Bi kịch của người bị đổi giới tính từ khi mới chào đời - Kỳ 2

Trong quá trình đó, Karen luôn tìm thời điểm và cơ hội thích hợp để nói sự thật với Sophie.

Kỳ 2: Phát hiện gây sốc

Bà nhớ lại: “Tôi đã hy vọng rằng một lúc nào đó con bé sẽ hỏi cái gì đó và tôi sẽ không nói dối nếu con bé hỏi. Ví dụ như “Tại sao lại như thế này?” “Tại sao con lại thích phụ nữ?”. Nhưng Sophie không bao giờ hỏi.

Chú thích ảnh
Sophie năm 12 tuổi và bố mẹ. Ảnh: The Telegraph

Rồi khi Sophie lớn lên, có điều gì đó bắt đầu thay đổi. Cô bắt đầu hút thuốc và đủ mọi thứ như ma túy, tự làm hại bản thân.

Sophie đã chuyển từ trạng thái hạnh phúc sang những chuỗi ngày bế tắc đen tối.

Trước khi bắt đầu dùng hormone, Sophie là một đứa trẻ có vẻ ngoài ái nam ái nữ. Không có tinh hoàn, cô không có testosterone, nhưng khi chưa bắt đầu sử dụng hormone, cô cũng không có estrogen. Cô không bị các chàng trai thu hút. Cô không hiểu nổi cảm giác khi bạn bè hỏi có thích anh chàng kia không, có thấy anh chàng này hấp dẫn không.

Sau đó, khi Sophie 22 tuổi, cô đến gặp bác sĩ vì viêm amiđan. Sophie ghét các cuộc hẹn khám bệnh nên mẹ cô luôn đi cùng con khi đến gặp bác sĩ. Vào ngày này, bác sĩ thường khám bệnh cho cô đang đi nghỉ và cô đã được một bác sĩ khác khám tạm thời.

Màn hình máy tính của bác sĩ này hướng thẳng vào tầm mắt của Sophie và trên đó là những ghi chú bệnh án của cô. Cô đọc được những dòng chữ: “Sophie Ottaway, nhiễm sắc thể 46XY. Sa ruột do khuyết tật ở bụng – tái tạo bàng quang, cắt bỏ tinh hoàn và dương vật, tạo âm đạo…”

Hóa ra, Sophie khi sinh ra là con trai và lúc này cô mới biết. Sophie vốn hay chú ý tới những thứ như phông chữ trên máy tính và khi các chữ kia xuất hiện trên màn hình với phông chữ đậm, cô có thể đọc được từ chỗ ngồi. Sophie nhìn mẹ, thấy rằng mẹ cũng đã đọc mấy dòng chữ đó và mẹ biết cô đã nhìn thấy. Những ngày đó, Sophie không bao giờ muốn gây chuyện nên không nói gì, mẹ cũng không nói gì. Buổi khám đã xong, Sophie lấy thuốc kháng sinh và rời đi.

Nhưng khi về đến nhà, Sophie trở nên cực kỳ giận dữ. Mẹ cô có một chiếc xe Nissan Micra màu trắng và cô đã lên xe và cảm giác như mình nổ tung.

Sau đó, Sophie về nhà, đi đến tủ lạnh và mở một chai bia, vào phòng và đóng sầm cửa lại. Mẹ đi lên và cố gắng nói chuyện với cô nhưng cô chỉ hét vào mặt mẹ: “Con không muốn nói chuyện với mẹ! Con không muốn biết! Đi đi!”

Sophie không nói cho ai biết điều cô đã phát hiện ra trong suốt 15 năm sau đó.

Chú thích ảnh
Sophie năm 18 tuổi. Ảnh: The Telegraph

Phản ứng tức thời của cô là giận dữ. Nhưng sự thật này cũng trả lời rất nhiều câu hỏi cho Sophie. Cô biết tại sao mình phải uống thuốc, rồi nội tiết tố, rồi chuyện bác sĩ phải khám ngực mình, tại sao mình thích con gái ở trường chứ không phải con trai.

Nhưng sau đó, Sophie đã đi theo hướng tồi tệ. Cô còn trẻ và không thể chịu đựng được quá nhiều nỗi đau. Cách duy nhất cô có thể giải quyết là gác lại vấn đề, không đào sâu nữa. Cô nghĩ có lẽ một lúc nào đó trong tương lai mình có thể đào bới vấn đề nhưng trong lúc này, Sophie không nói về điều đó với bất kỳ người bạn nào của mình. Cô cũng không nói về điều đó với bố mẹ mình mà chỉ im lặng.

Sophie uống rất nhiều rượu. Cô đã hình thành thói quen sử dụng cocaine. Cô vào trường Đại học Hull để học kinh doanh và tiếp thị, tốt nghiệp năm 2009 và đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ, thiết kế trải nghiệm người dùng cho các cơ quan chính phủ. Thông qua một công ty, cô làm việc theo nhiều hợp đồng khác nhau cho các doanh nghiệp như HMRC hay Defra. Cô đi lại rất nhiều, ở trong những khách sạn rẻ tiền, kiếm được rất nhiều tiền và tiêu hết vào ma túy và đồ uống.

Rượu là bạn đồng hành thường xuyên kể từ khi Sophie khoảng 16 hoặc 17 tuổi. Khi nhận được hợp đồng ở London với công ty HMRC, cô rủng rỉnh tiền và rất nhiều người xung quanh cô có nguồn tiếp cận cocaine. Sophie có khoảng 4 đến 5 năm dùng rất nhiều cocaine.

Sophie cư xử như một gã trai nhưng sâu bên trong chỉ muốn được chấp nhận. Cô kiếm tiền khá giỏi. Cô nghĩ có thể mình không sinh được con nhưng có thể mua cho mình một chiếc Mercedes và một ngôi nhà to. Cô đã tích lũy được nhiều tiền nhưng đã đến lúc tiền bạc không còn ý nghĩa gì nữa. Cô tự hỏi: “Mình có hạnh phúc không?”. Câu trả lời là không.

Sophie sống ở khách sạn Travelodges 5 đêm một tuần, ăn sáng hàng ngày tại McDonald’s, uống rượu rất nhiều, sử dụng ma túy và nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, đầu óc buồn chán.

Cuối năm 2019, Sophie ở đáy vực. Lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 đã can thiệp vào cuộc sống thường ngày và Sophie bị cắt đứt khỏi những cám dỗ khi các quán rượu đóng cửa, khách sạn đóng cửa và Sophie phải làm việc tại nhà.

Sau đó, một người bạn của cô đã gặp vấn đề nghiêm trọng với cocaine và Sophie phải đưa anh này đến bệnh viện. Sự việc xảy ra với bạn làm cô sợ hãi vô cùng.

Mẹ cô đã đổ hết những chai rượu mạnh và lục soát nhà cô để tìm cocaine, rồi tìm thấy nó trong chiếc điều khiển TV từ xa.

Sau đó, Sophie dọn dẹp lại nhà cửa. Vào Giáng sinh năm 2021, cô bị ốm nặng và được đưa vào Bệnh viện Hoàng gia Hull vì nhiễm trùng huyết. Cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nói chuyện với các bác sĩ về những gì đã xảy ra với mình.

Kỳ cuối: Vượt qua nỗi đau

Thùy Dương/Báo Tin tức (The Telegraph)
Vụ nổ kho vũ khí khiến thái tử nhà Minh thiệt mạng, suýt phá hủy cả Bắc Kinh
Vụ nổ kho vũ khí khiến thái tử nhà Minh thiệt mạng, suýt phá hủy cả Bắc Kinh

Thuốc súng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lịch sử. Tuy nhiên, việc lưu trữ và xử lý loại chất dễ bay hơi và phát nổ này thường dẫn đến tai nạn thảm khốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN