10 cú hạ cánh khẩn cấp ngoạn mục nhất

Lịch sử hàng không thế giới đã chứng kiến rất nhiều cú hạ cánh an toàn trong tình huống vô cùng nguy hiểm: Máy bay hết nhiên liệu, gãy cánh lúc đang bay, đáp xuống bãi mìn… Dưới đây là mười tình huống hạ cánh khẩn cấp ngoạn mục nhất từ trước đến nay do tạp chí Lịch sử hàng không bình chọn.

 

Kỳ 1: Khi phi cơ gãy cánh

 

Một chiếc xe ô tô hay xe máy đang chạy trên đường có thể bị thủng lốp, hết xăng. Vậy nên, việc một chiếc máy bay cũng có thể gãy cánh hay cạn kiệt nhiên liệu lúc đang bay. Và thực tế, những sự cố như thế đã xảy ra…

 

Cầu lửa trên không

 

Ngày 1/5/1983, trên sa mạc Negev, phi công Zivi Nedivi thuộc Không lực Ixraen thực hiện bài tập bay trong chiến đấu với chiếc F-15D Eagle. Quân xanh trong cuộc không chiến này là một chiếc A-4 Skyhawk có khả năng di chuyển cực kỳ mau lẹ. Không may, chiếc Skyhawk đảo ngược chiều bay trong lúc Nedivi đang hạ thấp độ cao và không phi công nào trông thấy nhau. Vụ va chạm làm chiếc F-15 rụng hoàn toàn cánh bên phải. Chiếc A-4 biến thành một quả cầu lửa nhưng phi công đã nhảy dù thành công. Chiếc F-15 ngay lập tức chúi đầu xuống và xoay tròn. Nedivi nói với thày dạy bay đang ngồi ghế sau chuẩn bị nhảy dù.


 

Chiếc Boeing 767 hạ cánh xuống đường đua.

 

Tuy nhiên, ngay sau đó, Nedivi chuyển sang chế độ sử dụng bộ phận đốt lần hai và may mắn là quyết định này giúp cân bằng được máy bay. Giáo viên huấn luyện bay giục anh nhảy dù, nhưng Nedivi từ chối phương án đó, anh nghĩ mình có thể hạ cánh được một cách an toàn.


Nevidi tiếp tục điều khiển chiếc F-15 khoảng 15 phút nữa về hướng căn cứ gần nhất của Không lực Ixraen trên sa mạc. Để giữ cho máy bay không rơi vào tình trạng xoay tròn không kiểm soát được, anh cần phải đạt đến vận tốc gần 480 km/giờ - gấp đôi vận tốc hạ cánh thông thường của loại máy bay này. Điều kỳ diệu đã xảy ra, Nedivi phanh cho máy bay dừng hẳn khi chỉ còn cách điểm cuối của đường băng dài 3.352 m là 6 m.


Sau vụ này, Nevidi bị giáng cấp vì đã không tuân theo mệnh lệnh nhảy dù của giáo viên, nhưng ngay sau đó anh được thăng cấp vì đã có công cứu máy bay.

 

Sự cố sau cú bổ nhào


Trong buổi tập luyện cho lần bay biểu diễn tại triển lãm hàng không thế giới năm 1970, phi công cừ khôi nhất nước Anh, Neil Williams, cảm nhận thấy xà dọc ở cánh của chiếc Zlin 526 đột nhiên bị gãy khi anh đang làm động tác lấy lại thăng bằng sau một cú bổ nhào thẳng đứng. Khi giảm tốc độ và cố gắng bay là là, Williams quan sát thấy cánh trái của máy bay bị gập một góc gần 45 độ so với thân máy bay, gãy ở điểm nối giữa cánh với thân máy bay.


 

Chiếc Zlin 526 hạ cánh trong tình trạng xà dọc ở cánh bị gãy.

 

Williams nhớ lại tình huống một phi công người Bungari trong khi thực hiện động tác lộn nhào với chiếc máy bay Zlin thì bất ngờ một con bulông ở trên cánh máy bay bị rơi ra. Khi máy bay chòng chành theo phương thẳng đứng trước tác động của việc xà dọc cánh máy bay bị nghiêng, cái cánh bị gãy được đẩy lại vị trí ban đầu dưới tác động của trọng lực và ở nguyên vị trí đó cho đến khi phi công hạ cánh được máy bay. Từ kinh nghiệm này, Williams lật ngửa máy bay và chiếc cánh gãy liên kết với thân máy bay, cho dù đây chỉ là một sự liên kết rất mong manh, Tuy vậy, vẫn chưa hết khó khăn, Williams giờ đây lại gặp phải một vấn đề khác: Động cơ máy bay ngừng hoạt động. Trong lúc bối rối, anh đã vô tình gạt van nhiên liệu sang vị trí đóng, nhưng rồi rất may, anh đã khởi động lại được động cơ, lựa chọn đúng thùng nhiên liệu để thực hiện động tác bay ngửa.


Sân bay Hullavington, nơi mà máy bay của anh cất cánh trước đó giờ đã ở ngay trong tầm mắt. Lực lượng dưới mặt đất đã chuẩn bị các xe cứu thương và chữa cháy nên Williams quyết định thực hiện cú hạ cánh. Anh tiếp tục bay theo kiểu “phơi bụng” và đến phút chót thì lật được máy bay trở lại tư thế bình thường rồi lao xuống mặt đất ngay khi cánh trái bị rụng khỏi thân máy bay hoàn toàn.

 

Bay kiểu tàu lượn


Ngày 23/7/1983, khi các phi công trên chuyến bay 143 của hãng hàng không Canađa nghe thấy một tiếng “boong” lớn phát ra từ buồng lái, một tiếng động mà họ chưa từng nghe thấy từ trước tới nay, kể cả trong những lần luyện tập đối phó với các tình huống khẩn cấp giả định. Không nghi ngờ gì: Âm thanh đó báo hiệu rằng cả hai động cơ bị hết nhiên liệu, một tình huống không thể tưởng tượng nổi với một chiếc Boeing 767-200 hiện đại bậc nhất đang trong hành trình yên ả từ Montreal đến Edmonton, Canađa.


 

Chiếc F-15 hạ cánh với chỉ một bên cánh.

Một loạt nguyên nhân dẫn đến tình huống bất ngờ này, bao gồm hệ thống báo nhiên liệu không hoạt động và một sự nhầm lẫn về đơn vị đo nhiên liệu theo hệ mét mà tổ lái nhầm tưởng là galông. Đó là tin không hay. Tin tốt lành là cơ trưởng Robert Pearson là một phi công lái tàu lượn. Anh nhanh chóng điều khiển chiếc Boeing 767 đạt được vận tốc lượn tốt nhất để bay được quãng đường xa nhất và hướng về phía thành phố Winnipeg, địa điểm được xem là gần nhất đối với họ. Một điều ngẫu nhiên hơn là lái phụ Maurice Quintal đã từng đóng quân ở một căn cứ có tên là Gimli trong thời gian phục vụ cho Không quân hoàng gia Canađa, và Gimli thậm chí còn ở gần hơn so với Winnipeg. Quintal đề xuất hạ cánh xuống Gimli. Tuy nhiên, anh không biết rằng một trong hai đường băng căn cứ đó đã được cải tạo thành đường đua xe ô tô.


Trong khi Pearson tập trung điều khiển máy bay, Quintal hạ càng máy bay để chuẩn bị đáp xuống đường băng của Gimli. Ngày hôm đó, tại đường băng này người ta đang tổ chức một cuộc đua ô tô và khắp mọi nơi trên đường băng là những chiếc xe thể thao, xe đua, những người đi cắm trại, các tay đua và khán giả. Trong khi đó, do không có điện, các bánh chính của máy bay bật tự do ra khỏi vị trí nhưng bánh trước không khóa càng được.


Pearson nhận thấy máy bay còn ở quá cao nên liệng thêm một vòng để hạ độ cao. Đó là một kỹ thuật mà anh đã quá thành thạo với những con tàu lượn nhưng quá oái oăm đây lại là một chiếc máy bay phản lực nặng tới 95 tấn. Chiếc Boeing 767 nhằm thẳng hướng đường băng hạ cánh, khiến cho các tay đua không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng họ cũng kịp chạy túa ra theo mọi hướng. Pearson phanh máy bay giống như một tài xế lái chiếc Corvette thực hiện một cú ngoặt hình chữ chi, càng trước gục xuống, và đầu của chiếc Boeing 767 cày xuống mặt đất khiến nó dừng hẳn.


Trong số 61 hành khách trên chiếc máy bay này, chỉ có vài người bị thương.


Khánh Chi (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ 2: Những đường băng tử thần

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN