Hà Nội bứt phá hạ tầng, xứng đáng điểm đến hấp dẫn du khách

Bộ mặt đô thị của Hà Nội sau 67 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2021) đã thay đổi rất nhiều. Hàng loạt những công trình quy mô đã và đang hoàn thành, đưa vào khai thác, trở thành những biểu tượng bứt phá về hạ tầng, kinh tế, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Những công trình giao thông nghìn tỷ

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể khẳng định, kết cấu hạ tầng là nền tảng quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, nhất là đối với Thủ đô Hà Nội. Có kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, kết nối và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… nền kinh tế có điều kiện tăng trưởng nhanh, bền vững. GTVT với phương châm “đi trước một bước” luôn là yêu cầu cấp thiết của các đô thị, vừa tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh.

Chú thích ảnh
Cầu Nhật Tân, biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Nhật. Ảnh: Huy Hùng.

Còn theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, thành phố đã huy động tổng hợp các nguồn lực, hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng, góp phần kết nối khép kín hệ thống giao thông thông suốt... Đặc biệt, hệ thống hạ tầng khung với các công trình giao thông trọng điểm như: Đại lộ Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, Quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội-Lào Cai, cao tốc Nhật Tân-Nội Bài... hoàn thiện, đã tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Cầu Nhật Tân, cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện tại, được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng, nằm trong tổng số 7 cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội. Cầu Nhật Tân kết nối với tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuyến đường đẹp nhất Thủ đô đến sân bay Nội Bài, có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến là 12,1 km. Hai công trình đưa vào khai thác tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội của TP Hà Nội, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại hai huyện Đông Anh, Sóc Sơn.

Chú thích ảnh
Vòng xoay đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Huy Hùng.

Cách đây hơn 5 năm, khi cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và Nhà ga T2 Nội Bài chưa đưa vào khai thác, ấn tượng của người dân và du khách quốc tế đi và đến Hà Nội, tham gia giao thông từ sân bay Nội Bài vào trung tâm không mấy tích cực. Nhà ga sân bay Nội Bài nằm trong top 10 sân bay tệ nhất châu Á vì chật hẹp, tuyến đường độc đạo Phạm Văn Đồng dẫn vào nội đô luôn ùn tắc nghiêm trọng, thường xuyên ô nhiễm bụi và tiếng ồn.

Nhưng từ tháng 1/2015, cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và Nhà ga T2 Nội Bài khánh thành đưa vào khai thác, đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo Thủ đô. Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài lần thứ 5 liên tiếp được nằm trong “Top 100 Sân bay tốt nhất thế giới”; Đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân trở thành cửa ngõ đẹp nhất Thủ đô. Đáng chú ý, cầu Nhật Tân còn được coi là biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Nhật.

Hàng loạt các công trình nghìn tỷ khác cho thấy sự bứt phá về hạ tầng Thủ đô trong nhiều năm qua như: Cầu Đông Trù, hạng mục quan trọng nhất của dự án xây dựng đường 5 kéo dài, được TP Hà Nội xếp trong danh mục 37 công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2020, có tổng mức đầu tư trên 6.600 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, dự án đường ô tô cao tốc loại A dài 105,5 km từ Thủ đô Hà Nội đi qua các tỉnh, thành phố Hưng Yên, Hải Dương, tới TP cảng Hải Phòng, kết nối đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, hình thành tam giác kinh tế phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; vòng xoay đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy thuộc công trình cầu Vĩnh Tuy, cầu lớn đầu tiên do Hà Nội tự thực hiện và quản lý thi công, với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ vốn ngân sách Nhà nước, dài 5,8 km gồm cầu vượt sông, đường dẫn hai đầu cầu và các nút giao khác mức, nối thông cầu với Quốc lộ 5 và các tuyến đường khu vực đầu cầu phía Bắc...

Những hình ảnh biết nói này đều xuất phát từ những cách làm đổi mới trong lãnh đạo, quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp về xây dựng, phát triển hạ tầng, dự án kinh tế-xã hội quy mô lớn, hiện đại, trong đó việc hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, lấy giao thông đi trước mở đường là một trong những giải pháp trọng tâm để quy hoạch, phát triển Thủ đô ngày càng khang trang hơn. Nhờ vậy, ngày 30/10/2019, UNESCO đã tiếp tục công nhận Hà Nội gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo”. Đây là cơ hội thuận lợi cho Thủ đô định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Kỳ vọng chuỗi đô thị ven sông Hồng

Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã hoàn thiện đồ án quy hoạch sông Hồng, đang xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng phê duyệt cuối năm 2021. Thay đổi lớn trong quy hoạch lần này là khắc phục tình trạng Hà Nội đang quay lưng vào sông Hồng, tất cả rác thải đều đẩy ra phía bờ sông, thay vào đó, Thành phố hướng dân cư đô thị về phía dòng sông, với 70% diện tích để trồng cây xanh, 30% còn lại để phát triển đô thị; đồng thời, hướng đến phát triển các công trình công cộng hiện đại, tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông.

Chú thích ảnh
Nút giao thông 4 tầng (Hầm chui Thanh Xuân-Đường vành đai 3 trên cao-Đường sắt Cát Linh Hà Đông-nút giao thông Thanh Xuân Khuất Duy Tiến. Ảnh: Huy Hùng.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là đồ án cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đồ án bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha, với quy mô dân số từ 280.000 - 320.000 người, kéo dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa bàn của 55 phường, xã, thuộc 13 quận, huyện. Bên cạnh việc bố trí dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồ án còn nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng ven song, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô. Chắc chắn sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút mạnh các nhà đầu tư trong, ngoài nước, tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, bền vững, để Hà Nội sẽ sớm có tên trong danh sách những thành phố ven sông đáng sống nhất khu vực và cả trên thế giới.

Chú thích ảnh
Nút giao Pháp Vân-Cầu Giẽ là nút giao cửa ngõ lớn nhất Hà Nội, kết nối với đường vành đai 3 và đường Giải Phóng-Ngọc Hồi (QL1 cũ). Ảnh: Huy Hùng.

Đáng chú ý, theo Quy hoạch giao thông đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ độ Hà Nội sẽ được xây dựng thêm 10 cầu bắc qua sông Hồng, đảm bảo sẽ có 18 cầu bắc qua sông Hồng. Cho đến thời điểm hiện tại, Thủ đô Hà Nội đang có 8 cầu qua sông Hồng đã được đưa vào khai thác vận hành gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Văn Lang. Việc quy hoạch xây dựng 10 cầu mới qua sông Hồng là giải pháp căn cơ và dài hạn giúp tăng kết nối giao thông liên vùng Thủ đô và giải bài toán ùn tắc giao thông tại các khu vực cầu qua sông Hồng hiện hữu.

Cụ thể, Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu bắc qua sông Hồng gồm: Vân Phúc, Hồng Hà, Thượng Cát, Thăng Long mới, Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Mễ Sở, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Ngọc Hồi. Đến nay, trong số 10 cây cầu mới, Hà Nội đã khởi công cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) vào tháng 1/2021, với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Cầu Trần Hưng Đạo cũng đã được UBND TP Hà Nội có quyết định chấp thuận giao Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng.

Các chuyên gia bất động sản nhìn nhận, quy hoạch đô thị sông Hồng nói chung và 10 cây cầu vượt sông đang tác động mạnh đến thị trường bất động sản và giá đất khu vực ven sông Hồng. Trong đó, phân khúc bất động sản nhà ở, biệt thự xanh sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Những dự án đã thành hình nhiều năm trước đây như đô thị sinh thái Ecopark, Vinhome Ocean Park trở thành điểm đầu tư của giới đầu tư và người dân thủ đô.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Hà Nội xác định tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước so với yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và ưu tiên đầu tư hoàn thành các trục hướng tâm, đường vành đai, đường sắt đô thị, mạng lưới giao thông tĩnh, nhằm giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông.
Vân Sơn/Báo Tin tức
Kinh tế Thủ đô Hà Nội vẫn tăng trưởng 'sau cánh cửa hẹp'
Kinh tế Thủ đô Hà Nội vẫn tăng trưởng 'sau cánh cửa hẹp'

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hà Nội tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020; riêng quý III thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội nên giảm 7,02%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN