Các nhà khoa học đoạt Nobel Y học trong vòng 10 năm qua

Năm 2000: Các nhà khoa học Arvid Carlsson (người Thụy Điển), Paul Greengard (người Mỹ) và Eric Kandel (người Mỹ gốc Áo) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 2000 về những phát hiện trong cơ chế hoạt động của não người, mang lại những bước đột phá trong việc điều trị bệnh Parkinson và các bệnh khác về não.

Những phát hiện của ba nhà khoa học này được coi là rất quan trọng đối với việc tìm hiểu chức năng, cơ chế hoạt động của não, nguyên nhân gây ra các bệnh về não như Parkinson, tâm thần phân liệt, Alzheimer, nghiện ma túy và nhiều bệnh khác liên quan đến sự rối loạn hoạt động truyền tín hiệu trong não, giúp điều chế các loại thuốc điều trị các bệnh này.

Năm 2001: Ba nhà khoa học Leland Hartwell (người Mỹ), Paul M.Nurse và Timothy Hunt (người Anh) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học 2001 vì những đóng góp trong công trình nghiên cứu về cơ chế kiểm soát chu kỳ của tế bào, mở ra khả năng mới cho việc điều trị bệnh ung thư.
Các nhà khoa học đã tìm ra các phân tử có vai trò then chốt kiểm soát chu kỳ tế bào trong tất cả các cơ thể có nhân thực bao gồm nấm men, thực vật, động vật và con người. Những khám phá cơ bản này có tác động to lớn vào tất cả các khía cạnh sinh trưởng tế bào.

Năm 2002: Hai nhà nghiên cứu Sydney Brenner, John E. Sulston (người Anh) và nhà nghiên cứu H. Robert Horvitz (người Mỹ) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y Sinh học 2002 vì những khám phá về "Điều hòa di truyền trong phát triển tạng và chết tế bào theo chương trình".

Công trình nghiên cứu gien mang tính đột phá của ba nhà nghiên cứu này đã mở đường cho việc nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới các căn bệnh liên quan đến tế bào, trong đó có bệnh ung thư. Phát hiện của họ còn mở ra khả năng theo dõi sự phân chia của tế bào, quá trình tế bào đó tách khỏi trứng được thụ tinh cho tới khi tế bào trưởng thành, đồng thời có thể xác định những tế bào chính quy định sự phát triển của các bộ phận trong cơ thể.

Năm 2003: Nhà khoa học Paul C. Lauterbur (người Mỹ) và nhà khoa học Sir Peter Mansfield (người Anh) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học 2003 vì có những thành tựu trong lĩnh vực chụp hình ảnh bằng phương pháp cộng hưởng từ (MRI) để chụp não bộ và các cơ quan nội tạng con người.

Hiện nay, MRI đã trở thành một phương pháp thông thường trong chẩn đoán y học. Phương pháp này thường tốt hơn các kỹ thuật hình ảnh khác và đã cải thiện đáng kể độ chính xác trong việc chẩn đoán nhiều bệnh nan y. Nó thay thế một số phương pháp như xét nghiệm nội soi, do đó giảm đau đớn và cho thấy chính xác kích thước, vị trí của khối u, giúp cho việc phẫu thuật và xạ trị một cách chính xác.

Lợi thế của MRI là tính vô hại. Kỹ thuật này đặc biệt có giá trị trong việc chụp ảnh chi tiết não bộ hoặc cột sống, tạo điều kiện cho việc chẩn đoán chính xác trước khi tiến hành phẫu thuật. Mỗi năm trên thế giới có hơn 60 triệu ca chẩn đoán bằng kỹ thuật MRI.

Năm 2004: Hai nhà khoa học Richard Axel và Linda B. Buck (người Mỹ) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 2004 vì công trình nghiên cứu về cơ quan khứu giác của con người.

Với công trình nghiên cứu "Các thụ thể mùi và tổ chức của hệ thống khứu giác", hai nhà khoa học đã làm sáng tỏ hệ thống khứu giác của con người từ cấp độ phân tử đến sự tổ chức của các tế bào. Họ đã phát hiện ra một nhóm lớn gồm hàng nghìn gien và các dạng tiếp nhận khứu giác là cơ sở giúp con người nhận biết khoảng 10.000 mùi hương khác nhau.

Năm 2005: Hai nhà khoa học Barry J. Marshall và J. Robin Warren (người Ôxtrâylia) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học 2005 vì những phát hiện về "vi khuẩn Helicobacter pylori và vai trò của nó trong bệnh viêm dạ dày và loét dạ dày".

Công trình nghiên cứu xuất sắc của họ về điều trị bệnh loét dạ dày được tiến hành từ năm 1982. Trong đó, hai nhà khoa học đã phát hiện ra loại vi khuẩn Helicobacter pylori gây bệnh loét dạ dày, nhờ khám phá đó bệnh loét dạ dày giờ đây không còn là một chứng bệnh mãn tính nữa mà đã có thể điều trị bằng kháng sinh và chất ức chế bài tiết axít. Nghiên cứu của hai nhà khoa học còn mở ra quá trình nghiên cứu vi khuẩn gây các bệnh mãn tính khác như bệnh viêm ruột kết, viêm khớp, xơ vữa động mạch...

(còn nữa)

Minh Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN