Hà Nội: Hướng tới phát triển các Khu thương mại, văn hóa

Với mục tiêu hướng tới việc nghiên cứu cơ sở lý luận hình thành Khu thương mại, văn hóa (BID), thực tiễn các hoạt động đang triển khai tại quận Hoàn Kiếm để từ đó xác định điều kiện hình thành, thiết lập cơ chế hoạt động, mô hình quản lý và khuyến nghị các giải pháp nhằm phát triển BID trong thời gian tới, ngày 22/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển tổ chức hội thảo “Cơ chế phát triển thương mại, văn hóa (BID)” với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa…

Chú thích ảnh
Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh minh họa: Tuấn Đức/TTXVN

Theo các nhà nghiên cứu, ở Hà Nội những tuyến phố “Hàng” chuyên kinh doanh một số sản phẩm hàng hóa hoặc phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ, Tạ Hiện… không chỉ thúc đẩy hoạt động thương mại mà đã là một giá trị văn hóa từ cảnh quan cho đến tinh thần hợp tác kinh doanh của người dân. Sinh hoạt của người dân tại khu vực tuyến phố chuyên doanh hay các làng cổ trên địa bàn thành phố cũng chính là di sản văn hóa, nét đẹp về văn hóa cần được duy trì và bảo vệ. Hà Nội cũng có nhu cầu phát triển các hoạt động công nghiệp văn hoá, giải trí cho thanh niên, du khách nước ngoài và kinh tế đêm. Việc phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí và kinh tế đêm cần có một khu vực riêng để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Theo Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam Nguyễn Hưng Quang, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng áp dụng mô hình khu BID để thúc đẩy hoạt động thương mại, đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường… như chuyển đổi mô hình vận hành các khu phố đi bộ hiện có và thiết lập những khu BID mới dựa trên những đặc điểm di sản văn hóa và cộng đồng cần bảo vệ hoặc thúc đẩy phát triển như một số tuyến phố “Hàng”: Hàng Mã - Hàng Đường - Hàng Đồng - Lò Rèn - Hàng Giấy - chợ Đồng Xuân; khu ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ - Phùng Hưng, Làng cổ Đường Lâm, Làng lụa Vạn Phúc.

Khi hình thành các khu BID, Hà Nội sẽ phát huy được các lợi thế so sánh, tiềm năng thế mạnh về văn hóa. Việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô là thực sự cần thiết.

Theo đánh giá của các cơ quan liên quan, việc phát triển các mô hình BID ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Thủ đô Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các quy định về mô hình chưa được luật hóa đầy đủ, quá trình phát triển vẫn mang tính tự phát. Quy trình từ hoạt động quy hoạch, tổ chức triển khai, giám sát, điều tra, đánh giá chưa được xây dựng chặt chẽ, chưa tạo được các mô hình, quy trình chuẩn để áp dụng rộng rãi. Ngoài ra, hưa có các cơ chế, chính sách đột phá, hấp dẫn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào các khu vực được quy hoạch.

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù, thí điểm có nghiên cứu, triển khai trong các khu BID cụ thể như: mở rộng thời gian hoạt động, kinh doanh dịch vụ của các cơ sở hoạt động kinh doanh, du lịch trên địa bàn (dự kiến mở 24/24 giờ đối với các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn, được cấp phép). Bên cạnh đó, trong chính sách về quản lý kiến trúc trong khu vực thí điểm, bên cạnh các quy định về khoảng lùi, chiều cao… đã được quy định cụ thể, cần có các tiêu chí, tiêu chuẩn về kiến trúc mặt ngoài, màu sắc… tạo sự độc đáo, thu hút khách du lịch. Chính sách về miễn, giảm thuế, phí đối với các cơ sở kinh doanh trong khu vực thí điểm cần được quan tâm.

Kiến trúc sư Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho rằng, trước tiềm năng vốn có, trên cơ sở các giá trị vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận, thời gian qua quận Hoàn Kiếm thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy các ngành dịch vụ, thương mại gắn với việc bảo tồn, phát triển văn hoá. Tuy nhiên các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa kết hợp phát triển kinh tế đêm cần được nghiên cúu, khảo sát kỹ lưỡng và thận trọng. Việc nghiên cứu mô hình này sẽ đặt ra những thách thức cho các cấp chính quyền có liên quan đến các vấn đề về quy hoạch, xây dựng mô hình kinh tế và quản lý, đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông, sự đồng thuận của người dân…

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới phát triển rất nhiều khu thúc đẩy thương mại, văn hóa, mang lại hiệu quả cao, tạo nên thương hiệu cho quốc gia đó, vì vậy việc hình thành các Khu thương mại, văn hóa (BID) tại Hà Nội là cần thiết khi Thủ đô đang có nhiều tiềm năng.
 
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, mô hình này đem lại những hiệu quả trong việc thu hút các nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, phát triển du lịch, dịch vụ trong khu vực. Hội thảo không chỉ bàn thảo đến cơ sở hình thành, cơ chế phát triển các khu BID mà còn là cơ sở để cung cấp thêm thông tin, phục vụ cho việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Đinh Thuận (TTXVN)
Hà Nội lần đầu tổ chức lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP
Hà Nội lần đầu tổ chức lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP

Nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề trong chuỗi du lịch văn hóa tâm linh và làng nghề, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trong giai đoạn mới, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức “Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền Xuân Giáp Thìn 2024” tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) từ ngày 26/1/2024 - 1/2/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN