Hà Nội: Tuyên truyền, vận động lao động tự do, làm nông nghiệp tham gia BHXH tự nguyện

Nhờ có chính sách hỗ trợ đặc thù, trong năm 2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH) tại Hà Nội tăng ấn tượng. Số người tham gia BHXH tự nguyện tại Hà Nội là 106.339 người, tăng 31.324 người, tăng 41,76% so với năm 2022, chiếm 2,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,3% chỉ tiêu được Hội đồng nhân dân thành phố giao.

BHXH thành phố Hà Nội cũng đã ký hợp đồng với 3 tổ chức dịch vụ thu là Bưu điện, PVI và Viettel với 1.347 điểm thu và 2.545 nhân viên thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Chú thích ảnh
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện tại quận Long Biên, Hà Nội.

Tại Hà Nội, đối tượng tập trung khai thác của chính sách BHXH là lao động làm nông nghiệp hoặc làm những công việc tự do. Theo hướng này, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố có cơ chế sử dụng tài chính từ ngân sách và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cao hơn so với quy định chung. Hà Nội cũng khuyến khích các quận, huyện, thị xã bố trí kinh phí hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, tặng sổ BHXH cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Đại diện Bưu điện Hà Nội cho biết: "Chính sách hỗ trợ đóng theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 đã góp phần giảm gánh nặng tài chính khi đóng tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, ừ ngày 1/7/2022 đến hết ngày 31/12/2025, người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Hà Nội tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ thêm mức đóng như sau: Hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; Hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; Hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác".

Tính chung mức hỗ trợ theo quy định của trung ương và thành phố, thành viên tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ 60% mức đóng; thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 50%; các đối tượng khác được hỗ trợ 20%.

Một số quận, huyện còn bố trí thêm kinh phí từ ngân sách địa phương hoặc huy động xã hội hóa để hỗ trợ 100% mức đóng BHXH tự nguyện cho thành viên thuộc hộ nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.

Tuy nhiên, từ thực tế vận động người dân tham gia, bà Vũ Thị Hải Yến (Bưu điện Hà Nội) cho biết: "Cùng đóng tiền với thời gian như nhau nhưng tỷ lệ hưởng của nam ít hơn của nữ 10%, trong khi độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ theo Luật Lao động đang được điều chỉnh rút ngắn chỉ chênh nhau 2 tuổi. Do đó, rất khó khăn trong việc vận động nam giới tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, tỷ lệ đóng hưởng năm và nữ nên tiến tới bằng nhau và cơ quan chức năng tính toán về cách tính để đưa vào Luật BHXH sửa sắp tới".

XM/Báo Tin tức
Đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt
Đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt

Theo đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thực hiện Đề án 06, đến nay, có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) qua tài khoản các nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN