Bi kịch của người bị đổi giới tính từ khi mới chào đời - Kỳ 1

Bi kịch với những chuỗi ngày đen tối chìm trong men rượu và ma túy bắt đầu khi Sophie Ottaway 22 tuổi, tình cờ phát hiện sự thật rằng mình sinh ra là nam, chứ không phải là nữ như cái tên bố mẹ đặt cho.

Kỳ 1: Quyết định khó khăn

Khi Sophie Ottaway sinh ra vào năm 1986 tại Anh và có một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, các bác sĩ phải phẫu thuật ngay lập tức và ca phẫu thuật này sẽ đổi giới tính từ nam sang nữ. Các bác sĩ cảnh báo cha mẹ cô rằng thủ thuật này phải được giữ bí mật - ngay cả với chính Sophie.

Chú thích ảnh
Bé Sophie nhập viện khi mới được vài ngày tuổi. Ảnh: The Telegraph

Sophie sinh ra với một tình trạng hiếm gặp có tên là lộn bàng quang – dị tật mà cha mẹ cô lúc đó còn chưa nghe tên bao giờ. Cha mẹ cô rất mong chờ Sophie chào đời và mẹ cô đã tuân thủ mọi điều khi mang thai, trong đó có lần siêu âm định kỳ ở tuần thứ 16 và điều đó trấn an bà rằng tất cả đều bình thường. Vào thời điểm đó, bố cô, ông John là nhà phân tích máy tính và mẹ cô, bà Karen là trợ lý riêng của giám đốc một công ty sản xuất thực phẩm. Họ làm việc ở Wythenshawe.

Sophie sinh lúc 5 giờ 45 sáng 20/3/1986. Cô chỉ nặng khoản 2,7kg. Karen kiệt sức vì đã không ngủ suốt 48 giờ. Bà kể lại: “Họ đưa đứa bé đi ngay lập tức và không có ai tươi cười hạnh phúc cả. Bà đỡ thì rơi nước mắt. John bước tới với vẻ mặt khá đau khổ. Anh ấy nói: ‘Chúng ta đã có một cậu con trai nhưng nó gặp rất nhiều vấn đề’”.

John, ngồi trong góc phòng, lặng lẽ khóc. Karen an ủi chồng. Chồng cô đã gặp vài cơn đột quỵ và rất dễ xúc động.

Karen và đứa bé được chuyển đến Bệnh viện Saint Mary ở Manchester bằng xe cấp cứu và Sophie được đưa vào phòng phẫu thuật sơ sinh nhưng bố mẹ không nhìn thấy mặt con.

Chứng lộn bàng quang là tình trạng ảnh hưởng đến khoảng 1 trong 200.000 - 400.000 ca sinh còn sống và xảy ra từ khi em bé còn trong bụng mẹ. Bàng quang của Sophie có hai nửa và ở bên ngoài cơ thể cùng với một phần ruột và có một dương vật rất nhỏ.

Bác sĩ thông báo với Karen và John rằng tình trạng bệnh sẽ khiến con họ phải nhập viện và phẫu thuật nhiều lần; sẽ gây ra nhiễm trùng và các vấn đề khác, đồng thời đứa trẻ sẽ phải nghỉ học rất nhiều và bị rối loạn cương dương khi lớn lên.

Bác sĩ cho hai vợ chồng Karen biết rằng sẽ có rất nhiều vấn đề về tâm lý. Họ đã vẽ ra một bức tranh thực sự đen tối.

Chú thích ảnh
Sophie và bố mẹ. Ảnh: The Telegraph

Họ ở trong phòng với hai bác sĩ phẫu thuật. Họ dường như biết hai bác sĩ đang nói về điều gì. Các bác sĩ cho rằng nếu đổi giới tính của đứa trẻ thành nữ thì kết quả sẽ tốt hơn. Karen và John chưa bao giờ nghe nói đến điều gì tương tự nhưng các bác sĩ nói họ đã từng làm điều này trước đây. Làm như vậy, em bé sẽ ít nhiễm trùng hơn, ít nhập viện hơn; sẽ có một chút khó khăn ở đầu tiên nhưng đứa trẻ sẽ có một tuổi thơ bình thường hơn. Sau những ca phẫu thuật đầu tiên, Sophie sẽ có cơ hội tốt để có một tương lai tươi sáng.

Bác sĩ yêu cầu John và Karen suy nghĩ về điều này nhưng không suy nghĩ quá lâu. Khi đó, họ chưa đăng ký giấy khai sinh cho con và một khi giấy khai sinh đã được cấp thì không thể thay đổi giới tính. Bác sĩ muốn phẫu thuật vào ngày hôm sau.

Gia đình Ottaway không rõ về điều này, nhưng có vẻ như các bác sĩ đang tán thành giả thuyết cho rằng giới tính là do học được chứ không phải bẩm sinh. Rằng nếu đứa bé được nuôi dưỡng như một bé gái, ai biết được sự khác biệt? Bé gái sau này sẽ không thể có con nhưng có thể sử dụng hormone để đảm bảo mình có những đặc điểm thể chất của phụ nữ. Bác sĩ bảo rằng em bé lớn lên sẽ nghĩ rằng mình là con gái.

John và Karem thậm chí không cần phải thảo luận về điều đó. Họ dựa theo lời bác sĩ và cũng cho rằng sẽ tốt hơn cho đứa con nếu thực hiện ca phẫu thuật đó.

Karen luôn ghi nhật ký mỗi ngày. Vì vậy, mặc dù bệnh viện không có bất kỳ hồ sơ nào về ngày sinh và các ca phẫu thuật ban đầu của Sophie nhưng bà vẫn có. Hai ngày sau khi chào đời, con họ phải trải qua ca phẫu thuật kéo dài 10 tiếng rưỡi.

Karen và John nhận thông báo rằng bác sĩ sẽ gọi điện sau cuộc phẫu thuật. Họ cứ chờ mãi. Khi điện thoại đổ chuông, Karen không dám nhấc máy vì sợ nhận tin con đã chết.

Nhưng dù nhẹ cân, Sophie đã vượt qua ca phẫu thuật rất tốt. Khi John và Karen đến gặp con, họ rất ngạc nhiên vì điều giống như một cơn ác mộng lại được các bác sĩ xử lý rất gọn gàng. Con họ chỉ có một vết sẹo có ống ở hai bên và niệu đạo được tạo ra chỉ có một thanh nẹp nhựa nhỏ để giữ cho nó mở. Họ đưa con về nhà bốn tuần sau đó.

Nói một cách đơn giản, Sophie đã được cắt bỏ cơ quan sinh dục nam, tạo âm đạo và sửa hậu môn, bàng quang, niệu đạo, đồng thời mọi thứ được đưa trở lại đúng vị trí.

Bác sĩ đã dặn John: “Đừng nói với ai cả. Kể cả gia đình anh bởi vì sẽ có người lỡ mồm và nếu việc này rò rỉ ra ngoài thì sẽ ảnh hưởng đến Sophie”.

Chú thích ảnh
Sophie và bố. Ảnh: The Telegraph

Nhưng kể từ thời điểm đó, họ không bao giờ đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào về những gì John và Karen nên làm. Họ cũng được dặn không được nói với Sophie về điều đó. Không có đề xuất hỗ trợ tâm lý cho ai trong gia đình.

Thay vào đó, gia đình Ottaway nói với bạn bè và gia đình rằng họ đã sinh một bé gái nhưng cô bé gặp một số vấn đề về sức khỏe nên họ không thể về nhà ngay. Bệnh viện ở Manchester cách xa gia đình họ hơn 160 km nên chưa có ai đến thăm.

Trong 15 tháng tiếp theo, Sophie trải qua thêm 5 cuộc phẫu thuật nữa. Theo giấy đồng ý phẫu thuật mà họ đã ký, các bác sĩ sẽ sửa bàng quang, ruột và bất cứ thứ gì khác được coi là cần thiết.

Sophie vẫn chỉ có 1/5 ruột già và cho đến ngày nay, cô không tự chủ trong việc tiểu tiện –điều mà cha mẹ Sophie không được cảnh báo trước, Sophie phải đeo băng vệ sinh như suốt thời thơ ấu. Chỉ gần đây người ta mới gợi ý rằng cô có thể phẫu thuật cắt bỏ đường tiết niệu để tạo lỗ thông cho hệ tiết niệu.

Sophie là một đứa bé xinh xắn, nhưng khi John đẩy cô bé nằm trong xe đẩy, mọi người hỏi: “Con trai hay con gái?” khiến ông có cảm giác không thoải mái. Nhưng lúc tóc Sophie dài ra thì không ai hỏi lại điều đó nữa.

Chú thích ảnh
Sophie lúc 5 tuổi. Ảnh: The Telegraph

Sophie là một đứa trẻ vui vẻ cho đến khi cô khoảng 12 tuổi. Lúc 11 tuổi, cô bắt đầu đến bác sĩ để tiêm hormone. Bác sĩ nói với Sophie rằng cô bé sẽ không có kinh nguyệt vì buồng trứng đã bị cắt bỏ do chúng bị tổn thương khi sinh và vì không có buồng trứng nên cần phải thay thế estrogen bằng một viên thuốc.

Sophie phải đến gặp bác sĩ 6 tháng một lần. Sophie ghét điều đó và ở tuổi thiếu niên, cô bé đã từ chối đi vì nghĩ bác sĩ là một kẻ biến thái. Cô bé không thích đến bệnh viện – nơi mà cô phải gặp một bác sĩ mà lúc đó cô cho là một ông già kỳ lạ. Tất nhiên, bác sĩ thực ra không phải là một kẻ biển thái, nhưng ông sẽ chạm vào ngực Sophie và xem xét các bộ phận để kiểm tra xem cô bé có đủ lượng hormone hay không. Về cơ bản, bác sĩ đang theo dõi xem mọi việc diễn ra đúng hướng không.

Kỳ 2: Phát hiện gây sốc

Thùy Dương/Báo Tin tức (The Telegraph)
Vụ nổ kho vũ khí khiến thái tử nhà Minh thiệt mạng, suýt phá hủy cả Bắc Kinh
Vụ nổ kho vũ khí khiến thái tử nhà Minh thiệt mạng, suýt phá hủy cả Bắc Kinh

Thuốc súng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lịch sử. Tuy nhiên, việc lưu trữ và xử lý loại chất dễ bay hơi và phát nổ này thường dẫn đến tai nạn thảm khốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN