UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đúng quy định; thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động.
Trước đó, UBND huyện Thường Tín đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép kéo dài các tuyến buýt số 08A và 21B về địa điểm cuối tại thôn Hạ Thái (xã Duyên Thái); UBND huyện Gia Lâm kiến nghị UBND TP Hà Nội kéo dài tuyến buýt số 34 và 55 về trung tâm hành chính huyện.
Trung tâm Phát triển Đại học quốc gia Hà Nội cũng kiến nghị thành phố kết nối các tuyến buýt hiện có gần khu vực dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc nhằm chuẩn bị các điều kiện để đưa sinh viên lên học tập từ tháng 9/2022, với quy mô lên tới 15.000 sinh viên theo lộ trình đến năm 2025.
TP Hà Nội đã triển khai 5 tuyến buýt lưu thông gần khu vực dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc gồm: Tuyến 107 (Kim Mã - Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam); tuyến 74 (Bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh); tuyến 88 (Bến xe Mỹ Đình - Hòa Lạc - Xuân Mai); tuyến 117 (Hòa Lạc - Nhổn); tuyến 119 (Hòa Lạc - Bất Bạt). Các tuyến trên chưa được kết nối vào khu đô thị Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Sở GTVT cũng đã đề xuất bổ sung từ 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, trong toàn TP, nâng tổng số lên hơn 6.000 điểm nhằm phục vụ nhu cầu của hành khách tốt hơn. Trong đó, riêng khu vực ngoại thành gồm 2.661 điểm (cự ly bình quân giữa các điểm dừng là 900 m; 0,8 điểm/km2, các điểm dừng chủ yếu bố trí trên những đường trục chính quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên huyện, đạt tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt trong phạm vi 500 m khoảng 30%. Chủ trương này nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ tốt công tác phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, tăng khả năng tiếp cận xe buýt của người dân tạo thuận lợi trong sử dụng phương tiện công cộng.