Vì sao tàu ngầm trở thành chủ lực của hải quân thế giới

Phần nào bị xem thường sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm hiện đang trở thành một lực lượng chủ lực của hải quân nhiều nước trên thế giới.

Tàu ngầm Mỹ USS Florida.

Đó là nhận định của ông Bryan Clark, chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích đánh giá chiến lược và ngân sách quốc phòng (CSBA).

Quân đội Nga, Mỹ và nhiều nước châu Á đang nỗ lực đẩy nhanh phát triển, mua và triển khai các tàu ngầm, bởi vì theo ông Clark, các nước này nay nhận thấy rằng những tàu chiến mặt nước hay máy bay chiến đấu, dù tối tân đến đâu cũng khó mà tránh được các tên lửa diệt hạm và tên lửa phòng không. Cho nên, hải quân nhiều nước tăng cường lực lượng tàu ngầm để tiến hành một số chiến dịch tấn công.

Khi xảy ra chiến sự, tàu ngầm có thể tiêu diệt cả một hạm đội, còn tàu ngầm có trang bị tên lửa hành trình có thể tấn công những mục tiêu trên đất liền. Ngoài khả năng quân sự quan trọng, tàu ngầm còn có thể thu thập tin tình báo, tổng hợp dữ liệu về các hạm đội của đối phương, thậm chí có thể giám sát những gì đang diễn ra trên đất liền.

Xu hướng phát triển đội tàu ngầm thành lực lượng chủ lực nói trên càng rõ nét ở châu Á, bởi vì các nước trong khu vực phải đối phó với khả năng quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện có nhiều phương tiện phòng thủ trên biển và nhiều loại máy bay chiến đấu tối tân để ngăn chặn các tàu của đối phương tiến gần bờ biển của họ. Bắc Kinh cũng đã nỗ lực xây dựng một đội tàu ngầm tấn công và hiện có 5 chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel và 5 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trước tình hình đó, các nước châu Á buộc phải tăng cường lực lượng tàu ngầm. Australia gần đây đã ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm tấn công Barracuda (loại không chạy bằng năng lượng nguyên tử) của Pháp. Về phần Việt Nam cũng mua 6 tàu ngầm của Nga và nay đã tiếp nhận 5 chiếc.

Tàu ngầm Barracuda, Pháp đóng cho Australia.

Nhật Bản đang dự trù tăng số tàu ngầm từ 18 chiếc chạy bằng diesel lên 22 chiếc vào năm 2018. Indonesia và Malaysia cũng phát triển lực lượng tàu ngầm của họ. Ấn Độ đang thúc đẩy đàm phán thuê thêm tàu ngầm hạt nhân thứ hai từ Nga, đồng thời có kế hoạch sản xuất 6 tàu ngầm hiện đại. Giám đốc điều hành Quỹ hàng hải quốc gia Ấn Độ S.Khurana cho biết một phái đoàn quan chức cấp cao Ấn Độ sắp đến Nga để ký thỏa thuận thuê thêm một tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen cho hải quân Ấn Độ. Trước đó, Nga đã cho Ấn Độ thuê một tàu ngầm lớp Akula, được biết đến với tên INS Chakra. Cũng theo ông S.Khurana, kế hoạch sản xuất 6 chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ mới với chi phí khoảng 8,5 tỷ USD thuộc Dự án 75I có thể sẽ được thông qua vào cuối năm nay

Hiện nay, ngay cả Mỹ cũng phải xem xét lại thực lực của họ về tàu ngầm. Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris gần đây đã cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự ở vùng Biển Đông và cho rằng Mỹ cần có thêm tàu ngầm tấn công ở khu vực này. Về phần Tướng Philip Breedlove, nguyên Tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu, cũng ra lời cảnh báo tương tự về việc Nga những năm gần đây đã phát triển trở lại đội tàu ngầm.

Mới đây tại Diễn đàn Quân sự - Công nghệ Quốc tế mang tên "Quân đội 2016" diễn ra ở Kubinka (Nga), Bộ Quốc phòng Nga và nhà sản xuất tàu ngầm Admiralty có trụ sở tại St. Petersburg đã ký hợp đồng đóng 6 tàu ngầm diesel - điện thuộc dực án 636 (lớp Varshavyanka) cho Hạm đội Thái Bình Dương của nước này. Hợp đồng trên được ký giữa Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov và Giám đốc điều hành Admiralty Alexander Buzakov. Nguồn tin từ diễn đàn trên cho biết theo dự kiến, 6 tàu ngầm trên được đóng trong giai đoạn từ năm 2018-2021.

Trước tình hình đó, hải quân Mỹ dự trù không tiếp tục cắt giảm số tàu ngầm tấn công nguyên tử. Đội tàu ngầm này từ 100 chiếc vào thập niên 1980 nay đã giảm xuống còn 53 chiếc và cứ theo đà này thì đến năm 2029 chỉ còn 40 chiếc. Tuy số tàu ngầm hạt nhân giảm, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về công nghệ, bảo đảm thế thượng phong cho đội tàu ngầm của họ. Hải quân Mỹ đang dự trù trang bị cho tàu ngầm lớp Virginia một module đặc biệt mới vào năm 2019 để tàu ngầm này có thể phóng và thu hồi các tàu ngầm không người lái, một phương tiện quân sự được dự báo là sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tương lai.

TTXVN/Tin Tức
Hải quân Nga dùng vũ khí gì làm quáng mắt đối phương?
Hải quân Nga dùng vũ khí gì làm quáng mắt đối phương?

Khu trục hạm hạt nhân triển vọng thuộc đề án "Lider” của Hải quân Nga sẽ được trang bị loại vũ khí ánh sáng có thể gây lóa đối phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN