Xây dựng nông thôn mới Hà Nội nâng cao chất lượng đời sống người dân

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại Hà Nội đã tạo bước chuyển thực chất, nâng cao đời sống người dân.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chí, nguyên Phó Chánh thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội về những kết quả nông thôn mới ở Hà Nội.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội đã tạo bước chuyển  như thế nào trong phát triển kinh tế hàng hóa và nâng cao đời sống cho người dân vùng ngoại thành Hà Nội, thưa ông?

Trước hết, diện mạo khu vực nông thôn đã phát triển các thiết chế hạ tầng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống nông dân ngày càng được cải thiện.

Cụ thể, về chương trình nông nghiệp, thành phố tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất giống, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất của Hà Nội, vừa phục vụ các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, những mô hình điển hình được xây dựng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nội địa của Thủ đô cũng như xuất khẩu.

Thành phố tập trung chỉ đạo liên kết chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ và sản phẩm giá trị cao, nhất là với đặc thù của Hà Nội là một đô thị đặc biệt, có thị trường tiêu thụ rất lớn.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Chí, nguyên Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội.

Chính vì vậy, các sản phẩm an toàn của người dân khu vực ngoại thành đã kịp thời đến với người tiêu dùng Thủ đô, thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng thiết yếu dân sinh. Hà Nội cũng là “đất trăm nghề” với 1.350 làng nghề, đến nay đã công nhận được 337 làng nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm của làng nghề đã xuất khẩu đến 42 thị trường quốc tế. Đây là cơ hội tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.

Riêng về sản phẩm OCOP, Hà Nội là địa phương có số lượng lớn nhất cả nước. Lũy kế từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao. Chúng tôi tập trung công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Về đời sống nông dân, có thể nói rằng khi thực hiện chương trình nông thôn mới, đời sống của người dân khu vực nông thôn từng bước được nâng cao. Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân của khu vực nông thôn Hà Nội đã đạt hơn 74,3 triệu đồng/người. Đây là cơ hội để thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn thành phố.

Ông có thể chia sẻ cách làm để chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và xây dựng nông thôn hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, là miền quê đáng sống?

Trong quan điểm chỉ đạo của thành phố Hà Nội, trước tiên chúng tôi tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân.

Chú thích ảnh
Hạ tầng nông thôn mới tại Hà Nội được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: TTXVN

Chúng tôi xác định vai trò rất quan trọng của người đứng đầu cơ sở, là những người “thổi lửa”; hệ thống chính trị là “người truyền lửa”; còn nông dân là “người giữ lửa” cho chương trình nông thôn mới. Ban Chỉ đạo thành phố cũng yêu cầu quận, huyện trước đây hàng tháng phải có kế hoạch cụ thể đi kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chương trình ở cơ sở.

Từ đó, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn trong quá trình triển khai tại địa phương, tổng hợp báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo nông thôn mới của thành phố để tổ chức họp định kỳ mỗi quý một lần. Những khó khăn, vướng mắc cơ bản đã được tháo gỡ.

Từ năm 2010 đến hết năm 2024, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đạt hơn 183.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là hơn 162.800 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa. Thành phố đã hoàn thành 8/8 tiêu chí theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công nhận tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt, Hà Nội là địa phương không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình triển khai. Thành phố luôn chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm, cân đối nguồn lực để bảo đảm tiến độ và chất lượng các tiêu chí.

Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Hạ tầng thiết chế về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được nâng cao; nhất là thiết chế văn hóa ở khu vực nông thôn đã được phát huy; tình làng nghĩa xóm được hun đúc, bồi đắp.

Chúng tôi tập trung vào kết nối vùng nguyên liệu cho các làng nghề. Vì với các làng nghề Hà Nội, vùng nguyên liệu lại nằm ở nhiều tỉnh trong cả nước. Tổ chức các hội thi về mẫu mã sản phẩm làng nghề để chọn ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển. Tổ chức hội chợ, sự kiện trong nước và quốc tế, qua đó đưa sản phẩm OCOP, nông sản và sản phẩm làng nghề Hà Nội đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ đây, các doanh nghiệp sẽ trở thành “đầu kéo” thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Sắp tới chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo sẽ được tích hợp lại. Với nhiều năm kinh nghiệm xây dựng mô hình nông thôn mới tại Hà Nội, ông đánh giá thế nào về tác động của việc hợp nhất hai chương trình này?

Tôi cho rằng việc hợp nhất hai chương trình là rất đúng và thuận lợi.

Thứ nhất, tăng cường tính đồng bộ. Việc hợp nhất giúp các địa phương thuận lợi hơn trong triển khai các hoạt động phát triển nông thôn và giảm nghèo một cách toàn diện, liên kết giữa các mô hình và chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chú thích ảnh
Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý Đan Phượng theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: TTXVN

Thứ hai, tối ưu hóa nguồn lực. Thay vì phải bố trí nguồn lực cho hai chương trình riêng biệt, nay tập trung vào một nguồn lực chung, giảm thiểu sự chồng chéo và lãng phí.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý. Việc kiểm tra, giám sát sẽ gọn nhẹ và hiệu quả hơn.

Tôi tin rằng chương trình tích hợp giữa nông thôn mới và giảm nghèo sẽ sớm đi vào thực hiện hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới.

Xin trân trọng cám ơn ông!

XM/Báo Tin tức và Dân tộc (thực hiện)
Lan tỏa phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới
Lan tỏa phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai trên cả nước từ năm 2011, thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN