Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ
UBND thành phố Hà Nội đánh giá, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô là một hướng đi khả thi và hợp lý cho thành phố Hà Nội nhằm giảm tải áp lực đô thị hóa, đồng thời phát huy tiềm năng của các khu vực lân cận. Với mô hình này, Hà Nội có thể đạt được sự phát triển bền vững, cân đối giữa bảo tồn và hiện đại hóa, đồng thời trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của khu vực và quốc tế.
Thành phố cũng đưa ra nhiều thách thức như tới đây thực hiện quy hoạch phải đảm bảo đồng bộ về hạ tầng giao thông và dịch vụ công cộng giữa trung tâm và các khu vệ tinh; phải cân đối nguồn lực đầu tư, tránh tình trạng phát triển không đồng đều giữa các khu vực.
Do đó, Thành phố cần có cơ chế, chính sách đảm bảo tính khả thi khi triển khai, cần hình thành đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở ranh giới, phạm vi đô thị hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền đô thị theo hướng căn cứ vào quy mô của đô thị để trao quyền quản lý các vấn đề đặc trưng của của đô thị như: quản lý đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, kiểm soát phát triển đô thị... Và một vấn đề lớn, nan giải nữa mà thành phố luôn phải đối mặt là công tác bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.
Những việc làm cấp bách
Để đón đầu thực hiện các quy hoạch, UBND thành phố Hà Nội đề ra nhiều giải pháp biện pháp; trong đó, chú trọng lập kế hoạch chi tiết, phân bổ nguồn lực hợp lý cho từng giai đoạn phát triển; tăng cường hợp tác công tư (PPP) để huy động vốn đầu tư từ các nguồn lực xã hội; xây dựng chính sách ưu đãi thuế và đầu tư cho các doanh nghiệp muốn phát triển tại các khu đô thị vệ tinh.
Thành phố cũng đưa ra một lộ trình để các cấp vào cuộc thực hiện. Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tạo sự phát triển đột phá nhờ thu hút doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài bố trí cơ sở sản xuất, nghiên cứu, dành nguồn lực, tập trung phát triển các khu vực xây dựng đô thị. Theo đó, công nhận thành phố loại III - Sơn Tây trực thuộc Thủ đô.
Hà Nội đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía Bắc theo Quy hoạch chung (có diện tích 633 km2 gồm 385 km2 đất xây dựng đô thị và 248 km2 khu vực ngoại thị, định hướng chức năng dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) để tiến tới hình thành thành phố phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh trong giai đoạn đến năm 2045.
Cùng đó, đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại Hòa Lạc, Xuân Mai để tiến tới hình thành thành phố phía Tây (có diện tích 251 km2 gồm 135 km2 đất xây dựng đô thị và 116 km2 đất ngoại thị, là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo) trong giai đoạn đến năm 2045. Đồng thời, từng bước đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại khu vực phía Nam các huyện Phú Xuyên, Thường Tín để tiến tới hình thành thành phố phía Nam trong giai đoạn sau năm 2045.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, sau khi đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến đầu tháng 10/2024), thành phố tiếp tục chỉ đạo lập và điều chỉnh hệ thống các quy hoạch có liên quan như: Quy hoạch chung các thành phố thuộc Thủ đô; Quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, thị trấn, các quy hoạch xây dựng vùng huyện; các quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch, quy chế có liên quan.
Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai các quy hoạch phục vụ các dự án phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc, Đông Bắc với một số dự án lớn như công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, khu đô thị Thành phố thông minh, Khu Công viên phần mềm tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, đô thị Gia Lâm…; tập trung nghiên cứu thực hiện đầu tư theo quy hoạch phân khu đô thị dọc hai bên sông Hồng được duyệt; tập trung đẩy mạnh phát triển đô thị khu vực phía Tây, triển khai kế hoạch phát triển một số huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức thành quận trong thời gian tới; tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp…, xúc tiến kêu gọi đầu tư các đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên, Sóc Sơn…
Vừa qua, Hà Nội đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông hạ tầng khung, hệ thống đường sắt đô thị (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội), hệ thống đường giao thông công cộng kết nối toàn thành phố; phối hợp Bộ Giao thông Vận tải triển khai nhiều dự án trọng điểm.