiếc F-16A mang theo 2 quả bom Mark-84 nặng 2.000 bảng (hơn 900 kg) cùng rất nhiều thùng dầu phụ để có thể vượt qua 1.600 km từ căn cứ quân sự Etzion trên bán đảo Sinai của Ai Cập, do Ixraen chiếm đóng đến địa điểm oanh tạc (Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Al Tuwaitha) mà không phải tiếp nhiên liệu. Để thoát khỏi khả năng bị phát hiện bởi các đài rađa của Gióocđani và Arập Xêút, những chiếc máy bay tham gia chiến dịch Opera đều phải bay ở độ cao dưới 240 m. Chính nhờ chiến thuật này, những chiếc F-16A và F-15A của Ixraen không những tránh được lưới lửa phòng không của Gióocđani và Arập Xêút, mà còn giữ được bí mật tới phút cuối. Sau khi xâm nhập không phận Irắc, theo kế hoạch ban đầu, các phi công Ixraen hạ độ cao, duy trì bay ở khoảng cách 30 m so với mặt đất.


Chiếc máy bay F-16A Netz243 của Ixraen do đại tá Ilan Ramon lái trong chiến dịch Opera


21 giờ 35 cùng ngày, lực lượng tác chiến của Ixraen chỉ còn cách Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Al Tuwaitha của Irắc khoảng 20 km về phía đông. Các phi công lái F-16 bắt đầu sử dụng dầu phụ, cho máy bay vọt lên độ cao 2.130 m, rồi bổ nhào xuống mái vòm của lò phản ứng hạt nhân Osirak với tốc độ 1.100 km/giờ, theo góc 35 độ. Khi lao xuống độ cao 1.100 m, họ bắt đầu cắt bom, quả sau cách quả trước 5 giây. Cả 16 quả bom Mark-84 đều đánh trúng mục tiêu, nhưng trong đó 2 quả đã không nổ được. Lúc này, lực lượng bảo vệ lò phản ứng hạt nhân Osirak mới sực tỉnh. Pháo phòng không được lệnh đánh trả, nhưng những chiếc máy bay ném bom của Ixraen đã kịp vọt lên độ cao 12.200 m và quay đầu thực hiện hành trình trở về căn cứ. Một điều lạ lùng là phía Irắc đã không phái máy bay tiêm kích truy đuổi. Do đó, những chiếc máy bay Ixraen tham gia chiến dịch Opera thong dong ra về mà không bị hề hấn gì. Vụ oanh tạc đầu tiên trên thế giới nhằm vào một cơ sở hạt nhân đã hoàn thành mỹ mãn mà không gây ra thảm họa phóng xạ (lò phản ứng hạt nhân Osirak lúc bị tấn công chưa đến giai đoạn nạp nhiên liệu hạt nhân).


Sơ đồ bổ nhào cắt bom của máy bay Ixraen trong chiến dịch Opera.


Ngày 19/6/1981, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết lên án vụ đột kích của Ixraen vào Irắc. Nhưng chính quyền Do Thái đã ngang nhiên phớt lờ và khẳng định, họ chỉ hành động nhằm dập tắt một mối đe doạ về hạt nhân mà thôi, đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình bằng mọi giá. Thậm chí, Ten Avíp còn chỉ trích Pháp và Italia đã cung cấp cho Irắc nguyên liệu hạt nhân.


Minh Thành (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN