Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.464 tỷ đồng, gồm 2 hạng mục lớn: xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; cứng hóa kênh La Khê dẫn nước về bể hút và đường giao thông hai bên bờ kênh. Đây là công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội khi làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, phòng, chống úng ngập cho khoảng 6.300 ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh thuộc các quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, kênh dẫn La Khê đi qua địa bàn 2 xã của huyện Hoài Đức và 6 phường của quận Hà Đông. Đến thời điểm này, huyện Hoài Đức đã bàn giao 100% mặt bằng để thi công. Quận Hà Đông mới bàn giao được 162.797,9 m2 trên tổng số 307.358,7 m2, còn thiếu 144.560,8 m2 liên quan đến 593 tổ chức, gia đình.
Để đẩy nhanh tiến độ công trình tiêu úng trọng điểm khu vực phía Tây thành phố Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị, quận Hà Đông đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao nhà thầu tổ chức thi công... vì kênh La Khê là tuyến chính dẫn vào Trạm bơm Yên Nghĩa.
Các nhà thầu cho biết, nhiều tháng nay không thể tổ chức thi công do thiếu mặt bằng. "Do yêu cầu về kỹ thuật nên đơn vị không thể thi công khi chưa nhận đủ mặt bằng...", Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng Nhân Bình thông tin.
Tiến độ thực hiện dự án công trình tiêu úng trọng điểm khu vục phía Tây thành phố Hà Nội rất chậm trong thời gian qua, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Trên thực tế, hạng mục xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã hoàn thành từ năm 2018 nhưng chưa thể vận hành tối đa công suất do hạng mục còn lại dở dang… Bác Phạm Văn Dũng, người dân phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) cho biết, khi thành phố đầu tư vào Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội người dân ở đây từng rất mừng. Nhưng suốt bao năm qua dự án vẫn chưa đi vào vận hành khiến người dân ở đây rất buồn và mong cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, giảm nỗi lo úng ngập, ô nhiễm môi trường...
Trước sự việc này, lãnh đạo các phường Quang Trung, La Khê, Yết Kiêu... cũng thừa nhận tiến độ bàn giao mặt bằng còn chậm so với yêu cầu. Theo lãnh đạo các phường này, nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách về đất đai thay đổi liên tục. Nhiều hộ không phải là người địa phương nên mất rất nhiều thời gian xác định địa chỉ; nhiều trường hợp đất bị thu hồi không có nguồn gốc rõ ràng, khó xác định ranh giới. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân có đất bị thu hồi đất chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng…
Để khắc phục những khó khăn trên sớm bàn giao mặt bằng cho bên thi công, bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, quận đã chỉ đạo các phường, cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chế độ, chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng; trong đó, chú trọng hình thức đối thoại trực tiếp để kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của người dân, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật... Ngoài giải pháp trên, quận Hà Đông sẽ cưỡng chế đối với những đối tượng cố tình chây ỳ, không chấp hành các quy định của pháp luật...
"Không chỉ là công trình trọng điểm phòng, chống úng ngập, giảm rủi ro thiên tai, dự án còn mang lại nhiều lợi ích về môi trường, cảnh quan cho chính người dân. Vì vậy, quận rất cần sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là những gia đình có đất thu hồi phục vụ dự án...", Chủ tịch UBND quận Hà Đông nhấn mạnh.