Theo báo Deutsche Welle (Đức) mới đây, Trung Quốc được cho là đã gây sức ép với Hàn Quốc và bị cáo buộc là "can thiệp vào các chính sách an ninh quốc gia" của nước này sau khi đưa ra một loạt yêu cầu liên quan đến việc triển khai hệ thống tên lửa Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Được triển khai trên sân golf cũ ở phía Nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc, THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay tới. THAAD được coi là một trong những hệ thống phòng thủ tốt nhất hiện nay. Trước khi đắc cử, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã cam kết triển khai thêm nhiều đơn vị THAAD. Trong gần 4 tháng kể từ khi nhậm chức, ông vẫn chưa thực hiện được cam kết trên, nhưng vấn đề lại nảy sinh khi Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin tới thành phố Thanh Đảo của Trung Quốc để có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. .
Tại cuộc họp hôm 9/8, các bộ trưởng hai nước cho biết họ đã nhất trí rằng THAAD không nên là một trở ngại cho những cải thiện trong quan hệ song phương. Theo ông Park, việc triển khai hệ thống phòng thủ không phải để đàm phán vì đây là "vấn đề an ninh và chủ quyền của chúng tôi trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên".
Ba yêu cầu của Trung Quốc
Vì vậy, Seoul đã rất bất ngờ khi sau đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Hàn Quốc đã đồng ý hạn chế hoạt động của hệ thống THAAD và tuân thủ "3 Không" mà cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết trước đó. Đó là: không triển khai thêm các đơn vị THAAD, không hình thành mạng lưới phòng thủ tên lửa với Mỹ và không chính thức tham gia liên minh quân sự ba bên với Mỹ và Nhật Bản.
Ngay lập tức, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh, cho biết: "Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố rõ ràng rằng THAAD là một công cụ tự vệ nhằm bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của người dân chúng tôi trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và là một vấn đề chủ quyền an ninh. Điều đó không bao giờ có thể được thương lượng".
Trong khi đó, giới truyền thông Hàn Quốc đã xôn xao trước điều được coi là rắc rối địa chính trị với Bắc Kinh. Tờ Chosun Ilbo theo khuynh hướng bảo thủ tuyên bố trong một bài xã luận rằng "Seoul không được nhượng bộ trước sức ép của Trung Quốc", đồng thời lưu ý các vấn đề do Bắc Kinh nêu ra "không phải việc của Trung Quốc và không phải cam kết mà Seoul có bất kỳ lý do gì để tuân thủ".
Tờ báo cũng chỉ ra rằng "Trung Quốc không hề e ngại khi phớt lờ sự khiêu khích của Triều Tiên mà còn can thiệp vào các lợi ích an ninh của Hàn Quốc".
Về phần mình, tờ Korea Herald cũng nhắc lại quan điểm trên, chỉ trích Bắc Kinh là "tiêu chuẩn kép vì trong khi can thiệp vào vấn đề an ninh của Hàn Quốc, nước này cũng cảnh báo các quốc gia khác tránh xa 'các vấn đề nội bộ' của họ, chẳng hạn như vấn đề Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan".
Leif-Eric Easley, Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans nhận định, vấn đề trên từ lâu đã trở thành nguồn gốc gây xích mích giữa Bắc Kinh và Seoul, với việc chính phủ Trung Quốc khẳng định từ năm 2016 rằng việc triển khai THAAD sẽ gây nguy hiểm cho "lợi ích an ninh quốc gia hợp pháp" của nước này. Mối lo ngại của Bắc Kinh là các hệ thống radar hiện đại của Mỹ triển khai cùng với THAAD có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc.
Vì vậy, theo nhà nghiên cứu trên, Bắc Kinh duy trì thông điệp cứng rắn của mình về THAAD như muốn gửi tín hiệu đến Seoul rằng: "Đừng đi quá xa" và mặc dù chính quyền của Tổng thống Yoon không có khả năng nhượng bộ trước "sức ép" từ Trung Quốc đối với THAAD, nhưng các quan chức Hàn Quốc có thể cảm thấy áp lực để tránh tham gia liên minh "Bộ tứ" (Quad) do Mỹ dẫn đầu, gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Lo ngại về an ninh?
Mỹ và Hàn Quốc chỉ ra rằng hệ thống này hoàn toàn là một vũ khí phòng thủ và cần thiết để bảo vệ Hàn Quốc trước khả năng tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên. Nhưng một số chuyên gia hoài nghi về tuyên bố của Seoul rằng hệ thống phòng thủ hoàn toàn là để ngăn chặn mối đe dọa từ đối thủ của họ, Bình Nhưỡng.
Một số chuyên gia thừa nhận rằng Trung Quốc có những lo ngại về an ninh chính đáng của riêng mình và chỉ đơn thuần tìm cách tiếp tục chính sách bắt đầu dưới thời người tiền nhiệm của Tổng thống Yoon.
"THAAD được coi là một mối đe dọa quân sự đối với Trung Quốc và những gì họ đang đòi hỏi dựa trên những cam kết của chính quyền Hàn Quốc trước đó. Hơn nữa, khác với chính phủ trước đây, Tổng thống Yoon rõ ràng đang ủng hộ Mỹ hơn. Trong tình huống này, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc gây sức ép với Hàn Quốc. Và vấn đề THAAD có thể là một cách để làm điều đó", Hyobin Lee, trợ giảng về chính trị Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Chungnam, cho biết.
Hyobin Lee kết luận: "Tôi không tin rằng THAAD là để bảo vệ Hàn Quốc khỏi Triều Tiên. Đúng hơn, điều này là vì lợi ích an ninh của Mỹ. Trung Quốc và Mỹ đang ở trong một tình thế cạnh tranh siêu cường và vấn đề THAAD chắc chắn sẽ rất nhạy cảm. Tôi cho rằng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ tiếp tục vì Chính phủ Hàn Quốc hiện nay thân Mỹ".