Hai tàu sân bay trực thăng Mistral tại xưởng đóng tàu STX Les Chantiers de l'Atlantique ở Saint-Nazaire, miền tây nước Pháp. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Người phát ngôn của Ủy ban ông Robert del Picchia phát biểu trong một cuộc tranh luận tại Thượng viện ngày 23/9: “Chúng tôi phải chịu một áp lực rất lớn từ phía những nước Đông Âu, không kể đến các quốc gia Baltic trong khối NATO. Thậm chí Ba Lan còn đe dọa sẽ phá vỡ các buổi thương thảo với Pháp về việc giao nhận 50 chiếc trực thăng Caracal trị giá 2,5 tỉ USD, nếu như chúng tôi giao tàu cho nước Nga”. Tiết lộ này được báo chí truyền thông lấy từ một bản báo cáo phát biểu được công bố vào ngày 29/9.
Sau khi hủy hợp đồng bán tàu Mistral cho Nga, Pháp nhanh chóng đã tìm thấy đối tác mới giúp tiêu thụ hai chiếc chiến hạm, đó là Ai Cập. Vào ngày 23/9, Điện Elysee công bố Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi “đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc liên quan tới việc Ai Cập mua hai tàu sân bay trực thăng Mistral” qua các cuộc điện đàm.
Theo Bộ quốc phòng Pháp, chính quyền Paris dự định sẽ bán hai chiếc tàu Mistral với giá 950 triệu euro (1,06 tỉ USD) – tương đương với mức bồi thường vì phá hợp đồng với Nga. Điều này đồng nghĩa với việc ngành buôn bán vũ khí quân sự của Pháp sẽ phải chịu lỗ nặng.