Cách mạng tháng Tám - điểm khởi đầu của tiến trình hội nhập quốc tế (Phần cuối)

3. Đến nay, vừa tròn 20 năm (1995 - 2015) Việt Nam triển khai đường lối hội nhập quốc tế, đạt được nhiều thành tựu cả về bề rộng lẫn bề sâu, trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội. Liên hệ tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, có thể nêu lên mấy nét nổi bật:

Trải qua hai cuộc kháng chiến kiên cường cùng những trận chiến bảo vệ biên giới và hải đảo, Việt Nam vẫn đứng vững trước mọi thử thách, vẫn bảo vệ trọn vẹn nền độc lập và chủ quyền. Đó là điều kiện tiên quyết để tiến hành hội nhập quốc tế với tư thế một quốc gia độc lập. Nếu không có yếu tố này, khi vẫn còn là nước thuộc địa hay phụ thuộc thì làm sao mà có chỗ đứng ngang hàng với các nước để nói chuyện hội nhập? Cho nên, điều tưởng như tất nhiên lại chính là cái vốn quý nhất, đó là nền độc lập đánh đổi bằng sự hy sinh của bao thế hệ để có được vị thế sánh vai cùng các nước năm châu.

Sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam đã được ký kết ngày 27/1/1973.Ảnh tư liệu



Điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò trong ngày đầu cách mạng: “làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”, “hết sức thân thiện, thành thật hợp tác trên tinh thần bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau” là những phương châm chỉ đạo trong ứng xử với các đối tác. Vận dụng vào thời kỳ Đổi mới ngày nay, Đảng đã nhiều lần tuyên bố Việt Nam “muốn là bạn với tất cả các nước”, “sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy”, “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì độc lập, hòa bình và phát triển.

Trong quan hệ quốc tế, sự hình thành các mối liên hệ tam giác với ba đỉnh là ba quốc gia hay ba quyền lực có ý nghĩa rất quan trọng. Sự chuyển dịch giữa các đỉnh tam giác, cách xử lý mối quan hệ với từng đỉnh có thể đem lại sự thành công hay thất bại. Trong quan hệ tam giác Pháp - Việt - Trung (Dân quốc) năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý linh hoạt phương châm “Hòa để tiến”, đẩy 20 vạn quân Tưởng về nước, chọn quân Pháp làm đối thủ chính để 10 năm sau, buộc chúng phải rút khỏi nước ta. Trong thập niên 50, Việt Nam đứng giữa hai thế lực Trung-Xô (XHCN) và Pháp - Anh - Mỹ (TBCN), đỉnh Trung Xô ủng hộ Việt Nam, đồng thời có sự hòa hoãn với đỉnh bên kia, nên tại Hội nghị Geneva, ta giành được thắng lợi nhưng có giới hạn. Đến những năm 60 và nửa đầu 70, tam giác Trung - Mỹ - Xô xoay quanh vấn đề Việt Nam.

Bằng cuộc chiến đấu ngoan cường và thuật ngoại giao khôn khéo, Việt Nam đã cân bằng hai bạn đồng minh XHCN, đồng thời hạn chế mặt tiêu cực của những cái bắt tay ở Bắc Kinh và Moscow. Hiệp định Paris được ký kết, đưa toàn bộ lính Mỹ rút về nước. Vào nửa sau những năm 70 và thập niên 80, ba đỉnh tam giác Trung - Mỹ - Xô đã xoay chiều, sự câu kết Trung-Mỹ chống Liên Xô đã đẩy Việt Nam vào thế bị bao vây cô lập. Phải đến thập niên 90, đường lối Đổi mới đã giải tỏa tình trạng đơn độc, mở đường hội nhập cùng cộng đồng thế giới và phát triển thành công. Ngày nay, trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo, Việt Nam lại đứng ở một đỉnh tam giác mà hai đỉnh kia là hai cường quốc bên bờ Thái Bình Dương. Có điều là với thành tựu của quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam hôm nay không đơn độc, vừa khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của hai đỉnh kia, vừa phát huy sức mạnh của bạn bè quốc tế luôn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Trong sự hội nhập quốc tế, việc tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ từ bên ngoài là rất quan trọng. Song điều đó chỉ thực sự có hiệu quả khi bên trong, thực lực phải mạnh, phải chủ động giải quyết công việc của mình.

Hồi năm 1945, khi quân Đồng minh chuẩn bị vào Việt Nam theo quyết định của Hội nghị Potsdam, Đảng đã ra Thông cáo nhắc nhở: “Chú ý rằng: Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta. Nhất là đừng có ảo tưởng rằng quân Tàu và quân Anh, Mỹ sẽ mang lại tự do cho ta. Không, trong cuộc chiến đấu giải phóng cho ta, cố nhiên là phải kiếm bạn đồng minh dầu rằng tạm thời, bấp bênh, có điều kiện nhưng công việc của ta trước hết phải do ta làm lấy”. Và đến Hội nghị Tân Trào, chỉ vài ngày trước Tổng khởi nghĩa, tư tưởng này được nhắc lại một cách mạnh mẽ: “chỉ có thực lực của ta mới quyết định thắng lợi cho ta”.

Những lời căn dặn và kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm xưa vẫn còn vang vọng trong tiến trình hội nhập hôm nay.

Tháng 8/2015
GS. Vũ Dương Ninh ( Đại học Quốc gia Hà Nội)
Cách mạng tháng Tám - điểm khởi đầu của tiến trình hội nhập quốc tế
Cách mạng tháng Tám - điểm khởi đầu của tiến trình hội nhập quốc tế

Đã 70 năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, dẫn đến sự ra đời của một quốc gia độc lập ở Đông Nam Á - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN