Dọc tuyến sông Hồng từ Đan Phượng với Tây Hồ (Hà Nội) là một diện tích đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông khá lớn tới vài chục nghìn ha. Diện tích đất này phần lớn đang phục vụ sản xuất nông nghiệp song không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với sản xuất nông nghiệp, hai bên bờ sông Hồng địa phận Hà Nội cũng có hàng nghìn hộ dân sinh sống từ nhiều năm nhưng khá tạm bợ. Bởi, Hà Nội không có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng nên hiện nhiều nguồn lực từ đất bị lãng phí. Các khu đất bãi ven sông không ai dám đầu tư vì không có quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm.
Trước đây, việc quản lý đất đai hai bên bờ sông Hồng chưa được chính quyền cơ sở quan tâm. Nhiều khu dân cư hiện nay được hình thành trên cơ sở "xóm nước nổi", xóm nghèo. Họ ở nhiều tỉnh, thành di cư đến Hà Nội làm ăn và tạm trú ở bãi sông rồi lập thành xóm, phố. Lúc đó, việc quản lý đất đai, xây dựng còn lỏng lẻo, dẫn đến bãi bồi cũng thành nhà ở kiên cố. Theo thống kê, hiện tại Hà Nội có khoảng 9.000 hộ dân sinh sống hai bên bờ sông Hồng.
Tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), hiện có khoảng hàng trăm hộ dân đang sinh sống, xây dựng nhà cửa ở ven đê sông Hồng. Theo lý giải của lãnh đạo phường, có khu vực người dân đã sinh sống ổn định sản xuất nhiều năm nay. Song cũng có một số trường hợp người dân mới lấn chiếm phần đất sản xuất để xây dựng chui các công trình nhà ở. Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý và cưỡng chế phá dỡ nhiều công trình xây dựng sai phạm.
Cũng theo vị lãnh đạo phường Nhật Tân, đối với những khu vực dân cư đã sinh sống ổn định trong thời gian dài, nhiều công trình nhà ở đã bị xuống cấp, muốn sửa chữa cải tạo lại nhưng chính quyền địa phương lại rất khó xử lý vì chưa có văn bản hướng dẫn hay cho phép của thành phố.
"Việc sửa chữa, cải tạo công trình nhà ở của người dân ở ngoài đê sông Hồng có liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng, pháp luật về bảo vệ đê điều... Nên khi chưa có hướng dẫn của cơ quan cấp trên, chính quyền cơ sở không dám tự ý thực hiện".
Còn tại địa bàn phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) có khoảng 350 ha đất ngoài bãi sông Hồng. Qua tìm hiểu, nhu cầu của 11.000 dân thuộc 8 tổ dân phố đang sinh sống ở đây nhiều năm nay đều có nhu cầu xây dựng nhà cửa. Bởi hiện nay, tình trạng nhà của nhiều hộ dân ở đây đều đang xuống cấp, con cái xây dựng gia đình sống chật chội, bất tiện trong một mái nhà nhưng không thể xây dựng.
Ông Lê Văn Đình ở Lĩnh Nam chia sẻ, gia đình có 8 người với 3 thế hệ sống trong ngôi nhà đã xây cách đây 22 năm rất chật chội. Mặc dù gia đình còn đất trống và tiềm lực kinh tế song không thể xây dựng thêm nhà cửa để rộng rãi sinh hoạt.
"Có nhiều hộ giống hoàn cảnh gia đình tôi, nhà cửa đã quá cũ không thể sửa chữa. Mong muốn lớn nhất là các cấp chính quyền xem xét, cho phép chúng tôi được xây dựng lại nhà cửa để có chỗ ở an toàn hơn", ông Đình giãi bày.
Tình cảnh của ông Đình cũng như hàng nghìn hộ dân khác tại các quận, huyện: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng, đang sinh sống ven hai bên bờ sông Hồng nhưng không xây được nhà. Nhiều hộ dân dù đất đã được cấp "sổ đỏ" nhưng vẫn không được xây dựng nhà và công trình trên đất tổ tiên. Nguyên nhân là do hai bên bờ sông Hồng chưa được quy hoạch, phải giữ nguyên hiện trạng. Do vướng quy hoạch đê điều, phân lũ nên ở đây, hạ tầng điện đường trường trạm không thể đầu tư, người dân không được xây dựng sửa chữa nhà.
Trước nhu cầu bức thiết của hàng nghìn hộ dân sinh sống hai bên bờ sông Hồng, cũng như thành phố Hà Nội muốn phát huy tiềm năng tài nguyên đất đai nên đã nhiều lần thành phố đặt vấn đề quy hoạch sông Hồng lên bàn nghị sự. Đơn cử như giai đoạn 2005 - 2006, thành phố đã mời các đơn vị tư vấn thiết kế của Hàn Quốc. Tuy nhiên, dự án này đã bị lỡ nhịp không thực hiện được.
Còn mới đây, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hồng một lần nữa được đặt ra.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ do không có quy hoạch hai bên sông Hồng nên hiện nhiều nguồn lực bị lãng phí. Các khu đất bãi ven sông nhiều năm qua không ai dám đầu tư vì không có quy hoạch. Địa phương chỉ có thể cho đấu thầu tối đa 5 năm đối với đất bãi bồi ven sông. "Tôi đi Đan Phượng, Hoài Đức, đất ngoài bãi mênh mông mà không sử dụng được. Có đất bãi giữa ở Hoàn Kiếm, muốn mượn dùng tạm cũng không được. Tất cả đều chờ quy hoạch", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận, khi có quy hoạch phân lũ, thành phố sẽ tiến hành quy hoạch. Từ đó, khoảng 900.000 người dân dọc hai bên bờ sông sẽ được tạo sinh kế ổn định, bộ mặt đô thị khang trang sạch đẹp. Song, trước khi làm quy hoạch sông Hồng phải làm quy hoạch thoát lũ. Trên tinh thần ấy, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho Hà Nội triển khai.
Trao đổi về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đề nghị của Hà Nội là hoàn toàn chính đáng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ cử lực lượng khoa học giỏi phối hợp với Hà Nội rà soát lại quy hoạch phân lũ, làm cơ sở cho thành phố xây dựng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.
Trong đó, những vấn đề bức xúc sẽ được ưu tiên đánh giá trước để xử lý riêng, trên tinh thần làm nhanh và hiệu quả, vẫn đảm bảo được các quy định về thoát lũ.
Liên quan đến quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, trả lời ý kiến cử tri quận Hoàn Kiếm mới đây, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, đã có 3 doanh nghiệp xin tài trợ toàn bộ kinh phí để lập quy hoạch. Cùng với đó, rất nhiều chuyên gia nước ngoài đã được mời vào nghiên cứu và ban đầu đã đưa ra được ý tưởng lập quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Hà Nội cũng gặp khó khăn về nguồn lực để xây dựng hạ tầng cũng như việc di dời nhiều hộ dân ra khỏi vùng thoát lũ.
Thành phố có định hướng tạo đê kết hợp đường sát mặt nước để đảm bảo chống lũ cấp 3 và có độ bền 500 đến 700 năm. Nếu làm được theo hướng này thì người dân sẽ được phép xây dựng như phía bên trong đê, giải quyết được những bức thiết của người dân Thủ đô nhiều năm nay.
Như vậy, một lần nữa vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội lại được đặt ra. Với quyết tâm chính trị cũng như phương án triển khai đảm bảo khoa học, hy vọng Hà Nội sẽ sớm thực hiện được ý tưởng trên với việc phát huy được thế mạnh tài nguyên và cảnh quan hai bên sông Hồng.