5 trận không chiến kinh hoàng nhất trong lịch sử-Kỳ cuối

Không chiến đã trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến tranh hiện đại kể từ đầu những năm 1900 và đã tạo ra một số câu chuyện thú vị nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Đây là một hình thức tác chiến không thể thiếu trong một cuộc chiến tranh. Từ đầu thế kỷ 20 cho đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, không chiến là yếu tố quan trọng có phần mang tính quyết định trong các chiến dịch quân sự.

MiG Alley (“Ngày thứ Năm đen tối”)

Đây là cuộc chiến diễn ra với nỗ lực của Liên Xô và CHDCND Triều Tiên chống lại Mỹ. Các chuyên gia cho rằng cuộc không chiến này tạo nền tảng cho sự ra đời của các máy bay chiến đấu hiện đại.

Một chiếc F-86 Sabre phóng tên lửa nhằm vào máy bay MiG-15 trong cuộc đối đầu tại khu vực MiG Alley.


MiG Alley được cho là "nơi sản sinh ra cuộc chiến của máy bay chiến đấu phản lực". "MiG Alley" là cái tên được các phi công thuộc lực lượng quân sự của Liên Hợp Quốc đặt cho khu vực chia cắt phía tây bắc của Triều Tiên. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, tại khu vực này diễn ra một loạt các trận không chiến giữa các phi công của lực lượng Liên Hợp Quốc với phi công của Triều Tiên và đôi khi là của Trung Quốc hoặc Liên Xô.

Các cuộc không chiến diễn ra ở MiG Alley của Triều Tiên là thường xuyên, nhưng một sự cố tồi tệ nhất đã xảy ra đối với Mỹ vào ngày 12/4/1951. Không quân Mỹ đã gọi đó là "Ngày thứ Năm đen tối".

Chỉ 30 chiếc máy bay MiG-15 do Liên Xô sản xuất đã tấn công 136 máy bay Mỹ, trong số này có 36 pháo đài bay B-29 và 100 chiếc F-80 Shooting Star và F-84 Thunder. Cuộc tấn công này đã chứng tỏ rằng máy bay ném bom B-29 đang bị lỗi thời.  Kết quả, Liên Xô thắng trong trận giao tranh này mà không bị tổn thất chiếc máy bay nào, trong khi Mỹ thiệt hại 12 chiếc.

Chiến dịch Linebacker II (Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không")

Chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, diễn ra từ ngày 18 - 30/12/1972 sau khi Hội nghị Paris rơi vào bế tắc. Trong chiến dịch này, Mỹ chủ trương đưa miền Bắc Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá” và buộc Hà Nội phải ký kết Hiệp định Paris theo ý đồ của Washington. Đây là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker diễn ra từ tháng 5 - 10/1972, nhưng có điểm khác biệt lớn là lần này Mỹ thực hiện các cuộc tấn công dồn dập bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 nhằm huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong Chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.

Trong 12 ngày, Mỹ triển khai tổng cộng 741 lượt B-52 ném bom miền Bắc và 212 lượt đi ném bom ở miền Nam của Việt Nam. Hỗ trợ cho các B-52 là 3.920 lượt máy bay ném bom chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ. Các cuộc tập kích của Mỹ diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm. Một lực lượng lớn máy bay B-52, mỗi chiếc mang tối đa 66 quả bom (mỗi quả nặng 340kg) hoặc hàng trăm quả bom 227kg thực hiện tấn công hủy diệt, trong khi các máy bay chiến thuật thay nhau liên tục đánh phá ác liệt các sân bay, trận địa tên lửa và các trạm radar phòng không của ở miền Bắc Việt Nam. Lầu Năm Góc đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971, phá hủy nhiều khu phố, nhà cửa, bệnh viện, trường học, công trình kinh tế, quốc phòng… và gây thương vong cho hàng nghìn người, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em.
 

Xác một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không". Ảnh tư liệu TTXVN


Nhưng cuộc tập kích chiến lược ồ ạt và tàn bạo bằng B-52 của Mỹ đã thất bại nhục nhã trước sự chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân Việt Nam. Trên 80 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có hơn 30 chiếc là B-52, cùng nhiều phi công Mỹ bị bắt. Cuộc ném bom tuy có gây những tổn thất nặng nề cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng đã không làm thay đổi được lập trường chính nghĩa của Hà Nội về vấn đề cơ bản của hiệp định hoà bình, đồng thời nó gây một làn sóng bất bình lớn trong lòng nước Mỹ, dư luận và chính giới của các nước trên thế giới trong đó có cả các đồng minh lâu năm của Washington, khiến uy tín của Chính phủ Mỹ bị xuống thấp nghiêm trọng. Bị phản đối trong nước, bị cô lập trên trường quốc tế, gặp phải sự chống trả hiệu quả gây thiệt hại lớn cho lực lượng không quân chiến lược, lại không thể buộc đối phương thay đổi lập trường, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch vào ngày 30/12, đề nghị nối lại đàm phán tại Paris và cuối cùng nhanh chóng ký kết Hiệp định Paris trên cơ sở dự thảo mà phía Mỹ trước đó đã từ chối.

Chiến dịch này còn có một ý nghĩa tâm lý nặng nề cho giới quân sự Mỹ: đây là chiến dịch mà phía Mỹ đã chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, phương thức chiến đấu và đặc biệt là sử dụng sở trường của mình (trình độ khoa học công nghệ) để chống lại sở đoản của đối phương, một cuộc đấu mà đối phương sẽ không thể sử dụng yếu tố "du kích" – một cách hình tượng: phía Mỹ thách đấu, được quyền lựa chọn vũ khí và đã thất bại.

Ở Việt Nam sự kiện này thường được gọi là "Điện Biên Phủ trên không". Đây đơn giản chỉ là một thắng lợi trong chuỗi thắng lợi trong suốt 30 năm kháng chiến kiên cường giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Bằng chứng cho thắng lợi đó là việc Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước vào năm 1975.

Như cựu Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ khi trả lời tạp chí AirForce từng thừa nhận: "Không quân Mỹ đã tiến hành chiến tranh điện tử trên quy mô lớn, nhưng các máy bay vẫn dễ bị tổn thương. Chúng tôi cho rằng Bắc Việt Nam đã phát triển được các lực lượng phòng không dày dạn kinh nghiệm nhất thế giới. Rõ ràng họ có kinh nghiệm hơn bất cứ nước nào trong việc phóng tên lửa để hạ máy bay".

Trong khi đó, Đại tá Markov Lev Nicolayevich, người từng giảng dạy tại Trường Sĩ quan Phòng không và huấn luyện các kíp trắc thủ tên lửa cho Việt Nam, cho rằng: "Trên thế giới ít có cuộc chiến nào mà bên phòng vệ thắng bên tấn công, nhất là khi có sự chênh lệch quá lớn về tiềm lực quân sự, vũ khí trang bị như giữa quân đội Việt Nam và quân đội Mỹ, đặc biệt là 'siêu pháo đài bay B-52', mà người Mỹ khoe là không thể bị bắn hạ! Vậy mà Việt Nam đã đánh thắng rất giòn giã. Đó thực sự là cuộc chiến tranh của trí tuệ với trí tuệ, thông minh 'chọi' thông minh, chứ không phải là cuộc chiến tranh thông thường!"

Falklands 1982

Tàu khu trục HMS Sheffield của Hải quân Anh sau khi trúng tên lửa Exocet.


Chiến tranh Falkland là một cuộc xung đột kéo dài trong khoảng 10 tuần giữa Argentina và Anh quốc liên quan đến quần đảo Falkland và Nam Georgia và quần đảo Nam Sandwich tại nam Đại Tây Dương. Chiến tranh bắt đầu vào ngày 2/4/1982 khi Argentina xâm nhập và chiếm đóng quần đảo Falkland (trong một nỗ lực nhằm thiết lập chủ quyền mà họ yêu sách từ lâu). Ngày 5/4, chính phủ Anh phái một lực lượng hải quân đi giao chiến với Hải quân và Không quân Argentina trước khi tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ lên quần đảo này.

Đối mặt với các hạm đội Anh là một lực lượng không quân Argentina với gần 600 máy bay, trong đó có khoảng 150 máy bay chiến đấu Mirage và Dagger, các máy bay tấn công A-4 Skyhawk, máy bay tấn công của hải quân Super Etendard, các máy bay ném bom Canberra, máy bay tấn công mặt đất Aermacchi và Pucara và máy bay chở dầu KC-130. Các máy bay Super Etendard được vũ trang một vài tên lửa chống hạm Exocet đã làm nên lịch sử sau khi đánh chìm tàu khu trục HMS Sheffield của Hải quân Anh.

Xung đột kéo dài trong 74 ngày, và kết thúc khi Argentina đầu hàng vào ngày 14/6/1982, quần đảo trên lại nằm dưới quyền kiểm soát của Anh. Tổng cộng, có 649 nhân viên quân sự Argentina, 255 nhân viên quân sự Anh và 3 thường dân Falkland thiệt mạng trong chiến sự.

Xem Kỳ 1 tại đây

Công Thuận(Theo N.I)

5 trận không chiến kinh hoàng nhất trong lịch sử quân sự
5 trận không chiến kinh hoàng nhất trong lịch sử quân sự

Chớp nhoáng, kinh hoàng và đẫm máu là những gì xuất hiện trong một cuộc không chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN