Chân dung chủ nhân Nobel Hòa bình 2019 - Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed

Năm 2018, chính trị gia theo chủ nghĩa cải cách Abiy Ahmed trở thành Thủ tướng Ethiopia. Ông lên nắm quyền giữa thời kỳ khủng hoảng chính trị sâu sắc với sự bất bình lan rộng khắp đất nước.  

Nỗ lực vì hòa bình – hòa giải - hợp tác

Chú thích ảnh
Ông Abiy (bên trái) cùng nhà lãnh đạo Eritrea Isaias Afwerki trong lễ mở lại Đại sứ quán Eritrea tại Addis Ababa. Ảnh: CNN

Sau một năm bắt tay vào thực thi các cải cách chính trị-xã hội, Thủ tướng Abiy Ahmed đã đem đến sự đổi thay khác biệt cho quốc gia châu Phi 105 triệu dân Ethiopia. Tốc độ thay đổi tại Ethiopia diễn ra nhanh chóng đến nỗi, kể từ khi ông Abiy Ahmed nhậm chức hồi tháng 4/2018, nơi đây gần như trở thành một đất nước khác biệt.

Những chính sách cải cách mà ông đưa ra dường như là điều không tưởng cách đây không lâu và đang làm hồi sinh một đất nước sau nhiều năm chìm trong tham nhũng, bất bình đẳng xã hội và xung đột với quốc gia láng giềng Eritrea.

Chính phủ Ethiopia từng bị các tổ chức nhân quyền lên án là kìm hãm tự do ngôn luận, cầm tù các thủ lĩnh đối lập và đàn áp biểu tình. Ethiopia cũng kiên quyết phản đối phán quyết của một ủy ban biên giới quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hai thập kỷ với Eritrea. Nhưng tất cả đã thay đổi kể từ tháng 4/2018. 

Chú thích ảnh

Chỉ trong vài tháng ít ỏi, vị Thủ tướng trẻ trung Abiy Ahmed đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia, ra lệnh thả tự do cho hàng ngàn tù nhân chính trị, cho phép những người bất đồng chính kiến sống lưu vong được trở về quê hương, bổ nhiệm nhiều nữ bộ trưởng vào nội các, cùng với chấm dứt tình trạng "cấm cửa" hàng trăm kênh truyền hình và trang web. 

Đối với hàng triệu người dân Ethiopia, chúng đều là những sự đổi thay quan trọng và lý thú. Khi được hỏi về sự cải cách nào dưới thời ông Abiy giúp thay đổi cuộc sống ngoạn mục nhất, một nữ công dân đã đề cập đến quyết định giảm giá cước cuộc gọi điện thoại vào tháng 9/2018 của nhà cung cấp viễn thông nhà nước Ethiotel. 

Nhà lãnh đạo 43 tuổi này cũng tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh với Eritrea bằng cách đồng ý từ bỏ vùng lãnh thổ biên giới tranh chấp, mở ra giai đoạn mới trong tiến trình bình thường hóa quan hệ. Thủ tướng Ahmed là người đã ký kết "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị" với Eritrea, qua đó mở ra chương mới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng này sau hai thập kỷ thù địch. Hai nước chính thức nối lại quan hệ tháng 7/2018.

Tuy vậy, bước thay đổi ngoạn mục trên không thể làm hài lòng tất cả. Hai tháng sau nhậm chức, ông Abiy trở thành mục tiêu của một vụ tấn công. Hai người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom tại buổi tiếp xúc của ông với người dân. 

Thủ tướng Abiy Ahmed, người lên nắm quyền sau quyết định từ chức đột ngột của người tiền nhiệm Hailemariam Desalegn, đã cho thấy ông là một chính trị gia sắc sảo, sở hữu nhiều thành tích về học vấn và quân sự ấn tượng. 

Ông là ai?

Chú thích ảnh
Giáo hoàng Francis gặp ông Abiy Ahmed tại Vatican. Ảnh: CNN

Ông Abiy Ahmed Ali sinh ngày 15/8/1976. Xuất thân của ông Abiy rất quan trọng trong cách người dân nhìn nhận về ông. Ông là nhà lãnh đạo người sắc tộc Oromo đầu tiên của Ethiopia. Đây là những người mở màn phong trào biểu tình chống chính phủ kéo dài gần ba năm tại quốc gia Đông Phi này. Một trong những nguyên nhân chính khiến họ phản đối chính phủ chính là việc họ bị đối xử thiệt thòi về kinh tế, chính trị và văn hóa suốt nhiều năm nay, mặc dù là cộng đồng người đông đảo nhất ở Ethiopia. 

Việc ông Abiy Ahmed lên nắm quyền, nhận được sự hỗ trợ rất lớn trong giới trẻ Oromo cùng với các nhóm sắc tộc khác, đã bắt đầu thay đổi tình trạng bất công bằng trên. Ông hiện là chủ tịch của cả hai đảng cánh tả cầm quyền EPRDF (Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân Ethiopia) và ODP (Tổ chức Dân chủ Oromo), là một trong bốn đảng liên minh của EPRDF.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Abiy Ahmed cũng đi tiên phong trong việc nâng cao vai trò của nữ giới trong đời sống chính trị và xã hội Ethiopia. Ông đưa ra những quyết định chưa từng có tiền lệ khi bổ nhiệm nữ giới chiếm tới 50% số bộ trưởng trong Chính phủ Ethiopia. Đặc biệt, lần đầu tiên quốc gia châu Phi này có một Bộ trưởng Quốc phòng là nữ giới. Nhà lãnh đạo trẻ này cho phép hợp pháp hóa với các nhóm đối lập từng một thời gian dài bị coi là "ngoài vòng pháp luật", cũng như tiến hành hàng loạt cải cách và cam kết tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và tự do.

Song song vấn đề chính trị đối nội, ông Abiy Ahmed đã tạo ra những cải cách ngoạn mục trong chính sách đối ngoại của Ethiopia. Ông không ngừng công tác nước ngoài. Ông đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại hầu hết các quốc gia ở Vùng sừng châu Phi. Ông cũng đến công du Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar. Ông Abiy đã đề cao mối quan hệ đối tác mới với Ethiopia, Eritrea và Somalia là trọng tâm của lực hấp dẫn trong khu vực. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Ahmed đã có nhiều nỗ lực bền bỉ để giúp các phe phái ở Sudan đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực sau nhiều năm khủng hoảng chính trị và xung đột đẫm máu.

Việc hai nước cựu thù Ethiopia và Eritrea chính thức nối lại quan hệ từ tháng 7/2018 đã đưa hình ảnh của ông Abiy cùng Ethiopia lên một vị thế khác biệt, cũng như xác định quốc gia ở vùng Sừng châu Phi này là một nước mạnh trong khu vực. 

Các nước Vùng Vịnh ở bên kia Biển Đỏ đã chú ý đến Ethiopia vì những lý do riêng – chủ yếu là sự gần gũi của nước này với Yemen cùng với tham vọng được trở thành một phần trong nền kinh tế phát triển nhanh chóng này. 

Chú thích ảnh

Sự thay đổi nhanh chóng trên thậm chí còn được cảm nhận từ bên ngoài Ethiopia. Eritrea và hiện nay là Djibouti và Somalia đều đang nhận thấy sức mạnh của hiệu ứng mang tên Abiy Ahmed. Các hãng hàng không quốc gia Ethiopia lần đầu tiên hạ cánh xuống Mogadishu (Somalia) sau 41 năm. Djibouti đang đàm phán chia sẻ bến cảng của nước này với Ethiopia. Ý tưởng về hòa bình với khu vực này cuối cùng là một triển vọng thú vị.

Ngày 11/10 theo giờ Na Uy (chiều 11/10 giờ Việt Nam), Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy tuyên bố trao giải Nobel Hòa bình năm 2019 cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen tuyên bố: “Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2019 cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed vì những nỗ lực của ông nhằm kiến tạo hòa bình và hợp tác quốc tế, cũng như vì sáng kiến mang tính quyết định của ông nhằm giải quyết cuộc xung đột biên giới với quốc gia láng giềng Eritrea”.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Giải Nobel Hòa bình năm 2019 vinh danh Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed
Giải Nobel Hòa bình năm 2019 vinh danh Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed

Ngày 11/10 theo giờ Na Uy (chiều 11/10 giờ Việt Nam), Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy tuyên bố giải Nobel Hòa bình năm 2019 đã được trao cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN