Câu lạc bộ “Cá thiên thần” của Mark Twain

Sau khi vợ và con gái qua đời, nhà văn nổi tiếng nước Mỹ, Mark Twain, đã bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Trong nỗi cô đơn và khao khát được sống vui vầy bên con cháu, Mark Twain đã thành lập câu lạc bộ Thủy cung với thành viên là các cô bé dễ thương mà ông gọi là “Cá thiên thần” để khỏa lấp khoảng trống tình cảm lúc tuổi xế chiều.


Mark Twain đơn độc trong nhà riêng.


Nhà văn Mark Twain trong giai đoạn cuối đời đã chịu nhiều cú sốc tình cảm. Con gái lớn Susy mất năm 1896. Tám năm sau đó, vợ ông cũng qua đời. Trong hai cô con gái còn lại, cô út Jean mắc chứng động kinh, còn Clara - người con duy nhất còn sống trước khi ông mất - lại mải mê theo đuổi nghệ thuật ở Áo. Mark Twain đành phải sống cô độc trong căn nhà trống trải.


Hoàn cảnh thiếu vắng tình cảm đã khiến ông nảy ra ý tưởng thành lập nhóm “Cá thiên thần”. Sở dĩ Mark Twain chọn cái tên “Cá thiên thần” là vì với ông, đây là loài cá đẹp nhất của đại dương mênh mông.


Câu lạc bộ Thủy cung gồm những cô bé tuổi từ 10 đến 16. Theo Mark Twain, ở độ tuổi này, các cô bé ngây thơ, sống vui vẻ, không bị tổn thương, không biết đến nước mắt và bất hạnh. Ở gần những thiên thần trong sáng này, Mark Twain có lẽ cũng phần nào quên đi nỗi đau tình cảm, thấy mình tươi trẻ và hạnh phúc hơn nhiều.

Chiếc ghim cài áo “Cá thiên thần”.


Các thành viên “Cá thiên thần” đều được Mark Twain tặng cho một chiếc ghim cài áo hình cá thiên thần mà ông mua ở Bermuda. Cho tới nay, còn ít nhất một chiếc ghim cài áo được lưu giữ tại thư viện Mark Twain ở Redding, bang Connecticut.


Tất cả những cô bé trong câu lạc bộ đều là con gái của các cặp vợ chồng cùng địa vị xã hội với Mark Twain. Ông thường gặp những đôi vợ chồng này trên các con tàu đi Anh và Bermuda. Một trong số các “Cá thiên thần” là cô bé Helen Allen. Lúc nhà văn Mark Twain ở cùng gia đình Allen ở Bermuda, cô bé mới 12 tuổi. Bố cô bé là Phó Hội đồng Mỹ ở Bermuda, còn bà cô bé đã biết vợ Mark Twain từ lâu. Mark Twain dành cho cô bé những lời khen trìu mến như “vẻ đẹp hoàn hảo, tính cách đáng yêu và ánh nhìn thu hút”.


Với các bé “Cá thiên thần”, Mark Twain là một người ông đầy tình yêu thương. Ông thường mời các cô cháu gái đi nghe hòa nhạc, đến rạp hát, rạp chiếu phim hoặc đến nhà riêng chơi bài, bida hay đọc sách. Khi ở Bermuda, ông còn cùng một số cô bé đi dạo chơi bằng xe lừa kéo.


Mark Twain và các “Cá thiên thần”.


Tại nhà riêng của Mark Twain lúc nào cũng có phòng trống sẵn sàng tiếp đón các “Cá thiên thần”. Các cô bé thường có người lớn đi kèm, hoặc là mẹ hoặc là người giám hộ, mỗi khi đến thăm Mark Twain. Do đó, trong phòng dành cho các “Cá thiên thần” thường có hai giường riêng biệt.


Ngoài việc bố trí phòng ngủ, Mark Twain cũng biến phòng chơi bida thành một khu vực dành riêng cho các cô cháu gái của ông. Bên trên cánh cửa căn phòng này là một tấm biển đề “Thủy cung” và trên các bức tường là ảnh của các cô bé “Cá thiên thần”.


Mark Twain liên lạc với các thành viên câu lạc bộ Thủy cung bằng thư từ khi họ không thể gặp mặt. Ông viết cho các cô bé những bức thư với những câu chữ vô cùng tình cảm mà khiến người ngoài cuộc, trong đó có cả con gái ông là Clara, cũng không khỏi hoài nghi sự trong sáng của mối quan hệ này. Điển hình là bức thư Mark Twain viết cho Dorothy Harvey sau sinh nhật 14 tuổi của cô bé. Bức thư có câu: “Ta ước gì ta có thể có những chuyến đi biển miễn phí, không phải làm gì và được nhìn con mỗi ngày”. Hay bức thư ông gửi Dorothy Quick, 11 tuổi: “... Ta đã đi ngủ ngay khi con rời khỏi đây. Không còn gì đáng sống sau đó và tất cả ánh dương đã vụt tắt. Con nghĩ ta sẽ làm thế nào để quen với việc thiếu vắng con?” .


Trên thực tế, tình cảm giữa Mark Twain và các cô bé chỉ đơn thuần là tình cảm của một người ông dành cho đàn cháu. Có một mối quan hệ duy nhất dường như không phải là tình ông cháu, tuy nhiên nó lại không xuất phát từ phía Mark Twain và cô bé này cũng không phải là một “Cá thiên thần”. Đó là trường hợp của Gertrude Natkin, 15 tuổi. Cô trao đổi thư từ với Mark Twain và dần phải lòng nhà văn Mark Twain 70 tuổi theo kiểu tình cảm con nít. Khi nhận thấy lời lẽ trong bức thư của Natkin bày tỏ sự mến mộ mình hơi quá đà, Mark Twain bắt đầu lo ngại và xa dần cô bé. Một mặt ông không muốn dính vào mối quan hệ không đúng đắn, không muốn khuyến khích tình cảm của cô bé, mặt khác ông không muốn thiên hạ dị nghị câu lạc bộ “Cá thiên thần” của ông.


Câu lạc bộ Thủy cung đã khiến con gái Clara của Mark Twain sốc. Khi Clara trở về thăm bố và biết được sự tồn tại của các “Cá thiên thần”, cô đã rất ghen tị. Cô cấm người giúp việc lưu giữ các bức thư của các cô bé “Cá thiên thần” gửi cho bố mình.


Theo thời gian, tình cảm của Mark Twain dành cho nhóm “Cá thiên thần” cũng dần nhạt nhòa khi các cô bé đến tuổi trưởng thành và có bạn trai. Vài năm sau khi thành lập câu lạc bộ Thủy cung, Mark Twain qua đời sau một cơn đau tim vào tháng 4/1910. Trong lúc ông đau ốm, tất cả các thành viên của câu lạc bộ đã thường xuyên túc trực, chăm sóc ông cho tới phút cuối đời. Cái kết đẹp này dường như đã phần nào bù đắp cho quãng đời bất hạnh của nhà văn Mark Twain, người luôn mang tiếng cười cho thế giới để khỏa lấp sự bất hạnh của chính mình.


Huyền Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN