Đây rõ là hành vi mang tính gây hấn, nhưng không hẳn là mối đe dọa rõ rệt. Đó là kết luận của một cựu sĩ quan chỉ huy Hải quân Mỹ sau khi xem và phân tích các bức ảnh, băng video chụp và quay vụ “đụng độ” vừa qua ở Biển Đen.
Cụ thể, ngày 11/4, 2 chiếc Su-24 của Nga đã bám sát tàu khu trục Mỹ, với 20 lần bay phía trên tàu chiến Mỹ ở độ cao khoảng 33m, có thời điểm áp sát nguy hiểm khi khoảng cách chỉ là 9m – sự cố mà phía Mỹ gọi là “đòn tấn công giả định”
(Xem video tại đây). Thủy thủ trên tàu mô tả, máy bay Nga áp sát gần đến sức ép của nó đủ mức tạo ra những đợt sóng trên biển. Sau đó một ngày, một trực thăng săn ngầm KA-27 của Nga cũng lượn vòng 7 lần phía trên chiếc Donald Cook để chụp ảnh.
Su-24 của Nga áp sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ. Ảnh: US Navy |
Giới chức Nhà Trắng và Lầu Năm góc khẳng định, tại thời điểm xảy ra sự cố tàu Mỹ hoạt động trên vùng biển quốc tế; cách hành xử của Nga như vậy là không an toàn, thiếu chuẩn mực và là động thái khiêu khích lớn nhất liên quan đến đối đầu trên biển trong quãng thời gian gần đây.
Bình luận về động thái này cùng với việc tàu Donald Cook không có bất kì phản ứng nào dù được trang bị vũ khí, hỏa lực mạnh, thuyền trưởng Rick Hoffman nói: “Chúng ta (Mỹ) lúc đó không ở trạng thái chiến tranh với Nga. Hoạt động của máy bay Nga là một chuyện và phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công từ một đối phương có thể không nhận ra (tàu) chúng ta là chuyện khác – điều không đúng trong trường hợp này”. Theo ông, bằng mắt thường có thể thấy Su-24 của Nga không mang vũ khí và các thiết bị chặn thu trên tàu Donald Cook cũng không phát hiện ra tín hiệu điện tử nào cho thấy máy bay Nga có tên lửa “khóa” mục tiêu nhằm vào tàu Mỹ.
“Không cần phải bắn giết ai đó người chỉ bởi một lý do họ gây ầm ĩ. Chỉ trong Top Gun (bộ phim do Tom Cruise thủ vai chính) mới có chuyện chiến sự bất chợt nổ ra giữa 2 máy bay mà không gắn với những động thái trên mặt đất”, vị thuyền trưởng từng chỉ huy tàu khu trục Dewert và Hue City nói, kèm theo đó là lưu ý Baltic không phải là vùng biển có tranh chấp về trách nhiệm.
Trực thăng săn ngầm KA-27 lượn vòng trên tàu khu trục Mỹ. Ảnh: US Navy |
Theo ông Hoffman, mục đích chính của Nga khi để máy bay chiến đấu áp sát nguy hiểm tàu chiến Mỹ là nhằm phô diễn sức mạnh, khả năng răn đe trước các chiến dịch quân sự của Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Baltic - vốn được Moskva xem là sân sau. “Sẽ rất thú vị khi sáng hôm sau thức dậy và đọc được thông tin này trên báo. Nó cũng không khác nhiều so với trường hợp Triều Tiên. Giới lanh đạo thực hiện với mục đích kích thích tinh thần trong nước, làm cho người dân phấn chấn”.
Sau thời điểm nổ ra khủng hoảng Ukraine, không quân Nga gia tăng các hoạt động do thám, diễn tập nhằm vào các nước thành viên NATO, ở cấp độ ngang với thời điểm căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh. Máy bay chiến đấu của Nga cũng thường xuyên tiến hành các khoa mục huấn luyện, với mục tiêu tấn công giả định là các tàu chiến của NATO.
Biển Balitc là điểm trung tâm của chiến dịch này. Chỉ tính riêng trong năm 2015, máy bay của NATO đã phải xuất kích 160 lượt để chặn đầu chiến đấu cơ Nga trên bầu trời Baltic. Đây là khu vực có tầm quan trọng về quân sự. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Nga sẽ tìm cách phong tỏa vùng biển này, ngăn cản NATO can dự vào các nước dễ bị tổn thương nhất là Estonia, Latvia và Litva. Từ Baltic, hải quân và không quân Nga có đủ sức mạnh để bảo vệ Kaliningrad, vùng lãnh thổ lòng chảo của Nga nằm kẹt giữa Ba Lan và Litva.