Một trong những câu chuyện bí ẩn nhất của ngành hàng hải là chuyện về Mary Celeste - con tàu mà người ta phát hiện giữa biển nước mênh mông nhưng trên đấy không có lấy một bóng người. Chuyện gì đã xảy ra với toàn bộ thủy thủ đoàn? Câu hỏi này hơn thế kỷ qua vẫn chưa có lời giải đáp.
Kỳ 1: Số phận long đong
Tàu Mary Celeste lúc mới “chào đời” ở Nova Scotia, Canada có tên là Amazon, trọng tải 282 tấn. Ngay từ đầu, Mary Celeste đã không gặp may, đến mức một trong những người chủ của nó sau này phải chua chát nói rằng: “Trong số những con tàu hay gặp vận rủi mà tôi từng biết, đây là con tàu bất hạnh nhất”.
Thuyền trưởng đầu tiên của con tàu là Robert McLellan, con trai của một trong 8 chủ sở hữu. Tuy nhiên, chỉ 9 ngày sau khi làm thuyền trưởng, ông đã chết ngay trong chuyến đi đầu tiên của Amazon vì bệnh viêm phổi. McLellan là người đầu tiên trong số ba thuyền trưởng chết trên con tàu.
Những ngày đầu hoạt động của Amazon không suôn sẻ, thậm chí phải nói là liên tục gặp vận rủi, từ tai nạn va chạm với tàu thuyền khác, bị hỏng hóc cho đến hỏa hoạn… Sau khởi đầu gian nan, Amazon mới bắt đầu quãng thời gian 6 năm làm ăn có lãi và không gặp bất trắc. Nó từng chu du đến Tây Ấn, Trung Mỹ và Nam Mỹ, chở theo đủ loại hàng hóa.
Năm 1867, Amazon lại gặp vận rủi khi mắc cạn trong một cơn bão ngoài vịnh Glace ở Nova Scotia. Sau khi được giải cứu, Amazon được bán cho ông Richard Haines ở New York với giá 1.750 USD. Chi phí sửa chữa tàu lên đến gần 9.000 USD. Nó được đổi tên thành Mary Celeste năm 1868. Chủ của con tàu là James H. Winchester, Sylvester Goodwin và Benjamin Spooner Briggs.
Gia đình thuyền trưởng Briggs. |
Trong số các chủ tàu, đích thân Briggs làm thuyền trưởng của Mary Celeste. Ông nổi tiếng ở Gibraltar là người không bao giờ uống một giọt rượu nào và là một người sùng bái kinh thánh. Sáng hôm đó, ngày 3/11/1872, trong khi chờ chất hàng là 1.701 thùng cồn công nghiệp của công ty Meissner Ackermann & Co lên tàu tại New York, thuyền trưởng Briggs thong thả viết thư cho mẹ, lòng tràn ngập niềm vui và lạc quan về chuyến đi. Ông còn mang theo cả vợ Sarah và cô con gái hai tuổi Sophia, chỉ có cậu con trai 7 tuổi Arthur ở lại với bà nội.
Trước chuyến đi, tàu và hàng đã được bảo hiểm 46.000 USD. Giá trị của hàng hóa trên tàu khoảng 35.000 USD. Ngày 5/11, tàu Mary Celeste được lệnh của thuyền trưởng nhổ neo hướng tới Genoa, Italy. Thủy thủ đoàn đều là những người giàu kinh nghiệm, đáng tin và có năng lực.
Cũng từ cảng New York, ngày 15/11, một con tàu khác tên là Dei Gratia mang theo 1.735 thùng xăng, đã khởi hành trên Đại Tây Dương với hành trình giống với tàu Mary Celeste. Chiều ngày 5/12/1872, khi ở giữa Azores và bờ biển Bồ Đào Nha, thuyền trưởng tàu Dei Gratia phát hiện một chiếc thuyền buồm từ xa giữa đại dương và ông nhận ra ngay đó là Mary Celeste. Thuyền trưởng Morehouse biết thuyền trưởng Briggs của Mary Celeste và họ đã ăn tối cùng nhau trước khi tàu Mary Celeste rời cảng. Ông rất đỗi ngạc nhiên và lấy làm lạ vì đáng lẽ giờ này Mary Celeste đã phải tới Italy rồi. Điều lạ hơn là con tàu dường như đang đi chệch đường, lao vào luồng gió và sau đó ngả nghiêng mất kiểm soát trong khi thuyền trưởng Briggs là một người giàu kinh nghiệm.
Tàu Mary Celeste cũng không hề phát tín hiệu nguy cấp. Sau hai giờ quan sát cẩn trọng ở vị trí cách tàu Mary Celeste chừng hơn 300 m và kiên nhẫn gửi tín hiệu cho Mary Celeste mà không thấy trả lời, thuyền trưởng Morehouse quyết định phái thủy thủ xuống thuyền nhỏ tiến về tàu Mary Celeste.
Con tàu được tìm thấy trong tình trạng vẫn tốt và người ta có cảm giác chung rằng thủy thủ đoàn đã rời tàu rất vội vã. Họ bỏ lại trên tàu cả giày và tẩu thuốc. Quần áo của họ hoàn toàn khô ráo. Đồng hồ bấm giờ, kính lục phân không có trên tàu. Ghi chép cuối cùng trên tàu cho thấy nó đã cập đảo St Mary ở Azores ngày 25/11.
Theo những câu chuyện thêu dệt sau đó, lúc thủy thủ tàu Dei Gratia lên tàu Mary Celeste, họ thấy các tách cà phê vẫn còn bốc hơi, bữa sáng còn dở dang và đồng hồ quay ngược.
Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Theo thuyền phó Oliver Deveau của tàu Dei Gratia, trên tàu còn đồ ăn và nước ngọt đủ dùng cho sáu tháng và hàng hóa cũng còn nguyên. Cửa hầm tàu và tàu cách ly đều mở toang trong khi có một lượng nước lớn giữa các boong tàu. Đồng hồ và la bàn bị hỏng. Một chiếc bơm không còn hoạt động.
Toàn bộ giấy tờ trên tàu đều biến mất, trừ cuốn sổ theo dõi của thuyền trưởng. Chiếc xuồng cứu sinh duy nhất trên tàu không còn. Dây leo dùng để kéo buồm chính cũng mất tích. Người ta thấy một đầu sợi dây thừng, có lẽ là chiếc dây leo đã bị tháo ra, buộc chặt vào tàu còn đầu kia thả xuống nước sau tàu. Không có dấu hiệu nào cho thấy có cuộc ẩu đả hay bạo lực. Có thể lý giải điều bí ẩn này như thế nào?
Thùy Dương
Đón đọc kỳ tới: Lý giải bí ẩn