Chớp nhoáng, kinh hoàng và đẫm máu là những gì xuất hiện trong một cuộc không chiến. Trong khi các hình thức tác chiến trên mặt đất và trên biển đã diễn ra hàng thiên niên kỷ, thì các cuộc không chiến chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng một thế kỷ. Năm 1903, anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay lịch sử của họ, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử hàng không thế giới; năm 1911, người Italy tiến hành các cuộc ném bom một bộ lạc ở Libya; năm 1914, các trận không chiến đầu tiên nổ ra; và năm 1918, những máy bay ném bom của Đức và Anh đã tấn công các thành phố của nhau. Đến cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, chỉ tính riêng Không quân Hoàng gia Anh đã có khoảng 22.000 máy bay.
Không chiến đã trở thành một hình thức tác chiến thiết yếu của chiến tranh. |
Người ta cũng nói về sự phát triển của nghệ thuật không chiến được thể hiện trong “Tháng 4 đẫm máu” năm 1917, khi các phi công lái máy bay chiến đấu kỳ cựu của Đức như Manfred Albrecht Freiherr von Richthofen - phi công át chủ bài của Không quân Đức quốc xã, biệt danh "Nam tước Đỏ", nổi tiếng với chiến tích bắn hạ 80 máy bay đối phương - xé toạc đội hình máy bay chiến đấu của Anh, khiến người Anh mất 275 máy bay. Một phần tư thế kỷ sau, tháng 7 và tháng 8/1943, Không quân Đức mất tổng cộng 3.200 máy bay trong các cuộc giao chiến. Kể từ đó, không chiến đã trở thành một hình thức tác chiến thiết yếu của chiến tranh. Dưới đây là những cuộc không chiến lớn và kinh hoàng nhất trong lịch sử:
Trận chiến nước AnhTrận không chiến nổi tiếng nhất có lẽ là Cuộc chiến của nước Anh (Battle of Britain). Một phần là vì nó đã trở thành huyền thoại của người Anh và một phần bởi đó là cuộc không chiến dai dẳng giữa Đức Quốc xã và Anh vào mùa hè-thu năm 1940 trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau khi xâm chiếm Pháp thành công, Hitler và Bộ Tư lệnh Tối cao Đức đã mở một chiến dịch đường không tấn công Anh, nhằm mục tiêu giành lấy ưu thế trên không trước Không quân Hoàng gia Anh, nhất là đối với lực lượng tiêm kích, mục đích là làm suy yếu sức kháng cự của Anh, mở đường cho cuộc đổ bộ của hải quân và lính dù Đức trong Chiến dịch Sư tử biển tiếp theo sau đó; buộc Anh phải đầu hàng hoặc ít nhất xin hòa và rút khỏi chiến trường châu Âu. Nhất là từ sau những thắng lợi ban đầu của lực lượng Không quân Đức, người Đức đã tin rằng lợi thế sẽ nghiêng về họ.
Trận chiến nước Anh là chiến dịch quân sự lớn đầu tiên được thực hiện hoàn toàn bằng lực lượng không quân. Trước đó, chưa bao giờ có cuộc oanh tạc và đụng độ trên không kéo dài và kinh khủng như thế. Từ tháng 7/1940, những đoàn tàu vận tải duyên hải và trung tâm hàng hải, như Portsmouth là những mục tiêu chính của Không quân Đức; nhưng một tháng sau đó Không quân Đức đã chuyển hướng tấn công vào các sân bay và cơ sở hạ tầng của không quân Anh. Đến khi cuộc giằng co kéo dài, Không quân Đức tấn công cả vào những nhà máy sản xuất máy bay và cơ sở hạ tầng trên mặt đất. Cuối cùng họ quay sang các khu vực có ý nghĩa chính trị để tiến hành chiến thuật ném bom khủng bố, mở cuộc oanh tạc rầm rộ vào thủ đô và các thành phố lớn của đối phương.
Máy Anh và Đức trong một cuộc không chiến trong bộ phim "The Battle of Britain" (1969). |
Không quân Đức sau cùng phải chịu bó tay và bỏ cuộc trước sức mạnh chiến đấu của không quân Anh và sức chịu đựng dũng cảm của nhân dân Anh. Đức đã không thể hoàn thành được mục tiêu của mình. Đây là thất bại đầu tiên của quân đội Đức và là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ 2. Người Anh coi đây là một chiến thắng mang tính quyết định. Mặt khác, chiến thắng này còn dẫn đến sự tiếp tục tham chiến của nước Anh trong Trận chiến Đại Tây Dương và vai trò quan trọng của Anh trong Trận Normandie (cuộc đổ bộ của quân đội khối Đồng minh vào các bãi biển vùng Normandie, hay còn gọi là Trận chiến vì nước Pháp) năm 1944. Chiến thắng này của Anh cũng được xem là một trận phòng không mẫu mực trong thế kỷ 20.
Cuộc giao tranh kéo dài gần 3 tháng trên đã khiến gần 2.000 máy bay của Không quân Đức cùng những phi công được huấn luyện tốt của họ bị thiệt hại, cũng như chấm dứt hy vọng của Hitler nhằm kết thúc cuộc chiến với phương Tây để tập trung tất cả các lực lượng chinh phục Liên Xô.
Trận “Big Week” (Tạm dịch: Tuần hủy diệt)Mỹ đã phải rút ra được bài đắt giá từ những gì mà không quân Đức trải qua trong Trận chiến nước Anh. Mặc dù trước chiến tranh, các nhà học thuyết quân sự khẳng định rằng máy bay ném bom có thể xuyên thủng bất cứ hệ thống phòng thủ nào và buộc đối phương phải lộ diện, điều này là không đúng.
Mỹ đã đặt hy vọng của mình vào một cuộc tấn công vào ban ngày bằng những phi đội máy bay ném bom B-17 Flying Fortress được trang bị vũ khí hạng nặng, nhằm vào các cơ sở công nghiệp của Đức với chiến thuật ném bom chính xác ở tầm cao. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1943, các “pháo đài bay” trên bị tổn thất lớn trước các máy bay chiến đấu của Đức, trong đó bao gồm các cuộc tấn công thảm khốc ở Schweinfurt và Regensburg, khi 60 trong tổng số 367 chiếc B-17 bị bắn rơi.
Những chiếc B-17 trên bầu trời Schweinfurt (Đức). |
Trong khi đó, Trận Normandy chỉ cách vài tháng nữa là diễn ra. Vì vậy, các nhà lập kế hoạch Mỹ đã đưa ra một ý tưởng táo bạo: thực hiện cuộc tấn công trên không quy mô lớn nhằm vào các nhà máy chế tạo máy bay của Đức. Các máy bay chiến đấu của Đức tự nhiên sẽ gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ chính xác là những gì người Mỹ muốn. Lần này, các máy bay ném bom B-17 và B-24 sẽ được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu P-51 Mustang tầm xa cùng với các máy bay Thunderbolt P-47 tầm ngắn hơn.
Trong trận "Big Week" diễn ra từ ngày 22-26/2/1944, các cuộc không chiến quy mô lớn đã nổ ra trên toàn nước Đức. Tổn thất của Mỹ là rất lớn với gần 250 máy bay ném bom và 30 máy bay chiến đấu. Nhưng Đức Quốc xã còn mất tới hơn 350 máy bay chiến đấu. Người Đức có thể thay thế được các máy bay mới, nhưng không thể thay thế được các phi công. Đức và Nhật Bản đã không chú ý đến việc đào tạo đủ số lượng các phi công để thay thế và những phi công tân binh được cho là có kỹ năng hạn chế hơn so với những phi công được huấn luyện tốt hơn phía quân Đồng minh.
Quan trọng nhất, những máy bay chiến đấu của Mỹ vượt trội hơn so với của phía Đức đã tạo ra một tình thế khó xử mà Đức quốc xã không thể giải quyết được. Để bắn rơi máy bay ném bom hạng nặng thì máy bay chiến đấu phải được trang bị vũ khí và giáp hạng nặng. Nhưng việc các máy bay chiến đấu của Đức bổ sung thêm pháo, tên lửa không-đối-không và tấm áo giáp sẽ ảnh hưởng đến tải trọng của máy bay và khiến cho phi công điều khiển gặp nhiều khó khăn, và do đó khả năng linh hoạt sẽ kém hơn những chiếc máy bay Mustang và Thunderbolt.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu hành động ném bom chiến lược trên của quân đồng mình là một chiến lược để giành chiến thắng trong chiến tranh, hay là một sự lãng phí tài nguyên, hoặc thậm chí là một tội phạm chiến tranh. Nhưng trận “Big Week” không chỉ đơn giản là việc dội bom các nhà máy. Nó cho thấy làm thế nào một lực lượng không quân của đối phương có thể bị đẩy vào thế không thể thắng.
Xem kỳ cuối tại đâyCông Thuận