Cái chết bí ẩn của một người hùng Liên hợp quốc - Kỳ 1

Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào đêm 17/9/1961, chiếc máy bay chở Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Dag Hammarskjold và 15 người khác rơi xuống Bắc Rhodesia. Cả 16 người trên máy bay đều thiệt mạng, nhưng sự thực về vụ tai nạn đến nay vẫn là bí ẩn lớn nhất thời Chiến tranh Lạnh.

VỊ TỔNG THƯ KÝ CẢ ĐỜI VÌ CHÍNH NGHĨA

“Chúng ta sẽ gặp nhau vào ngày mai,
Cái chết và tôi.
Và nó sẽ đâm thanh kiếm của mình
Vào người đang tỉnh giấc”.

Những dòng thơ về cái chết của chàng trai trẻ Dag Hammarskjold xuất hiện nhiều trong cuốn hồi ký “Markings” viết từ năm 1925 cho tới khi ông qua đời và được xuất bản năm 1963.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Dag Hammarskjold (1905-1961). Ảnh: AP


Suốt thời gian tại nhiệm, ông Hammarskjold đã cống hiến hết mình vì sứ mệnh gìn giữ hòa bình thế giới của LHQ và là TTK LHQ duy nhất được trao giải Nobel hòa bình sau khi qua đời. Trong cuốn sách “The Parliament of Man”, nhà sử học Paul Kennedy ca ngợi Hammarskjöld là TTK vĩ đại nhất của Liên Hiệp Quốc vì sự dũng cảm, không nề hà đương đầu trực tiếp với các vấn đề quốc tế.

Bà Margaret Anstee, người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vai trò Phó Tổng Thư ký LHQ và có 40 năm làm việc cho LHQ, cho rằng Hammarskjold có sự quả cảm để luôn giữ vững các nguyên tắc của mình, có một ý chí sắt đá đối với những mục tiêu theo đuổi. “Có lẽ chẳng bao giờ có lại một tổng thư ký cả đời cống hiến cho công việc như vậy”, bà Anstee nói.

Sinh năm 1905, Dag Hjalmar Agne Carl Hammarskjold là con út của cựu Thủ tướng Thụy Điển Hjalmar Hammarskjold và bà Agnes (Almquist) Hammarskjold. Ông có bằng cử nhân kinh tế tại Đại học Uppsala năm 1928, cử nhân luật năm 1930, và bằng tiến sĩ kinh tế năm 1934. Tuy nhiên, khao khát của bản thân cộng với những tính cách thừa hưởng từ cha mẹ đã dẫn dắt ông tới ngành dịch vụ công mà ông đã cống hiến 31 năm trong các vấn đề tài chính, quan hệ ngoại giao của Thụy Điển, cũng như các vấn đề quốc tế.

Từ năm 1930 tới 1934, ông là thư ký của Ủy ban thành phố về lao động và việc làm. Thành công ở vị trí đầu tiên này giúp ông nhận được sự chú ý của các lãnh đạo Ngân hàng Thụy Điển và được bổ nhiệm chức vụ Thư ký Ngân hàng trung ương Thụy Điển năm 1935. Từ năm 1936, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính và sau đó là Chủ tịch Ngân hàng trung ương Thụy Điển cho tới năm 1948.

Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjold (phải) gặp Tổng thống Mỹ mới được bầu John F. Kennedy tại một hội nghị ở New York năm 1960. Ảnh: AP


Hammarskjold tạo được uy tín với việc đặt ra cụm từ “kinh tế có kế hoạch”. Cùng với anh trai cả của mình, Bo Hammarskjold, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Phúc lợi xã hội, ông đã soạn dự thảo luật mở đường cho sự hình thành “đất nước phúc lợi” hiện nay. Cuối giai đoạn đó, ông thu hút sự chú ý khi là nhà đàm phán tài chính quốc tế trong các cuộc đàm phán với Vương quốc Anh về tái xây dựng kinh tế thời hậu chiến của châu Âu, về định hình thỏa thuận thương mại 12 năm Mỹ - Thụy Điển, tham gia vào các cuộc thảo luận tổ chức Kế hoạch Marshall, và khả năng lãnh đạo tại Ủy ban cấp cao tổ chức hợp tác kinh tế châu Âu.

Mối liên hệ giữa Hammarskjold và Bộ Ngoại giao Thụy Điển bắt đầu năm 1946 khi ông trở thành cố vấn tài chính của bộ này. Năm 1949, ông chính thức vào Bộ Ngoại giao làm việc và được bổ nhiệm làm quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao năm 1951. Dù có ghế trong nội các nhưng ông không tham gia vào đảng phái chính trị nào.

Trong các vấn đề đối ngoại, ông tiếp tục chính sách hợp tác kinh tế quốc tế. Một chiến công ngoại giao của giai đoạn này là tránh cho Thụy Điển cam kết tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi vẫn hợp tác về mặt chính trị trong Hội đồng châu Âu và về kinh tế trong Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Âu.

Ông Hammarskjold đại diện cho Thụy Điển tại Liên hợp quốc vào năm 1949 và các năm 1951-1953. Khi ông Trygve Lie từ chức TTK LHQ vào năm 1953, Hội đồng Bảo an quyết định mời Hammarskjöld nhận chức vụ này với lý do đơn giản: Nhà ngoại giao Thụy Điển này có thể làm hài lòng tất cả các cường quốc trong Hội đồng Bảo an bởi ông đại diện cho một quốc gia trung lập, không có những quan điểm thiên lệch chính trị. Tuy nhiên, lịch sử sau đó chứng minh Hammarskjold “cứng đầu” hơn ý nghĩ ban đầu của các cường quốc. Với 57/60 phiếu thuận, ông được lựa chọn giữ chức TTK LHQ năm 1953 nhiệm kỳ 5 năm và tái đắc cử năm 1957.

Giai đoạn 1954 - 1955, ông đích thân tới Trung Quốc để thương lượng về việc thả tự do cho các phi công Mỹ từng tham gia Chiến tranh Triều Tiên bị Trung Quốc bắt giữ.

Tại Trung Đông, những nỗ lực của ông để giảm căng thẳng ở Palestine và giải quyết các vấn đề của khu vực đã diễn ra suốt thời gian tại nhiệm. Năm 1956, ông thành lập Lực lượng phản ứng nhanh Liên hợp quốc (UNEF). Năm 1957, ông tham gia giải quyết Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez. Năm 1958, ông đề xuất giải pháp cho các cuộc khủng hoảng ở Lebanon và Jordan lên Đại hội đồng và ngay sau đó chỉ đạo việc thành lập Nhóm quan sát của LHQ tại Lebanon và Văn phòng LHQ ở Jordan, dẫn tới sự rút lui của quân đội Mỹ và Anh được gửi tới trước đó.

Năm 1960, nước Cộng hòa dân chủ Congo, mới giành được độc lập từ Bỉ, đã kêu gọi sự giúp đỡ của LHQ để ổn định tình hình trước nguy cơ nội chiến. LHQ đã gửi một lực lượng gìn giữ hòa bình tới Congo, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TTK Hammarskjold, điều mà Liên Xô kịch liệt phản đối và coi những nỗ lực của ông là vô ích.

Khi tình hình xấu đi vào năm 1961, TTK Hammarskjold phải đối phó với những khó khăn gần như không thể vượt qua ở Congo và sự chỉ trích của các nước về chính sách của LHQ. Tháng 9/1961, khi nhận tin về cuộc đụng độ giữa lực lượng LHQ và nhóm vũ trang ở Congo, ông lên đường tới Congo gặp Thống đốc Tshombe với hy vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Kỳ 2: Khủng hoảng Congo

Hạnh Nhân (tổng hợp)
Cái chết bí ẩn của một người hùng Liên hợp quốc-Kỳ cuối
Cái chết bí ẩn của một người hùng Liên hợp quốc-Kỳ cuối

Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào đêm 18/9/1961, chiếc máy bay chở Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Dag Hammarskjold và 15 người khác rơi xuống Bắc Rhodesia. Cả 16 người trên máy bay đều thiệt mạng, nhưng sự thực về vụ tai nạn đến nay vẫn là bí ẩn lớn nhất thời Chiến tranh Lạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN