Lịch sử 60 năm của 'điện thoại đỏ' - đường dây nóng kết nối Nga và Mỹ

Cách đây tròn 60 năm, đường dây nóng do Mỹ và Liên Xô thiết lập, nhằm giảm thiểu rủi ro hạt nhân và thúc đẩy liên lạc song phương, đã đi vào hoạt động. Đài Sputnik (Nga) đã tái hiện lại lịch sử của chiếc chiếc “Điện thoại đỏ” nổi tiếng này.

“Con cáo nâu nhanh nhẹn nhảy qua lưng chú chó lười biếng 1234567890”.

Đây là tin nhắn đầu tiên mà Mỹ gửi tới Liên Xô vào ngày 30/8/1963, thông qua “đường dây nóng” mới được thiết lập. Tin nhắn bí ẩn này không phải là một mật mã, mà là để kiểm tra hệ thống liên lạc mới. Tin nhắn có tất cả các chữ cái Latinh và các con số.

Đường dây nóng được thiết lập như thế nào?

Đường dây nóng Washington - Moskva được thiết lập ngay sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Cuộc khủng hoảng này kéo dài từ ngày 16 đến ngày 28/10/1962 và được giải quyết sau khi cựu Tổng thống John Kennedy đồng ý rút tên lửa hạt nhân tầm trung Jupiter triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lấy việc Liên Xô dỡ bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Cuba.

Trước đó, ngày 9/9/1962, tên lửa đạn đạo của Liên Xô đã được chuyển tới Cuba trong khuôn khổ Chiến dịch tối mật Anadyr. Suốt tháng đó, Mỹ không hề biết rằng tên lửa của Liên Xô đã được triển khai ở quốc gia Caribe này.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev tại Lăng Lenin ở thủ đô Moskva. Ảnh: Sputnik

Trong nhiều ngày, hai cường quốc hàng đầu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã đứng bên bờ vực cuộc chiến tranh hạt nhân. Giữa cuộc khủng hoảng này, Mỹ phải mất tới 12 giờ đằng đẵng để nhận và giải mã thông điệp dài 3.000 ký tự của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev vào lúc 18h ngày 26/10/1962. Đây được mô tả là sự chậm chạp chết người trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách lúc bấy giờ.

Ngăn chặn được “ngày tận thế” hạt nhân, Moskva và Washington quyết định thiết lập “đường dây nóng” để liên lạc với nhau trong trường hợp khẩn cấp, trục trặc hoặc sự cố.

Ngày 20/6/1963, Mỹ và Liên Xô đã ký một thỏa thuận về việc thành lập Liên kết Truyền thông Trực tiếp (DCL) tại Geneva, Thụy Sĩ. Chưa đầy một tháng sau đó, vào ngày 13/7/1963, “đường dây nóng” bắt đầu hoạt động.

“Điện thoại đỏ” trông như thế nào?

Chú thích ảnh
Ảnh: CCO

Mặc dù được gọi là “Điện thoại đỏ”, song cơ chế liên lạc đặc biệt giữa Liên Xô và Mỹ hoàn toàn không thông qua một chiếc điện thoại nào. Thực chất đây là một đường dây điện tín, truyền các tin nhắn được mã hóa giữa Lầu Năm Góc và Điện Kremlin để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Ban đầu, đường dây nóng gồm 2 trạm điện báo có thể truyền tín hiệu theo cả hai chiều. Đường dây nóng này cũng có một mạch điện báo hữu tuyến, được định tuyến qua Washington – London – Copenhagen – Stockholm – Helsinki – Moskva. Cùng với đó là một hệ thống dự phòng, mạch điện báo vô tuyến được định tuyến qua Washington – Tangier – Moskva.

Mỗi bên sở hữu hai máy điện báo có bảng chữ cái Latinh và hai máy có bảng chữ cái Cyrillic. Các bên cũng nhất trí rằng các tin nhắn sẽ được gửi và nhận bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh để tránh các lỗi dịch thuật.

Máy điện báo của Nga (bảng chữ cái Cyrillic), là loại T-63 của Đông Đức do Siemens sản xuất, đã được chuyển đến Lầu Năm Góc vào ngày 26/8/1963. Tin nhắn thử nghiệm nổi tiếng “Con cáo nâu nhanh nhẹn nhảy qua lưng chú chó lười biếng 1234567890” đã được gửi tới Liên Xô 4 ngày sau đó. Phía Liên Xô đã đáp lại bằng một đoạn tin nhắn, mô tả cảnh hoàng hôn ở Moskva đầy chất thơ, sử dụng đồng đều tất cả các chữ cái trong bảng chữ cái Cyrillic. Như vậy, đường dây liên lạc đã được thiết lập thành công.

Năm 1971, Moskva và Washington quyết định cải tiến hệ thống này. Hai bên cho rằng hệ thống này đã cho thấy giá trị trong các tình huống khẩn cấp.

Theo hiệp định Mỹ - Liên Xô ngày 30/9/1971, kể từ năm 1963, công nghệ liên lạc vệ tinh đã đạt được những tiến bộ đáng kể, mang lại độ tin cậy cao hơn so với những thoả thuận ban đầu. Vì vậy, hai bên quyết định sử dụng hai mạch liên lạc vệ tinh, một trong số đó được Mỹ lắp đặt thông qua “Hệ thống vệ tinh Intelsat IV” thương mại. Hệ thống còn lại do Liên Xô lắp đặt và sử dụng thông qua 4 “Vệ tinh Molniya II” của Moskva.

Hai mạch vệ tinh này bắt đầu hoạt động vào tháng 1/1978. Sau đó, mạch vô tuyến trong thỏa thuận năm 1963 đã bị ngừng sử dụng. Tuy nhiên, mạch điện báo có dây vẫn được duy trì dự phòng.

Trong khi đó, tiến bộ kỹ thuật đã đưa ra những giải pháp liên lạc mới đáng tin cậy hơn. Ngày 17/7/1984, Mỹ và Liên Xô đã đồng ý nâng cấp DCL bằng thiết bị fax. Kết quả là các máy fax Nhóm III, chạy ở tốc độ 4800 baud, đã được lắp đặt ở cả Moskva và Washington.

Thiết bị mới có loạt các lợi thế tin cậy. Thứ nhất, ngoài văn bản, nó còn có khả năng gửi tin nhắn viết tay, biểu đồ, bản đồ và ảnh. Thứ hai, fax nhanh hơn 12 lần so với máy điện báo.

Năm 1985, máy fax ở cả hai bên đi vào hoạt động. Khi đó, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhận được một lá thư viết tay dài từ người đồng cấp Liên Xô Mikhail Gorbachev. Chữ viết tay của nhà lãnh đạo Liên Xô gần như không thể đọc được, khiến cả những dịch giả giỏi nhất của Mỹ cũng phải “toát mồ hôi”.

'Đường dây nóng' Mỹ - Nga hiện nay

Đường dây nóng vẫn hoạt động sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Liên kết liên lạc đáng tin cậy giữa Nga và Mỹ vẫn luôn hoạt động. Năm 2007, Liên kết Truyền thông Trực tiếp (DCL) đã được nâng cấp, thay thế bằng một mạng máy tính đặc biệt có chức năng gửi e-mail và trò chuyện. Hệ thống mới bắt đầu hoạt động vào ngày 1/1/2008.

Dù vẫn sử dụng 2 hệ thống vệ tinh, nhưng Mỹ và Nga đã hiện đại hóa thiết bị không gian quay quanh hành tinh và thay thế cáp dự phòng cũ bằng cáp quang.

Giờ đây, các tin nhắn và dữ liệu khẩn cấp của 2 chính phủ có thể được gửi gần như theo thời gian thực – trái ngược hoàn toàn với những cuộc trao đổi căng thẳng và chậm chạp vào tháng 10/1962 giữa nhà lãnh đạo Khrushchev và người đồng cấp John Kennedy - tình huống này suýt gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Các hệ thống liên lạc khác giữa Nga và Mỹ

Theo các nguồn tin mở, bên cạnh “đường dây nóng” nổi tiếng, Washington và Moskva còn duy trì một loạt các kết nối khác. Các liên kết liên lạc Mỹ - Nga bao gồm Liên kết thoại trực tiếp (DVL), Liên kết truyền thông giữa Chính phủ với Chính phủ (GGCL). Trung tâm giảm thiểu rủi ro hạt nhân (NRRC) và Liên kết Đối ngoại (FAL).

Tần suất sử dụng “đường dây nóng” Washington – Moskva

Moskva và Washington đã nhiều lần sử dụng đường dây liên lạc trực tiếp này. Dưới đây là một số ví dụ đáng nhớ:

Ngày 22/11/1963, chỉ vài tháng sau khi DCL đi vào hoạt động, tin nhắn quan trọng đầu tiên về vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, đã được gửi đi.

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Kennedy trên chiếc limousine ở Dallas, Texas vài phút trước vụ ám sát. Ảnh:
Dallas Morning News

DCL cũng được sử dụng trong Chiến tranh Sáu ngày giữa Ai Cập và Israel năm 1967. Vào thời điểm đó, các tàu chiến Mỹ đã được triển khai ở biển Địa Trung Hải và các tàu chiến của Liên Xô đã hiện diện ở Biển Đen. Sau đó, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã liên lạc với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Kosygin để làm rõ ý định di chuyển hạm đội này.

“Đường dây nóng” cũng được sử dụng trong môi trường hòa bình. Tổng thống thứ 36 của Mỹ Johnson (nhiệm kỳ 1963 - 1969), đã ra lệnh thông báo cho Liên Xô về các chuyến bay của tàu vũ trụ Apollo của Mỹ thông qua DCL.

Năm 1971, các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô đã sử dụng DCL trong Chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan.

Năm 1979, việc Liên Xô quyết định triển khai các lực lượng quân sự tại Afghanistan theo yêu cầu trực tiếp của chính phủ quốc gia này đã khiến Mỹ phản đối. Từng cảnh báo Liên Xô với những “hậu quả nghiêm trọng” qua DCL, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là James Earl Carter Jr. đã kết thúc bức thư gửi Tổng Bí thư Liên Xô lúc bấy giờ là Leonid Brezhnev một cách khá ngoại giao: “Trân trọng, Jimmy Carter”.

Đáng chú ý, vào tháng 10/2016, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã sử dụng “đường dây nóng” Moskova – Washington để cảnh báo Nga không can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này và khẳng định điều đó là vô lý.

Dù công nghệ ngày càng hiện đại hơn, liên lạc giữa Nga và Mỹ dường như đang suy giảm. Trong Chiến tranh Lạnh, các quốc gia đã thúc đẩy ý chí chính trị để tạo ra các thể chế và tổ chức các cuộc đàm phán về giải trừ quân bị. Ngày nay, các thỏa thuận vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Moskva đang bị đe doạ, khiến tình hình thế giới trở nên nguy hiểm hơn và khó lường hơn.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Sứ mệnh hải quân tối mật của Mỹ giúp phát hiện xác tàu Titanic thế nào - Kỳ cuối
Sứ mệnh hải quân tối mật của Mỹ giúp phát hiện xác tàu Titanic thế nào - Kỳ cuối

Dù còn có 12 ngày nhưng rất may, các chuyến thám hiểm đến xác tàu ngầm Thresher và Scorpion đã cung cấp cho ông Ballard thông tin có giá trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN