Tên lửa siêu vượt âm của Mỹ phóng thất bại, không tách được khỏi máy bay B-52

Chương trình tên lửa siêu vượt âm mới của Không quân Mỹ đã hứng chịu đòn giáng thứ hai sau khi quả tên lửa không tách khỏi máy bay ném bom B-52H trong thử nghiệm ngày 5/4.

Chú thích ảnh
Máy bay ném bom B-52H mang theo tên lửa siêu vượt âm AGM-183A. Ảnh: Daily Mail

CNN dẫn thông báo của Không quân Mỹ cho biết: “Máy bay B-52H Stratofortress cất cánh ngày 5/4 qua Point Mugu Sea Range với ý định bắn phương tiện thử nghiệm tăng cường đầu tiên cho chương trình Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A. Nhưng tên lửa thử nghiệm đã không thể hoàn thành trình tự phóng và được giữ lại an toàn trên máy bay, quay trở lại căn cứ Edwards AFB”.

Vụ thử nghiệm thất bại được cho là một bước lùi đối với Mỹ, nước đang tham gia cuộc chạy đua với Trung Quốc và Nga nhằm phát triển vũ khí siêu thanh trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng. 

Quả tên lửa trong thử nghiệm trên được thiết kế di chuyển ở tốc độ siêu vượt âm để có thể vượt qua những khoảng cách lớn, nhanh chóng vượt mặt các hàng rào phòng không để tấn công những mục tiêu như bến cảng, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác trước khi chúng có thể bị bắn hạ.

"Chương trình ARRW đã vượt qua các ranh giới kể từ khi thành lập và chấp nhận rủi ro có tính toán để thúc đẩy khả năng quan trọng này. Mặc dù việc phóng thất bại có gây thất vọng, nhưng thử nghiệm gần đây đã cung cấp thông tin vô giá để học hỏi và tiếp tục chương trình. Đây là lý do tại sao chúng tôi thử nghiệm", Tướng Heathe Collins, Giám đốc điều hành chương trình vũ khí của Không quân Mỹ, nói.

Chú thích ảnh
Máy bay B-52H Stratofortress, cùng loại với chiếc phóng thử tên lửa siêu vượt âm ngày 5/4. Ảnh: CNN

Video máy bay B-52H mang theo tên lửa siêu vượt âm:

Tên lửa mới thử nghiệm được gọi là Vũ khí Phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A, dự kiến sẽ sẵn sàng để triển khai trong vài năm tới.

Cuộc thử nghiệm đặc biệt ngày 5/4 tại căn cứ ở California nhằm mục đích chứng minh khả năng đạt được tốc độ siêu vượt âm của ARRW.

Các quan chức quốc phòng cho biết Lầu Năm Góc đang nhắm tới việc phát triển một tên lửa siêu vượt âm có thể di chuyển với tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh trong một cuộc tấn công quân sự thực tế. Tốc độ này không thua nhiều so với tốc độ mà các tàu con thoi di chuyển khi quay lại bầu khí quyển của Trái đất. 

Cuộc chạy đua với Nga và Trung Quốc

Nga và Trung Quốc đều đang phát triển các chương trình vũ khí siêu vượt âm, trong đó Moskva tuyên bố đã thử nghiệm thành công một tên lửa loại này. Trung Quốc lần đầu thử tên lửa siêu vượt âm vào năm 2014 và Nga vào năm 2016. 

Xem video Nga thử thành công tên lửa đánh chặn siêu vượt âm năm 2019 (Nguồn: Russia Insight):

Trong khi đó, Mỹ đang tập trung vào vũ khí siêu vượt âm thông thường, phóng từ mặt đất, tàu biển và trên không. Các vũ khí siêu vượt âm thường chia thành hai loại: tên lửa “hít thở không khí” (hoạt động nhờ một phần nhiên liêu ô xy trong khí quyển) và tên lửa “tăng-lướt” (boost-glide missile).

Năm 2021, Lầu Năm Góc đã yêu cầu ngân sách nghiên cứu liên quan đến tên lửa siêu vượt âm FY2021 là 3,2 tỷ USD, tăng so với 2,6 tỷ USD một năm trước đó. Mục tiêu là có các tên lửa siêu thanh sẵn sàng triển khai trong vài năm tới, với khả năng phòng thủ siêu thanh vài năm sau đó.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (Mỹ -CRS), phương tiện bay siêu vượt âm của Nga, được gọi là Avangard, được trang bị đầu đạn hạt nhân và phóng từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa SS-19. Nga đã tiến hành thử nghiệm thành công đối với Avangard vào các năm 2016 và 2018.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Putin giám sát vụ phóng thử tên lửa siêu thanh Avangard tại Moskva vào ngày 26/12/2020. Ảnh: CNN

CRS cho biết, phương tiện lướt siêu vượt âm của Trung Quốc, có tên gọi DF-ZF, đã được thử nghiệm ít nhất 9 lần kể từ năm 2014.

"Trong số các hệ thống vũ khí mới mà Trung Quốc đang thử nghiệm có một phương tiện bay siêu vượt âm tầm xa liên lục địa - tương tự như Avangard của Nga - được thiết kế để bay ở tốc độ cao và độ cao thấp, làm phức tạp khả năng đưa ra cảnh báo chính xác của chúng tôi", Tướng Terrence O'Shaughnessy, khi đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Mỹ, cho biết vào tháng 2/2020.

Hồi tháng 3 vừa qua, Tướng Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Mỹ, đã cảnh báo rằng các tên lửa có thể "thách thức khả năng của chúng ta trong việc đưa ra cảnh báo hành động và đánh giá tấn công”.

Năm ngoái, cựu quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly cho biết vũ khí siêu vượt âm "đã thay đổi bản chất của không gian chiến trường, giống như công nghệ hạt nhân đã làm trong thế kỷ trước”.

Mặc dù vũ khí siêu vượt âm chưa bao giờ được sử dụng trong chiến đấu, nhưng ông Modly cũng cảnh báo rằng chúng có thể "gây mất ổn định môi trường an ninh toàn cầu và gây ra mối đe dọa hiện hữu" với Mỹ.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Iran xác nhận tàu hàng trúng thuỷ lôi Israel được sử dụng như căn cứ quân sự
Iran xác nhận tàu hàng trúng thuỷ lôi Israel được sử dụng như căn cứ quân sự

Bộ Ngoại giao Iran ngày 7/4 xác nhận rằng tàu chở hàng MV Saviz của nước này bị thuỷ lôi của Israel tấn công vốn được bí mật triển khai cho mục đích quân sự ở ngoài khơi bờ biển Yemen.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN