Rõ ràng những ẩn ý đằng sau dự định khai thác mối quan hệ với La Habana của Oasinhtơn vẫn là nhằm mục đích vô hiệu hóa quốc đảo Caribê này dựa trên những lợi ích Mỹ và buộc Cuba phải nhân nhượng càng nhiều càng tốt, trong đó bao gồm cả những vấn đề nguyên tắc về chính sách đối ngoại trong mối quan hệ với Liên Xô và sự ủng hộ đối với các phong trào cách mạng ở Mỹ Latinh.
Đại sứ Cuba tại Liên hợp quốc Carlos Lechuga (trái), một trong những mắt xích quan trọng trong việc kết nối kênh liên lạc giữa Mỹ và Cuba. |
Nếu Cuba không chấp nhận những điều kiện đó thì Mỹ cũng không mạo hiểm để tìm kiếm một thỏa hiệp tạm thời và quan điểm này luôn được giữ vững trong một vài thời điểm mà Oasinhtơn bày tỏ ý định thúc đẩy việc “bình thường hóa” quan hệ với La Habana. Tuy nhiên, về phía Cuba, các nhà lãnh đạo nước này luôn phản đối bất cứ phương thức đàm phán nào có thể ảnh hưởng tới chủ quyền đất nước. Cho dù cũng rất ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ nhưng chính phủ Cuba luôn khẳng định các cuộc thương lượng phải dựa trên sự bình đẳng, không áp đặt và ra điều kiện vì điều đó đồng nghĩa với việc từ bỏ những nguyên tắc chủ quyền thiêng liêng, bất di bất dịch của cách mạng Cuba.
Ngày 18/9/1963, sau khi gửi bản báo cáo tình hình và đề xuất phương thức tiếp cận với phía Cuba cho Adlai Stevenson, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, ông William Attwood đã được Thứ trưởng Ngoại giao Averell Harriman gọi lên gặp trực tiếp để thảo luận. Ít ngày sau đó, phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc nhận chỉ thị từ Tổng thống Kennedy đồng ý cho Attwood tìm cách tiếp xúc một cách kín đáo với Đại sứ Cuba tại Liên hợp quốc Carlos Lechuga. Ngay sau đó Attwood đã gọi điện cho Lisa Howard để nhờ nhà báo này giúp tiếp cận với vị trưởng phái đoàn Cuba. Vì đã có mối quan hệ từ trước nên nhà báo Howard không khó khăn để “rỉ tai” Đại sứ Lechuga về ý định của Attwood muốn hai người gặp nhau để thảo luận về một “vấn đề hệ trọng”.
Rene Vallejo, người được giao nhiệm vụ thay mặt Fidel tiếp xúc với các quan chức Mỹ để tìm cách tổ chức một cuộc gặp giữa đại diện chính phủ Mỹ và lãnh đạo Cuba.
|
Tối 23/9, một cuộc gặp không chính thức giữa Attwood và Đại sứ Lechuga ở ngay dinh thự của Howard nhân dịp cả hai người đều được nhà báo này mời tới dự một buổi tiệc. Sau khi nghe Attwood trình bày ý định của chính phủ Mỹ muốn đối thoại và thảo luận về mối quan hệ Mỹ-Cuba, Đại sứ Lechuga đã gợi ý Attwood nên bay sang Cuba để gặp trực tiếp và trao đổi với Chủ tịch Fidel Castro. Ít ngày sau đó ông Lechuga nhận được câu trả lời rằng sau khi xem xét đề xuất trên, chính phủ Mỹ nhận thấy việc Attwood sang Cuba vào lúc đó là không thích hợp bởi vì điều đó có thể sẽ làm rò rỉ thông tin và gây chú ý cho giới truyền thông. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng sẵn sàng gặp trực tiếp Fidel hoặc đặc phái viên của nhà lãnh đạo này tại trụ sở Liên hợp quốc.
Ngày 28/10, Đại sứ Lechuga đã gửi thư phúc đáp Attwood, trong đó thông báo La Habana cũng không có ý định cử ai đó tới Liên hợp quốc để gặp gỡ các quan chức Mỹ nhưng vẫn để ngỏ khả năng hai bên tiếp tục liên lạc với nhau thông qua các con đường khác. Trong khi đó, nhà báo Howard đưa ra đề xuất gặp gỡ với thư ký của Fidel là Rene Vallejo tại nhà riêng của Howard, qua đó hai người có thể làm trung gian để chuyển thông điệp của nhau. Đến ngày 31/10, Vallejo đã gọi điện cho Howard thông báo rằng Fidel sẵn sàng đưa một máy bay tới Mêhicô để đón đại diện do chính phủ Mỹ cử sang và sau đó đưa người này tới một sân bay bí mật ở Varadero của Cuba để gặp riêng với nhà lãnh đạo Cuba. Tuy nhiên, Howard trả lời rằng rất khó để Nhà Trắng chấp nhận đề xuất này và có lẽ tốt nhất là chính Vallejo, với tư cách là người phát ngôn cá nhân của Fidel, bay sang Liên hợp quốc hoặc Mêhicô để gặp gỡ với đại diện của chính phủ Mỹ.
Hai tuần sau đó, vào ngày 11/11, một lần nữa Vallejo lại gọi điện cho nhà báo Howard để nhắc lại ý định của Fidel muốn gặp một đặc phái viên nào đó của chính phủ Mỹ tại Cuba. Ngay sau khi thông điệp này được chuyển cho cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy, ông này đã chỉ thị cho Attwood trước tiên cần phải tìm cách gặp gỡ với ông Vallejo ở trụ sở Liên hợp quốc để thăm dò xem ý định của Fidel liên quan tới các cuộc tiếp xúc với Mỹ là gì và liệu phía Cuba có chấp nhận đàm phán theo những yêu cầu của Mỹ hay không bởi vì nếu Cuba không sẵn sàng đàm phán theo hướng này thì dù Mỹ có cử đại diện sang La Habana mọi chuyện cũng sẽ không đi tới đâu.
Đề nghị mời ông Vallejo sang Liên hợp quốc đã được Attwood nhanh chóng thông tin cho phía Cuba nhưng câu trả lời vẫn như những lần trước. Tuy nhiên, ông Vallejo đã chỉ thị cho Đại sứ Lechuga trực tiếp thảo luận với Attwood về một chương trình làm việc dự kiến với Fidel trong một thời điểm thích hợp. Trong thời gian đó, một loạt các nhân vật thân cận của Tổng thống Kennedy dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cố vấn An ninh Quốc gia Bundy đã tập trung mọi nỗ lực để tìm cách thiết lập kênh liên lạc với Fidel bởi vì như lời của Gordon Chase, thư ký của ông Bundy, ông chủ Nhà Trắng đang rất sốt ruột muốn biết kết quả các cuộc gặp gỡ nhằm đánh giá và lên kế hoạch cho các bước đi tiếp theo.
Hoài Nam (Theo Rebelion)
Đón đọc kỳ 4:Thông điệp của Kennedy tới Fidel