Bác sĩ thần kinh Walter Freeman: Quái vật hay thiên tài y khoa? - Kỳ cuối

Đến thời điểm này, Freeman ngày càng không hài lòng với phương pháp phẫu thuật hiện tại. Ông cho rằng cần phải có một cách thực hiện nhanh chóng và đơn giản hơn.

Kỳ cuối: Phương pháp gây tranh cãi

Chú thích ảnh
Bác sĩ Walter Freeman thực hiện một ca phẫu thuật cắt thùy não xuyên hốc mắt ngày 11/7/1949. Ảnh: Getty Images

Theo trang allthatsinteresting.com, thực tế, mục tiêu cuối cùng của ông là cho phép các bác sĩ tâm thần có thể thực hiện thủ thuật này ngay tại phòng khám của họ mà không cần đến phòng mổ hay cần bác sĩ phẫu thuật thần kinh.

Freeman sớm biết đến một bác sĩ người Italy tên Amarro Fiamberti, người thực hiện phẫu thuật não bằng cách tiếp cận qua hốc mắt bệnh nhân, không cần khoan vào hộp sọ. Freeman bắt đầu thử nghiệm kỹ thuật này và vào tháng 1/1946, ông thực hiện ca cắt bỏ thùy não qua hốc mắt đầu tiên.

Phương pháp phẫu thuật của Walter Freeman là đưa một dụng cụ giống cái dùi đục qua hốc mắt bệnh nhân, dùng búa gõ để dùi xuyên qua lớp xương mỏng ở phần trên của hốc mắt cho đến khi chạm đến não, sau đó di chuyển dụng cụ để phá hủy mô thùy trán, vốn được cho là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần.

Walter Freeman tin rằng phẫu thuật kiểu này đơn giản đến mức có thể thực hiện bên ngoài phòng mổ và ông bắt đầu một chuyến đi trên toàn quốc để trình diễn phương pháp này cho các bác sĩ khác. Ông đã sử dụng truyền thông để thu hút chú ý đối với phương pháp phẫu thuật này, quảng cáo như một giải pháp nhanh chóng để chấm dứt bệnh tâm thần. Trong khi đó, Watts đã quá chán ghét phương pháp này và chấm dứt hợp tác với Freeman.

Trong chuyến đi, Freeman đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật trong một ngày. Trong một lần, ông đã thực hiện hơn 50 ca phẫu thuật ở ba bang chỉ trong bốn ngày.

Freeman rất thích trình diễn kỹ thuật của mình trước đám đông. Không mặc áo phẫu thuật, không đeo khẩu trang hay găng tay, ông coi ca phẫu thuật như một màn biểu diễn xiếc, cắm dụng cụ vào não và xoay cổ tay để tạo các đường cắt giống nhau sau mỗi mắt. Ông từng thực hiện 228 ca phẫu thuật này chỉ trong vòng 12 ngày, nhờ hợp tác của các giám đốc bệnh viện bang West Virginia, những người cho phép tiếp cận không giới hạn với bệnh nhân.

Đặc biệt, bác sĩ này không sử dụng thuốc mê, mà thay vào đó, ông sử dụng điện giật để gây ra cơn co giật và làm mất ý thức bệnh nhân.

Freeman nhấn mạnh rằng bệnh nhân vừa được phẫu thuật cắt bỏ thùy não có thể trở về nhà chỉ vài giờ sau phẫu thuật, chỉ cần áp dụng biện pháp phòng ngừa đơn giản là đeo kính râm để che đi vết bầm quanh mắt – dấu hiệu của việc não bị cắt và khoét.

Freeman sẵn sàng, thậm chí háo hức thực hiện thủ thuật này cho cả trẻ em mới 4 tuổi và những người trưởng thành có triệu chứng rối loạn thần kinh chưa lâu. Ông cảnh báo rằng nếu những bệnh nhân này không được điều trị kịp thời, nhân cách của họ sẽ dần suy thoái và cuối cùng sẽ trở thành những người mắc bệnh tâm thần mãn tính, sống phần đời còn lại trong các khu cách ly của bệnh viện tâm thần – một số phận mà theo ông còn tồi tệ hơn cái chết.

Ông lập luận rằng não của trẻ em có khả năng phục hồi tốt hơn so với người lớn. Freeman khẳng định rằng với trẻ em, phẫu thuật tối đa, tức là cắt thùy não ở cấp độ rộng nhất, là phương pháp duy nhất thực sự hiệu quả, nhưng có điểm tiêu cực là sẽ khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái thực vật.

Với người lớn, ông thích phương pháp phẫu thuật xuyên hốc mắt hơn vì đơn giản và nhanh hơn nhiều. Trong khi một ca cắt thùy não thông thường có thể kéo dài hàng giờ, thì phương pháp xuyên hốc mắt chỉ mất chưa đầy sáu phút.

Mặc dù nhiều người sau phẫu thuật thùy não nói rằng có cải thiện triệu chứng, nhưng hàng trăm người đã tàn tật hoặc thậm chí tử vong. Khi Freeman đang phẫu thuật cho một bệnh nhân vào năm 1951, ông dừng lại giữa chừng để tạo dáng chụp ảnh và vô tình đẩy dụng cụ của mình quá sâu vào não bệnh nhân, khiến người này chết.

Tháng 2/1967, Walter Freeman thực hiện ca cắt bỏ thùy não cuối cùng trên một phụ nữ tên Helen Mortensen, người sau đó tử vong do xuất huyết não. Ông bị cấm thực hiện phẫu thuật kiểu này thêm lần nào nữa và nhanh chóng rơi vào quên lãng. Năm năm sau, ông qua đời, để lại phía sau một di sản đầy tranh cãi với hàng loạt bệnh nhân chịu tổn thương không thể phục hồi.

Một trong số đó là Howard Dully, người mới 12 tuổi khi được Walter Freeman phẫu thuật thùy não vào tháng 12/1960. Theo một bài viết năm 2005 của NPR, gia đình cậu bé mô tả cậu ngỗ ngược, hoang dã. Freeman đã ghi chú trong sổ tay rằng Howard không phản ứng với tình yêu hay hình phạt. Cậu ta phản đối đi ngủ nhưng lại ngủ rất ngon... Cậu ta bật đèn phòng khi ngoài trời đã có ánh sáng mặt trời.

Howard nghĩ rằng mẹ kế ghét mình và muốn loại bỏ mình. Tuy vậy, cha của cậu đã đồng ý cho con phẫu thuật, mặc dù sau này ông tuyên bố mình bị vợ và Freeman thao túng.

Dù không chịu hậu quả thảm khốc từ ca cắt bỏ thùy não, nhưng về sau Howard chia sẻ:
“Tôi luôn cảm thấy khác khác, tự hỏi liệu có thứ gì đó đã mất đi trong tâm hồn mình... Tôi sẽ không bao giờ biết được mình đã đánh mất điều gì trong 10 phút với bác sĩ Freeman và cây dùi đục của ông ta”.

Howard Dully nói: “Bằng một phép màu nào đó, ca phẫu thuật không biến tôi thành một kẻ vô hồn, không nghiền nát ý chí hay giết chết tôi. Nhưng đã ảnh hưởng đến tôi. Sâu sắc. Ca phẫu thuật của Walter Freeman đáng lẽ phải giúp giảm bớt đau khổ. Nhưng với tôi, nó làm điều ngược lại. Từ sau ca cắt bỏ thùy não, tôi luôn cảm thấy mình như một kẻ dị dạng, đầy xấu hổ”.

Sau này, phương pháp cắt bỏ thùy não dần suy tàn cùng với Freeman. Những loại thuốc chống loạn thần và chống trầm cảm đầu tiên xuất hiện vào những năm 1950, thay đổi hoàn toàn cách điều trị bệnh tâm thần. Thời kỳ hoàng kim của phẫu thuật cắt bỏ thùy não đã chấm dứt.

Theo trang latimes.com, sau khi qua đời, ông bị coi như một kẻ bị ruồng bỏ, chứ không phải anh hùng như cách ông tự nhìn nhận. Freeman tự xem mình là người gần như đơn độc mở ra một phương pháp điều trị phẫu thuật giúp hàng trăm nghìn bệnh nhân tâm thần thoát khỏi những “hố rắn độc” của bệnh viện tâm thần, chứ không phải một kẻ man rợ không khác gì bác sĩ phát xít Đức khét tiếng Josef Mengele. Nhưng trong văn hóa đại chúng, phương pháp phẫu thuật cắt thùy não của ông được coi là một công cụ thô sơ nhằm đàn áp những người nổi loạn và không tuân thủ quy tắc, chẳng hạn như việc dập tắt tinh thần bất trị của Randle McMurphy trong tiểu thuyết One Flew Over the Cuckoo’s Nest (Bay trên tổ chim cúc cu) của Ken Kesey. Trong bộ phim tiểu sử Frances (1982), có cảnh Freeman thực hiện cắt thùy não xuyên hốc mắt cho minh tinh Hollywood Frances Farmer. Cuộc phẫu thuật này được coi là hư cấu nhưng dù điều đó đúng hay không, cảnh phim này vẫn củng cố danh tiếng của Freeman.

Xu hướng nhìn phẫu thuật cắt thùy não qua lăng kính tích cực này cũng xuất hiện trong tác phẩm Last Resort (1998) của Jack Pressman, cuốn sách học thuật toàn diện nhất về lịch sử phẫu thuật tâm thần cho đến nay.

Trung tâm của quan điểm xét lại này là một số lập luận: rằng điều kiện trong các bệnh viện tâm thần Mỹ những năm 1940-1950 quá khủng khiếp, tương lai của bệnh nhân tâm thần phân liệt quá bi thảm đến mức ngay cả những biện pháp cực đoan nhất cũng có thể chấp nhận được nếu mang lại chút cải thiện; rằng hậu quả của việc gây tổn thương thùy não không phải lúc nào cũng thảm khốc như ta tưởng; rằng áp đặt tiêu chuẩn đạo đức và khoa học ngày nay lên quá khứ là không công bằng; rằng Freeman là một nhà khoa học chân thành, có thiện chí, đáng được tôn trọng.

Tuy nhiên, Freeman không nhắm vào bệnh nhân tâm thần phân liệt ở các khu bệnh nặng mà chủ yếu thực hiện phẫu thuật cắt thùy não cho những người vẫn còn thực hiện được các chức năng, đó là các bệnh nhân lo âu và trầm cảm. Theo một số người, đó không phải là cách chữa trị, mà là cách triệt tiêu con người.

Dù nhìn nhận Freeman dưới lăng kính tiêu cực hay tích cực thì phương pháp chữa bệnh này và di sản của ông cũng đã bị quên lãng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
‘Bác sĩ tử thần’ khét tiếng nhất nước Anh - Kỳ cuối
‘Bác sĩ tử thần’ khét tiếng nhất nước Anh - Kỳ cuối

Tất cả những người từng tham gia điều tra, bắt giữ và xét xử Shipman đều dùng những từ kinh hoàng nhất để mô tả ông ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN