Cô chính là “bệnh nhân số 0” - người mang mầm bệnh thương hàn không triệu chứng đầu tiên ở Mỹ. Bị buộc phải cách ly trong quãng thời gian dài tổng cộng 26 năm và qua đời trong nỗi đơn độc, câu chuyện của cô Marry Mallon - một người nhập cư gốc Ireland - đã đặt ra những câu hỏi cấp thiết về sức khỏe cộng đồng, quyền tự do cá nhân và các khía cạnh đạo đức trong vấn đề ngăn ngừa dịch bệnh.
Vào đầu thế kỷ 20, thương hàn bùng phát ở thành phố New York, nhưng các quan chức y tế địa phương lại bối rối không thể tìm ra nguồn gốc của căn bệnh này. Để hiểu rõ hơn, thương hàn là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường lây lan qua thực phẩm và nguồn nước bị nhiễm khuẩn salmonella. Bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, tiêu chảy. Trước khi có thuốc kháng sinh, người mắc thương hàn có nguy cơ mê sảng và tử vong cao.
Do không có các biện pháp vệ sinh được quy định tại chỗ, thương hàn đã lây lan rộng khắp New York với nhiều đợt bùng phát nghiêm trọng. Năm 1906, đã có 639 người chết vì mắc thương hàn ở thành phố này.
Tại thời điểm đó, cô Mary Mallon, 37 tuổi, đang làm đầu bếp cho những gia đình khá giả. Người ta xác định rằng Mallon là “bệnh nhân số 0” truyền bệnh cho ít nhất 120 người - trong đó có 5 người tử vong - qua công việc nấu nướng thuê. Trường hợp của Mallon đặc biệt ở chỗ bản thân cô chưa bao giờ xuất hiện triệu chứng của bệnh.
Sự việc chỉ vỡ lở vào cuối tháng 8/1906, cô Mallon phụ bếp cho gia đình ông Charles Henry Warren, một nhân viên ngân hàng giàu có thuê căn hộ tại vịnh Oyster để nghỉ hè. Từ ngày 27/8 - 3/9, 6 trong số 11 người có mặt tại căn nhà này bị sốt thương hàn.
Sau khi xóa bỏ mối nghi ngờ về thực phẩm, các chuyên gia lúc đó tin rằng nguồn khởi phát thương hàn của gia đình ông Warren có thể xuất phát từ một người đóng vai trò là “vật chủ”. Sự chú ý đổ dồn vào đầu bếp Mary Mallon, người đặt chân đến ngôi nhà này ba tuần trước khi người đầu tiên phát bệnh.
Rà soát danh sách những người từng thuê Mallon từ năm 1900 đến 1907, họ phát hiện 22 người từng nhiễm bệnh. Được biết, đầu bếp Mallon thường phục vụ món kem với lát đào tươi dịp cuối tuần. So với những bữa ăn nấu chín nóng hổi, món kem đào có thể đã dính khuẩn từ tay của nữ đầu bếp này. Nhân viên điều tra yêu cầu Mallon lấy mẫu nước tiểu và phân nhưng cô một mực phản đối vì cho rằng mình không hề mắc bệnh.
Bà Josephine Baker - người phụ nữ đầu tiên lấy bằng tiến sĩ về y tế cộng đồng - đã được cử đến để thuyết phục Mallon cung cấp mẫu thử, song cũng bị đuổi đi. “Đó là bi kịch của Mary khi cô ấy không thể tin tưởng chúng tôi”, bà Baker viết sau này.
Cuối cùng, bà Baker và năm cảnh sát đã hộ tống Mallon đến bệnh viện làm xét nghiệm. Kết quả, cô dương tính với vi khuẩn Salmonella typhi, một loại vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Cô bị cách ly trong một ngôi nhà nhỏ thuộc khuôn viên Bệnh viện Riverside. Cơ sở này nằm cô lập trên hòn đảo nhỏ bé North Brother.
Trong thời gian hai năm bị cách ly, 120/163 mẫu phân của cô cho kết quả dương tính với vi khuẩn. Bản thân Mallon không có triệu chứng thương hàn và không tin rằng mình có thể lây lan nó. Các bác sĩ nói với Mallon rằng cách chữa trị duy nhất là cắt bỏ túi mật, nhưng cô ấy đã từ chối và buộc phải ở yên trong cơ sở cách ly. Năm 1909, cô khởi kiện Sở Y tế Thành phố New York nên vụ việc được đưa lên Tòa án Tối cao. Trong dư luận, Marry Mallon đã khuấy động một cuộc tranh cãi về quyền tự chủ cá nhân và trách nhiệm của chính phủ trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Tại tòa án, luật sư đại diện lập luận rằng cô đã bị bỏ tù mà không theo thủ tục tố tụng.
Kết quả, tòa án từ chối trả tự do cho người phụ nữ này, với phán quyến “phải bảo vệ cộng đồng khỏi sự tái phát của căn bệnh này”. Tuy nhiên, Mallon đã được trả tự do vào đầu năm sau bởi ủy viên y tế mới của thành phố, với điều kiện cô phải ngừng hành nghề nấu ăn.
Không có kỹ năng kiếm sống nào khác cũng như không tin mình là một mối nguy hiểm với cộng đồng, Mallon lén lút quay trở lại công việc cũ, hành nghề tại New York và New Jersey. Cô nấu nướng cho khách sạn, nhà hàng, spa và nhà trọ. Năm 1915, một đợt bùng phát bệnh thương hàn khác làm 25 người mắc bệnh tại Bệnh viện phụ sản Sloane. Một lần nữa, các nhà điều tra lại tìm ra Mallon đang làm đầu bếp ở đây dưới tên giả.
Marry Mallon bị đưa trở lại đảo North Brother vĩnh viễn. Cô dành cả ngày để đọc sách và làm việc trong phòng thí nghiệm. Đáng tiếc, cô đã qua đời vì đột quỵ vào năm 1938, sau một phần tư thế kỷ bị cách ly. Đám tang của cô chỉ có 9 người đến đưa tiễn vội vàng. Trong suốt hai đợt cách ly kéo dài tổng cộng 26 năm, cô chưa bao giờ thừa nhận mình là người mang mầm bệnh.
Câu chuyện về “Mary thương hàn” cho thấy việc tuyên truyền cho những người mắc bệnh đề phòng lây nhiễm cho người khác khó khăn và quan trọng như thế nào. Nhưng may mắn thay, chính quyền đã thay đổi cách phản ứng với những mối đe dọa y tế như vậy. Vào thời điểm Mallon qua đời, giới chức New York đã tìm ra trên 400 người mắc thương hàn không triệu chứng mà không có ai bị giam giữ.
Việc phát hiện ra cô Mallon là người mắc không có triệu chứng là một khám phá mang tính đột phá trong lĩnh vực y tế công cộng. Nó nhấn mạnh khái niệm về những người khỏe mạnh mang mầm bệnh truyền nhiễm mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.