Các quốc gia có sự thay đổi về luật vũ khí ra sao sau những vụ xả súng

Vụ xả súng vào ngày 22/3 tại thành phố Boulder (bang Colorado) là bi kịch mới nhất liên quan đến bạo lực súng đạn tại Mỹ. Mặc dù Mỹ không phải là quốc gia duy nhất hứng chịu các vụ xả súng hàng loạt song văn hóa súng đạn tại nước này vẫn luôn là một ngoại lệ so với phần còn lại của thế giới.

Chú thích ảnh
Cảnh sát hỗ trợ người dân tại hiện trường vụ xả súng ở siêu thị King Soopers thuộc Boulder, Colorado, Mỹ, ngày 22/3/2021. Ảnh: New York Times/TTXVN

Theo hãng CNN, trong khi nhiều năm qua, giới chức nước Mỹ vẫn còn đau đầu và người dân còn chia rẽ về luật kiểm soát súng đạn thì tại một số nước đã từng trải qua đau thương do các vụ thảm sát bằng súng gây ra, chính quyền các nước đã có phản ứng kịp thời để thay đổi luật súng đạn lỏng lẻo.

New Zealand

Chỉ vài tuần sau khi thảm sát nhà thờ Hồi giáo Christchurch xảy ra vào tháng 3/2019, khiến 51 người thiệt mạng, quốc hội New Zealand đã gần như đồng loạt thống nhất cấm vũ khí bán tự động theo kiểu quân đội.

Nữ Thủ tướng Jacinda Ardern được ca ngợi vì đã hành động nhanh chóng, tuyên bố sẽ chấm dứt việc tiếp cận vũ khí chỉ vài ngày sau vụ xả súng. Bà cũng công bố một kế hoạch mua lại để bồi thường cho các chủ sở hữu súng bị thu hồi với số tiền bồi thường lên tới hàng trăm triệu USD.

Australia

Bước ngoặt cho Australia thay đổi luật sử dụng súng đạn là sự kiện diễn ra ngày 28/4/1996. Đối tượng 28 tuổi Martin Bryant đã ra tay sát hại 35 người tại một điểm du lịch nổi tiếng ở Tasmania với một khẩu súng trường bán tự động.

Chỉ 12 ngày sau thảm kịch, Thủ tướng mới đắc cử John Howard thông báo cải cách quan trọng liên quan đến luật kiểm soát súng đạn của Australia. 

Súng trường và súng ngắn với nòng đạn cỡ lớn bị cấm, quá trình cấp phép bị siết chặt hơn. Chính phủ Australia cũng tiến hành kế hoạch mua lại và khoảng 650.000 khẩu súng đang lưu hành dù đã đăng ký nhưng nằm trong luật cấm sửa đổi đã bị thu hồi. Động thái này vẫn được nhiều người ở Australia coi là di sản lâu dài của cựu Thủ tướng Howard.

Anh

Anh là một trong những quốc gia có luật sở hữu súng nghiêm ngặt nhất thế giới và rất hiếm dân thường sở hữu súng.

Chú thích ảnh
Cảnh sát hỗ trợ người sống sót trong vụ xả súng ở trường tiểu học Dunblane. Ảnh: CNN

Các biện pháp kiểm soát súng lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1987 khi đối tượng 27 tuổi Michael Ryan tham gia vào một cuộc nổi loạn đẫm máu ở thị trấn Hungerford, Berkshire, miền Nam nước Anh. Được trang bị một khẩu súng lục, lựu đạn cầm tay và một khẩu súng trường tự động, hắn đã cướp đi sinh mạng của 16 người.

Để ngăn chặn các thảm kịch tương tự tái diễn, Vương quốc Anh đã ban hành lệnh cấm các loại vũ khí bán tự động. Chính phủ cũng ra luật mới bắt buộc chủ sở hữu súng ngắn phải đăng ký.

9 năm sau, một bi kịch khác xảy ra khi Thomas Hamilton (43 tuổi) xông vào một trường học ở Dunblane, Scotland, với khẩu súng ngắn sở hữu hợp pháp. Hắn đã khiến 16 đứa trẻ ở độ tuổi 5-6 và các giáo viên thiệt mạng trước khi tự kết liễu mạng sống.

Vụ việc đã tạo ra làn sóng phẫn nộ trong công chúng. Sau một chiến dịch thành công với bản kiến nghị thu hút gần 750.000 chữ ký, quốc hội Anh đã thông qua một luật mới cấm các cá nhân sở hữu tất cả các loại súng ngắn.

Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của luật súng đạn tại Anh luôn bị đặt nghi vấn. Một vụ xả súng hàng loạt khác xảy ra vào năm 2010, khi một tay súng cướp mạng 12 người trong một cuộc xả súng kéo dài 4 giờ ở vùng ngoại ô Cumbria, phía Bắc nước Anh. Nghi phạm được tìm thấy với hai khẩu súng trường trong đó có một khẩu trang bị ống ngắm.

Phần Lan

Hai vụ xả súng năm 2007 và 2008 đã buộc Chính phủ Phần Lan ban hành luật kiểm soát vũ khí mới. 
Năm 2007, Pekka-Eric Auvinen (18 tuổi) đã nổ súng tại trường trung học nơi hắn học bằng một khẩu súng ngắn sở hữu hợp pháp. Hắn ta sát hại 8 người và tự kết liễu. Một năm sau đó, tên Matti Juhani Saari (22 tuổi) đã bắn chết 10 người trong khuôn viên một trường học ở Tây Nam Phần Lan.

Sau các vụ xả súng, tất cả những người nộp đơn xin cấp giấy phép súng ngắn Phần Lan được yêu cầu chứng minh bản thân đã là thành viên tích cực của một câu lạc bộ súng trong một năm và phải được bác sĩ, cảnh sát kiểm tra hồ sơ cá nhân. Nước này cũng nâng độ tuổi tối thiểu để xin giấy phép vũ khí nòng ngắn từ 18 tuổi lên 20 tuổi.

Đức

Năm 2009, Tim Kretschmer (17 tuổi) xả súng giết hại 15 người ở thị trấn Winnend. Chính phủ Đức ngay lập tức yêu cầu các chủ sở hữu của 5,5 triệu khẩu súng sở hữu hợp pháp phải đăng ký với chính phủ.

Nước này cũng thực hiện các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên đối với chủ sở hữu vũ khí và thêm một số hạn chế về độ tuổi đối với người chưa thành niên.

Hồng Hạnh (CNN)
Trong năm đại dịch, số người Mỹ chết vì súng vẫn cao nhất 20 năm
Trong năm đại dịch, số người Mỹ chết vì súng vẫn cao nhất 20 năm

Dù các vụ xả súng không được nhắc tới nhiều trong năm đại dịch 2020, nhưng số người Mỹ chết vì bạo lực súng đạn năm này vẫn cao nhất trong 20 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN