Tuyên bố của ông Johnson được đưa ra trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Olaf Scholz mới đây và chỉ vài giờ sau khi Đức từ chối gửi xe tăng Marder tới Ukraine, cho rằng Berlin cần chúng vì nhu cầu quốc phòng của mình.
Anh cho biết sẽ gửi thêm các thiết bị quân sự trị giá hơn 100 triệu bảng cho Ukraine, trong đó có tên lửa phòng không Starstreak, 800 tên lửa chống tăng và đạn dược. Gói trang bị mới của Anh cũng bao gồm mũ bảo hiểm, thiết bị quan sát ban đêm và áo giáp chống đạn.
Tuy nhiên, ông Johnson lưu ý phương Tây sẽ không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu về vũ khí mà Ukraine yêu cầu, bởi vì việc cung cấp một số thiết bị đó cho Kiev là “không phù hợp”.
Khi được hỏi liệu Anh có gửi xe tăng và xe bọc thép của mình tới Kiev hay không, Thủ tướng Johnson trả lời: “Điều quan trọng là chúng tôi nên cung cấp thiết bị thực sự hữu ích và có thể vận hành được bởi người Ukraine. Có thể hữu ích hơn nếu hỗ trợ Ukraine bằng cách cho phép những nước thuộc Khối Hiệp ước Warsaw cũ cung cấp một số trang thiết bị của họ”.
Đồng tình với quan điểm của ông Johnson, Thủ tướng Đức Scholz cho rằng các đồng minh “phải luôn xem xét những gì có thể được sử dụng một cách hiệu quả”.
Các quan chức phương Tây đang tìm kiếm xe tăng và vũ khí hạng nặng để gửi cho Ukraine khi họ phải đối mặt với một thực tế mới: Liệu phương Tây có thể cung cấp và viện trợ quân đội Ukraine trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm tới trong cuộc xung đột với Nga hay không.
Trước mắt, phương Tây đang tận dụng những trang thiết bị quân sự mà Ukraine có thể dễ dàng sử dụng. Ví dụ, Séc được cho là đã gửi những chiếc xe tăng do Liên Xô thiết kế vốn đã quen thuộc với lực lượng Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuần trước đã đề nghị các thành viên NATO cung cấp thêm vũ khí, đặc biệt là máy bay chiến đấu, tên lửa, xe bọc thép và hệ thống phòng không hạng nặng.
Một số trang thiết bị, như máy bay chiến đầu, đã bị Mỹ loại bỏ vì cho rằng sẽ leo thang tình hình. Nhưng các trang thiết bị khác như xe tăng và các hệ thống phòng không uy lực hơn, hiện đang được xem xét khi cuộc xung đột bước vào giai đoạn mới.
Cho đến nay, các nước phương Tây đã tập trung vào việc cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho Ukraine, cũng như các thiết bị khác như áo giáp và vật tư y tế. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi sau khi Nga điều chỉnh chiến thuật quân sự.
Ban đầu, các quan chức phương Tây đánh giá rằng Tổng thống Vladimir Putin dự kiến lực lượng Nga sẽ nhanh chóng bao vây Kiev và các thành phố quan trọng khác nhằm gây áp lực với chính quyền Ukraine.
Hiện nay, họ cho rằng Moskva đang chuyển các lực lượng chiến đấu của mình đến Donbass khu vực phía Đông Ukraine. Điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột trên bộ kéo dài, liên quan đến giao tranh bằng các vũ khí hạng nặng trong tương lai gần.
Đó là một cuộc xung đột mà các đồng minh phương Tây chưa có kế hoạch ứng phó và do đó không có kế hoạch trang bị trước cho các lực lượng của Ukraine trong một kịch bản như vậy.
Mặc dù một số quốc gia châu Âu như Anh và Đức có thể có nguồn dự trữ để tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine, nhưng không phải nước nào cũng có thể làm như vậy.
“Ở Estonia, hiện tại chúng tôi không có nguồn lực để cung cấp thêm bất cứ thứ gì”, Ngoại trưởng Estonia Eva-Maria Liimets thông báo.
Giống như các nước láng giềng Baltic, Estonia là nước sớm và mạnh mẽ ủng hộ việc gửi vũ khí cho Ukraine, quyên góp 220 triệu euro từ nguồn dự trữ vũ khí, đạn dược và thiết bị bảo hộ của chính nước này - “một số tiền tương đối lớn đối với một quốc gia quy mô nhỏ như Estonia”, bà Liimets nói.
Thách thức đối với các đồng minh phương Tây là họ không muốn Ukraine thất bại trước Nga vào thời điểm này, khiến họ phải vật lộn tìm kiếm các nguồn cung cấp mới cho Ukraine.
Nick Reynolds, một chuyên gia về chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu quốc phòng Anh nhận định: “Có một vấn đề lớn về nguồn cung cấp. Với tên lửa phòng không và chống tăng, sẽ mất thời gian để vận chuyển chúng nếu phương Tây có sẵn nguồn cung, nhưng nguồn cung cấp cũng đang cạn kiệt, đặc biệt là đối với các nước Tây Âu vốn sẽ cần phải giữ lại một phần để duy trì khả năng phòng thủ của họ".
Điều đó khiến các đồng minh phương Tây rơi vào tình thế mà ông Reynolds gọi là “khó xử” - thiếu hụt các dịch vụ cung cấp vũ khí hạng nhẹ và cần thời gian để tích hợp các thiết bị hạng nặng hơn cho quân đội Ukraine.