Theo nguồn tin, kho tài liệu này chứa rất nhiều thông tin về kế hoạch của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ukraine - bao gồm các mốc thời gian đào tạo và cung cấp vũ khí, dữ liệu về chi phí đạn dược, cơ cấu của các đơn vị chiến đấu Ukraine, ước tính tổn thất của Nga và Ukraine. Đồng thời, các tài liệu dường như cũng có thông tin tình báo về các vấn đề nội bộ ở nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh của Mỹ là Israel, Hàn Quốc và Anh. Giới chuyên gia nhận định vụ rò rỉ có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ trên toàn thế giới.
Trang The Guardian (Anh) đã điểm lại những những tiết lộ đáng chú ý trong những trang tài liệu mật này.
Kế hoạch phản công của Ukraine
Một số tài liệu – được đóng dấu là “tuyệt mật” – đã tiết lộ những lo ngại của Mỹ về cuộc phản công sắp tới, cảnh báo tình trạng thiếu nhân lực và đạn dược có thể khiến Ukraine không đạt được các mục tiêu đầy tham vọng là giành lại các khu vực do Nga kiểm soát trong mùa xuân này.
Tài liệu cũng nói rằng các lực lượng Ukraine đặt mục tiêu giành lại các vùng lãnh thổ ở phía Nam và phía Đông, dường như hy vọng sẽ cắt đứt Quân đội Nga đang tiến từ Crimea. Tuy nhiên, đánh giá được cho là của cơ quan tình báo Mỹ chỉ dự đoán thành công “khiêm tốn” của Ukraine trong những mục tiêu đó.
Hệ thống phòng không của Ukraine sắp cạn kiệt tên lửa
Tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc tiết lộ hệ thống phòng không của Ukraine có nguy cơ cạn kiệt tên lửa và đạn dược trong vòng vài tuần tới.
Một trong những tài liệu bị rò rỉ, đề ngày 23/2 và được đóng dấu là tài liệu “mật”, cho biết tên lửa Buk sẽ được Kiev sử dụng hết vào cuối tháng 3, hệ thống phòng không S-300 của nước này có thể bị cạn kiệt tên lửa vào ngày 2/5 với tốc độ sử dụng hiện tại. Không rõ liệu tốc độ sử dụng có thay đổi hay không.
Dẫn lời các quan chức quân sự cấp cao, tờ NYT đưa tin các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Nga sẽ có thêm cơ hội tấn công các lực lượng Ukraine và đây là thách thức lớn đối với Kiev.
Tài liệu cũng nói rằng Lầu Năm Góc nên tìm kiếm các nguồn tên lửa khác và Ukraine nên sử dụng tiết kiệm loại vũ khí này hơn.
Tổng thống Volodymyr Zelensky thúc giục sử dụng drone tấn công lãnh thổ Nga?
Tổng thống Ukraine Zelensky được cho là đã thúc giục Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhnyi sử dụng máy bay không người lái có vũ trang để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ở khu vực Rostov, thuộc lãnh thổ Nga, vì Ukraine thiếu tên lửa có tầm bắn tới hậu phương của Nga.
Ukraine chưa bình luận về thông tin trên
Ai Cập định sản xuất 40.000 rocket cho Nga
Theo tờ The Washington Post, một trong những tài liệu bị rò rỉ cho biết Tổng thống Ai Cập Abdel Fatteh el-Sisi, đã chỉ thị sản xuất 40.000 tên lửa để bí mật vận chuyển tới Nga. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết giới chức chưa thấy vũ khí được gửi đi.
Phản ứng với thông tin bị rò rỉ, Đại sứ Ahmed Abu Zeid, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ai Cập, tuyên bố: “Lập trường của Ai Cập ngay từ đầu là không can dự vào cuộc khủng hoảng này và cam kết duy trì khoảng cách bình đẳng với cả hai bên”.
Điện Kremlin cũng đã bác bỏ thông tin nói rằng Moskva có kế hoạch bí mật mua 40.000 quả rocket từ Cairo.
NATO triển khai lượng đặc nhiệm tại Ukraine
Một trong những tài liệu quân sự tuyệt mật của Mỹ lan truyền trên mạng xã hội tiết lộ NATO đã triển khai khoảng 100 lính đặc nhiệm ở Ukraine kể từ ngày 1/3 năm nay, trong đó có 50 đặc nhiệm Anh, 14 đặc nhiệm Mỹ và 15 đặc nhiệm Pháp.
Theo nguồn tin, các tài liệu được đóng dấu “mật” và được biên soạn cho các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ. Tài liệu còn chứa thông tin về các hoạt động quân sự hàng ngày của NATO, công tác hậu cần, vận chuyển vũ khí và huấn luyện binh sĩ Ukraine của lực lượng này.
Không rõ các lực lượng đặc nhiệm đã tham gia vào những hoạt động nào, hay số lượng nhân viên còn được duy trì ở mức độ này hay không.
Hàn Quốc và vấn đề cung cấp đạn dược cho Ukraine
Một tài liệu mà hãng tin Reuters tiếp cận được đã nêu chi tiết các cuộc thảo luận nội bộ giữa giới chức cấp cao Hàn Quốc về việc Mỹ gây áp lực buộc Seoul phải cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong khi chính sách của quốc gia Đông Á này là không xuất khẩu vũ khí cho các nước đang trong xung đột.
Ngoài ra, tài liệu tình báo bị rò rỉ cho biết văn phòng an ninh quốc gia Hàn Quốc lo ngại đạn dược, đặc biệt là đạn pháo, mà nước này cung cấp cho Mỹ có thể được chuyển tới Ukraine, vi phạm luật pháp quốc gia về cung cấp vũ khí cho quốc gia đang có xung đột. Ngoài ra, tài liệu cũng cho biết giới chức Hàn Quốc đang đề xuất khả năng bán 330.000 viên đạn cho Ba Lan, nước láng giềng của Ukraine.
Bản báo cáo một phần dựa trên tài liệu bị rò rỉ cũng cho biết Mỹ đã theo dõi một trong những đồng minh quan trọng nhất trong khu vực Đông Á.
Vấn đề Israel
Một tài liệu khác - được đóng dấu là “tuyệt mật” của CIA, đề ngày 1/3 - cho biết Cơ quan Tình báo Mossad Israel đang khuyến khích nhân viên tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ nước này, nhằm làm suy yếu tính độc lập của ngành tư pháp. Chính phủ Israel đã bác bỏ mọi cáo buộc trên, phủ nhận sự tham gia của Mossad vào các cuộc biểu tình.
Lợi ích của Trung Quốc ở Nicaragua?
Tình báo Mỹ cũng cho rằng giữa năm ngoái, Nicaragua đã đàm phán với một công ty Trung Quốc để tiến hành khảo sát cảng nước sâu tại Bluefields trên bờ biển Caribe của nước này. Giới chức nhận định động thái này có khả năng giúp quốc gia này đa dạng hóa các mối quan hệ quốc phòng, tránh phụ thuộc vào Nga.
Kế hoạch của NATO ở Bắc Cực
Trong khi đó, một báo cáo đã thảo luận về sự lo lắng trong Bộ Quốc phòng Nga về kế hoạch của NATO nhằm thách thức các yêu cầu của Nga ở Bắc Cực. Theo kế hoạch này, NATO sẽ tăng cường tuần tra bằng tàu chiến và tăng cường hiện diện quân sự chung của liên minh trong khu vực này, nhằm “tạo tiền lệ cho việc thiết lập tính hợp pháp của một căn cứ quân sự của NATO ở khu vực Bắc Cực do Nga tuyên bố chủ quyền”.
Mặc dù quy mô và tính xác thực của những thông tin trên vẫn chưa được xác thực, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Chris Meagher thừa nhận rằng các tài liệu này “dường như chứa thông tin nhạy cảm và có độ mật cao”.
Trong cuộc họp báo ngày 10/4, ông Meagher cho biết cả Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp đang làm rõ vấn đề và đã mở cuộc điều tra hình sự để xác định nguồn gốc phát tán tài liệu này.
Ngày 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố sẽ “lật tung từng tảng đá” đến khi tìm ra nguồn gốc vụ rò rỉ loạt tài liệu tình báo mật.
Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns ngày 11/4 cũng cho rằng vụ rò rỉ là vô cùng đáng tiếc. Lầu Năm Góc cùng Bộ Tư Pháp đang tiến hành các cuộc điều tra “khá căng thẳng”, song ông không nêu chi tiết.
“Chúng ta cũng cần rút ra bài học từ đó, về cách chúng ta có thể thắt chặt quy trình bảo mật thông tin”, ông Burns cho hay.