Kỳ cuối: Đoạn video gây chấn động
Flämig và Steindl, hai nhà leo núi người Áo quay lại khu vực The Shoulder, đã quay cảnh vật bằng máy bay không người lái về chặng đường đi qua khi họ xuống. Khi xem lại các cảnh quay ở trại vào ngày hôm sau, họ vô cùng kinh hoàng.
Từng người một, những người leo núi bước qua cơ thể người đàn ông sắp chết và đi tiếp. Họ không dừng lại.
Máy bay không người lái cho thấy hàng chục người leo núi đi qua Mohammad, dường như phớt lờ người khuân vác khi anh đang hấp hối nằm trên đường đi.
Đối với Flämig và Steindl, quy tắc đạo đức của người leo núi đang bị vi phạm ngay trước mắt họ. Steindl cho biết lẽ ra phải nỗ lực đưa Mohammad xuống núi càng sớm càng tốt. Anh nói: “Nhưng nếu nhiệm vụ giải cứu bắt đầu vào thời điểm này, những người phía sau chỗ ùn tắc phải quay đầu lại và đi xuống. Không ai có thể lên đỉnh núi. Tôi không biết liệu có thể đưa anh ấy còn sống xuống núi hay không. Nhưng chắc chắn phải giải cứu. Nếu ai đó sắp chết, việc dừng đoàn thám hiểm để đưa họ xuống núi là điều bình thường. Nhưng người ta không dừng lại”.
Người leo núi là khách hàng của ít nhất 5 công ty đã lên tới đỉnh K2 vào cuối tháng đó. Harila phá kỷ lục thế giới của mình và Doe sẽ lần đầu tiên lên được đỉnh K2.
Tại đỉnh núi, Tarso gặp Harila và Tenjen và nói với họ rằng Mohammad vẫn còn sống nhưng trong tình trạng tồi tệ.
Harila nói thêm rằng cô đã nhận được tin từ nhóm hỗ trợ của mình qua điện thoại vệ tinh rằng mọi người đều ổn. Nhưng khi cô đi xuống và quay trở lại đường đi, Mohammad đã chết. Không thấy người bạn đồng hành của anh đâu cả.
Hóa ra, cơn bão mà người ta nghĩ sẽ càn quét khu vực này vào ngày 28 trước đó đã không xuất hiện. Một số người leo núi còn lại đã leo thành công lên đỉnh K2 trong những ngày tiếp theo, nâng tổng số người leo lên đỉnh trong năm nay lên ít nhất là 102.
Video ghi lại cảnh người leo núi bước qua Mohammad để chỉnh phục đỉnh K2:
Nhưng khi trở lại trại ở chân núi, cái chết của Mohammad vẫn ám ảnh tâm trí những người leo núi. Một số người bị ám ảnh vì phải bước qua Mohammad khi anh đang đau đớn. Mohammad đã cố gắng cầu cứu mọi người.
Leo núi cao 8.000 mét thì rủi ro tử vong là một thực tế có thể xảy ra, nhưng Westlake nói rằng vấn đề nằm ở chỗ là mọi người bước qua một người đàn ông vẫn còn sống và đang hấp hối, rồi người này đã chết vài giờ sau đó.
Một số công ty thám hiểm đã tổ chức lễ ăn mừng có pháo hoa cho khách hàng đã leo lên được đỉnh K2, mặc dù không khí chung rất ảm đạm. Steindl cảm thấy kinh hoàng, nói với tờ Business Insider: “Một người đã chết, nhưng những người đang ăn mừng lại đã bước qua anh ấy để lên tới đỉnh. Bây giờ họ đang ăn mừng thành công à?”
Steindl kể rằng trên đường đi xuống núi, anh và Flämig gặp một người bạn của gia đình Mohammad. Người này đã cho họ biết nơi sinh sống của gia đình người khuân vác đã qua đời. Họ cùng Tarso đã đến làng Tisar để gửi lời chia buồn.
Mohammad qua đời, để lại ba cậu con trai nhỏ, người vợ góa bụa và mẹ già mắc tiểu đường.
Steindl đã phát động quỹ GoFundMe cho gia đình Mohammad, từ đó đã quyên góp được 150.000 USD cho phí pháp lý, việc học và các chi phí trong tương lai của gia đình.
Mohammad là một người đàn ông nhút nhát, ít nói ở độ tuổi 20 khi lần đầu gặp nhà leo núi người Na Uy Jutta Vanessa Tørkel vào năm 2017.
Cô đang đến thăm khu vực Karakoram cùng chồng và Mohammad là một trong những người khuân vác cho nhóm của họ.
Cặp vợ chồng này đã kết bạn với Mohammad và những người khuân vác khác. Họ đều là những người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực và thực hiện những chuyến khuân vác gian khổ đến các trại trong điều kiện thiếu trang thiết bị an toàn.
Mohammad nhận thức sâu sắc về địa vị xã hội thấp kém của mình khi là một dân làng nghèo ở Pakistan, luôn cúi đầu, mỉm cười và tuân theo chỉ dẫn của người khác.
Tørkel cho biết đây là năm đầu tiên Mohammad được giao nhiệm vụ làm việc trên đỉnh K2. Đối với cô, để Mohammad làm công việc này là điều không hợp lý vì họ không quen với cuộc sống trên núi như người Sherpa.
Mohammad thường làm những công việc xây dựng thời vụ ở Thung lũng Shigar và đi K2 vào mỗi mùa leo núi. Giống như những người khuân vác khác, anh được trả 70 USD trong ba tuần để vận chuyển thiết bị đến các trại.
Đó là số tiền lớn đối với những người như Mohammad. Nếu họ đủ may mắn, họ có thể kiếm được tới 20 USD trong một ngày, với tổng số tiền là 840 USD trong một mùa leo núi kéo dài.
Người khuân vác là không phải là thành viên của bất kỳ nhóm thám hiểm nào, làm việc giống như những người làm nghề tự do.
Công ty thuê Mohammad là Lela Peak Expedition. Một người khuân vác làm việc cùng Mohammad nói rằng những người khuân vác trên núi cao đã được cấp 750 USD trong năm nay để mua thiết bị, nhưng không rõ vì lý do gì, Mohammad không có bộ đồ mặc kín người.
Nhưng Mohammad vẫn tiếp tục. Đây là lần đầu tiên anh được trả lương với tư cách là người khuân vác trên núi cao.
Thiếu kinh nghiệm leo núi và thiếu trang thiết bị phù hợp, không rõ tại sao Mohammad lại được cử lên hỗ trợ đội buộc dây ở độ cao hơn 8.000 mét.
Những người leo núi kỳ cựu cho biết buộc dây là công việc khó khăn nhất trên núi.
Cho dù biết rằng họ đang phải đối mặt với mối nguy hiểm nghiêm trọng, nhưng hầu hết những người khuân vác đều có xu hướng tuân theo mệnh lệnh của các ông chủ người Pakistan. Hầu hết đều sinh ra với địa vị thấp và đôi khi bị đối xử như những nguồn lực dùng một lần trong cộng đồng địa phương.
Khi tin tức về cái chết của Mohammad lan truyền cùng với đoạn video ghi lại cảnh người leo núi bước qua Mohammad để tiếp tục hành trình, những người leo núi K2 nhanh chóng trở thành mục tiêu phẫn nộ của thế giới trực tuyến.
Steindl và Flämig đã trả lời phỏng vấn các tờ báo của Áo, nhấn mạnh rằng lẽ ra Mohammad phải được giải cứu.
Nguyên nhân chính xác dẫn tới cái chết của Mohammad vẫn chưa được xác định.
Nhiều người cho rằng đưa Mohammad xuống núi là nhiệm vụ cực kỳ khó, nếu không nói là bất khả thi. Tuy nhiên, nếu Mohammad là một nhà leo núi nước ngoài và là thành viên của một đội thám hiểm, anh có thể đã có cơ hội sống sót.
Cái chết của Mohammad là một vết nhơ không thể xóa nhòa và nỗi xấu hổ cho giới leo núi. Steindl cho biết anh lo lắng cho tương lai của môn leo núi. Anh nói: “Tôi nghĩ hệ thống ở đó đã thất bại. Bởi vì không ai cảm thấy phải chịu trách nhiệm. Đó mới là vấn đề lớn. Bạn phải dừng lại và nói: 'Không ai được vượt qua điểm này. Bạn phải quay lại và chúng ta đưa anh ấy xuống, chúng ta cố gắng giúp anh ấy”.
Vụ tai nạn trên K2 đã khiến nhiều người trong ngành leo núi vô cùng xấu hổ.
Việc thương mại hóa những đỉnh núi cao 8.000 mét, nơi các công ty đổ nhân lực vào những ngọn núi nguy hiểm chết người để mở đường cho những khách hàng nghiệp dư, đã làm gia tăng số lượng những người leo núi ít kinh nghiệm và phụ thuộc vào người hỗ trợ. Mặc dù ngành leo núi của Pakistan phát triển chậm hơn Nepal hàng thập kỷ, nhưng K2 đang trở thành một điểm nóng như Everest đối với những du khách đang tìm kiếm thử thách khó khăn.
Arnette cho rằng các chính phủ nên hạn chế số lượng người leo núi được phép lên đỉnh núi cao, đặc biệt là K2. Anh nói rằng tất cả các bên liên quan, từ người khuân vác, khách hàng và hướng dẫn viên, phải nhận thức đầy đủ về tất cả những mối nguy hiểm cụ thể trên núi cao.
Anh nói: “Nếu bạn lên một ngọn núi cao 8.000 mét và không nghĩ rằng mình có thể chết thì bạn không nên đến đó”.