Kinh tế Thủ đô Hà Nội vẫn tăng trưởng 'sau cánh cửa hẹp'

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hà Nội tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020; riêng quý III thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội nên giảm 7,02%.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội - một đơn vị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Thành phố Hà Nội vừa đi qua những ngày tháng khó khăn nhất của năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2021-2025. Nhìn lại bức tranh tổng thể có thể thấy, cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, đoàn thể, mặt trận đều căng sức, gồng mình. Các doanh nghiệp thì lao đao, đình trệ, gượng sức để hoạt động trong môi trường “3 tại chỗ” như là một cánh cửa hẹp, buộc phải luồn mình để cứu lấy sinh mệnh công ty và việc làm cho người lao động. Còn người dân thì nhiều tháng trời ở yên tại chỗ để đảm bảo giãn cách xã hội.

Trước bối cảnh trên, nhiều lĩnh vực đã ảnh hưởng nghiêm trọng như: giải ngân đầu tư công; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; du lịch; vận tải hành khách và xe buýt; vật liệu xây dựng; dịch vụ…

Ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh từng thời điểm; xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản cụ thể, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Nhờ đó, dịch bệnh đã được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang từng bước duy trì trở lại.
 
Bên cạnh sự nỗ lực để kiểm soát bước đầu được dịch bệnh, thành phố vẫn song hành sản xuất, phát triển kinh tế để không những không bị sụt giảm mà những tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng trưởng, khẳng định là một trong những địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hà Nội tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020; riêng quý III thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội nên giảm 7,02%.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm nay đạt mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do quý III giảm mạnh vì ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm, thành phố đạt được kết quả trên là rất quan trọng khi các cấp chính quyền dồn nhiều tâm sức cho phòng chống, dập dịch và duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. 

Ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 0,06 điểm % vào mức tăng GRDP. Đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong 3 quý do ít chịu ảnh hưởng của đại dịch. Dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, việc tái đàn được quan tâm, quy mô đàn lợn tăng 11,4% so với cùng kỳ; chăn nuôi gia cầm và hoạt động thủy sản phát triển, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng tăng 7%; sản lượng thủy sản tăng 2,9%. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa giống cây trồng năng suất, chất lượng đã góp phần tăng năng suất cây ăn quả 9 tháng đầu năm nay như: sản lượng chuối tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; ổi tăng 5,5%; đu đủ tăng 6%...

Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng của thành phố ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 0,4 điểm % vào mức tăng GRDP; trong đó, ngành công nghiệp tăng 4,32%, đóng góp 0,59 điểm %; ngành xây dựng giảm 2,37% làm giảm 0,19 điểm % mức tăng chung GRDP.

Khu vực dịch vụ 9 tháng ước tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,55 điểm % vào mức tăng GRDP, thấp hơn mức tăng 2,73% của cùng kỳ năm 2020 do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng âm trong 9 tháng năm nay như: dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 26,91% so với cùng kỳ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 24,82%; kinh doanh bất động sản giảm 8,96%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 7,02%; bán buôn, bán lẻ giảm 1,56%; vận tải, kho bãi giảm 1,57%; dịch vụ khác giảm 19,58%.
 
Một số ngành vẫn duy trì tăng trưởng như: tài chính, ngân hàng tăng 8,68% so với cùng kỳ năm trước; thông tin và truyền thông tăng 6,34%; khoa học công nghệ tăng 5,54%; giáo dục và đào tạo tăng 4,26%. Riêng y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 9 tháng đầu năm nay tăng 28,13% do Trung ương và thành phố đẩy mạnh khám, chữa bệnh, hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ quan, trường học, cộng đồng và tập trung nguồn lực mua vaccine COVID-19.

Lĩnh vực thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện 176,7 nghìn tỷ đồng, đạt 75% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao) và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính cả số thu được gia hạn trong 9 tháng theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ thì tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 189,5 nghìn tỷ đồng, đạt 80,5% dự toán Trung ương giao và 75,4% dự toán thành phố giao, tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Trong số đó, thu nội địa 159,9 nghìn tỷ đồng, đạt 74,1% dự toán Trung ương giao (đạt 69,1% dự toán Thành phố giao) và tăng 5% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 15,9 nghìn tỷ đồng, đạt 85,7% dự toán và tăng 17,8%; thu từ dầu thô 910 tỷ đồng, đạt 72,8% dự toán và giảm 51,5%.
 
Một số lĩnh vực thu chủ yếu 9 tháng là thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện 37,6 nghìn tỷ đồng, đạt 75,7% dự toán và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2020; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 16,9 nghìn tỷ đồng, đạt 82,5% và tăng 19,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 36,1 nghìn tỷ đồng, đạt 72,2% và tăng 18,2%; thuế thu nhập cá nhân 23,9 nghìn tỷ đồng, đạt 96,8% và tăng 16,3%; thu tiền sử dụng đất 10,4 nghìn tỷ đồng, đạt 52,2% và giảm 31,9%; thu lệ phí trước bạ 4,9 nghìn tỷ đồng, đạt 67,9% và tăng 3,8%; thu phí và lệ phí 11,4 nghìn tỷ đồng, đạt 67% và bằng cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, chi ngân sách địa phương 9 tháng ước thực hiện 44,3 nghìn tỷ đồng, đạt 40,8% dự toán và bằng 91,3% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi đầu tư phát triển 14,8 nghìn tỷ đồng, đạt 28,9% dự toán và bằng 75%; chi thường xuyên 29,5 nghìn tỷ đồng, đạt 62,3% và tăng 2,9%.
 
Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương đề ra các giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh dần mở cửa trở lại, nhưng nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh rất lớn. Vì vậy, các biện pháp, kịch bản phải phù hợp với tình hình đặc thù từng địa phương, địa bàn, lĩnh vực. Đồng thời, chú trọng thực hiện tốt việc phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho nhân dân và người lao động. Mỗi địa phương và người đứng đầu đơn vị cần đề cao trách nhiệm lãnh đạo tập thể, cá nhân và chịu trách nhiệm nếu lơ là, chủ quan làm dịch lây lan trong cộng đồng.

Nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong quý III/2021 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực tại thành phố Hà Nội. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạm đóng cửa, dừng hoạt động trong thời gian dài dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp của người lao động.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, kết quả điều tra lao động việc làm quý III/2021 trên địa bàn, số người có việc làm toàn thành phố giảm 5,3% so với quý trước và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý III/2021 là 2,7%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 9 tháng của năm 2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho 116,1 nghìn lao động, đạt 72,5% kế hoạch giao trong năm, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 1,5 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 32,9 nghìn lao động. Tỷ lệ giải quyết việc làm trong 9 tháng đạt thấp do công tác giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong tháng 8 và tháng 9 chỉ có 4.384 người được tạo việc làm, chủ yếu là qua hình thức vay vốn và tư vấn, kết nối trực tuyến.

Cũng trong 9 tháng năm nay, thành phố đã tiếp nhận, xét duyệt và ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 55 nghìn người với số tiền 1,3 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho hơn 1,2 nghìn người với số tiền 3,8 tỷ đồng. Thành phố có hơn 7,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1% so với cuối năm 2020; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,1% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang). Có 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 8% so với cuối năm 2020; 52,1 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 15,4% và tăng 6,5%; 1,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, giảm 5,4% và giảm 8,4%.

Trước sự khó khăn của xã hội, UBND thành phố tập trung cao độ cho công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi. Các chính sách xã hội được các cấp, ngành của thành phố thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, toàn thành phố đã tặng hơn 1.450 nghìn suất quà cho các đối tượng chính sách ưu đãi người có công; hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; công nhân viên chức lao động đã nghỉ hưu, mất sức lao động với tổng số tiền hơn 616,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vận động xã hội hóa là 133,6 tỷ đồng, chiếm 21,7% tổng kinh phí quà tặng.

Trong 9 tháng năm nay, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 17,2 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí thực hiện trên 86,2 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 9 tháng cho trên 84 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền gần 1,6 nghìn tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 10 tỷ đồng.

Thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được 30,9 tỷ đồng, đạt 138,7% kế hoạch; tặng 4.396 sổ tiết kiệm với kinh phí 5,4 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 79 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 51 tỷ đồng; 285 nhà cho người có công với kinh phí 11,1 tỷ đồng.

Nhân ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, Hà Nội đã tặng 399,7 nghìn suất quà cho người có công với số tiền 170,5 tỷ đồng. Nhân dịp Quốc khánh 2/9, các quận, huyện, thị xã đã chuyển trên 4,9 nghìn suất quà tặng với số tiền hơn 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, ngân sách cấp huyện, cấp xã và vận động xã hội hoá đến các đối tượng lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động cách mạng.

Ngoài ra, thực hiện xuyên suốt các chủ trương, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Tính đến ngày 16/9/2021, thành phố đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh với tổng kinh phí 1.121 tỷ đồng, trong đó số tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố là 559,4 tỷ đồng; hỗ trợ theo Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND thành phố Hà Nội là 289,6 tỷ đồng; từ nguồn vận động xã hội hoá hỗ trợ các đối tượng khác là 272 tỷ đồng.

Thành phố còn thực hiện giảm giá tiền điện cho trên 4,6 triệu lượt khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ với tổng số tiền đến hết ngày 17/9/2021 là 458,3 tỷ đồng; từ tháng 9/2021 sẽ thực hiện hỗ trợ giảm 15% tiền nước sinh hoạt cho các hộ dân trong 4 tháng cuối năm 2021.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ bằng hiện vật về trang thiết bị y tế, hàng hóa nhu yếu phẩm cho công tác phòng chống dịch và người dân.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng phục hồi khi 'bình thường mới'
Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng phục hồi khi 'bình thường mới'

Việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp phòng chống dịch tăng cường kéo dài đã khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chậm lại trong quý III/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN