Xót lòng nông dân bỏ ruộng

Loạt bài trên báo Tin Tức phản ánh tình trạng nông dân bỏ ruộng đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, có ba lý do trực tiếp dẫn đến hiện tượng nông dân bỏ ruộng, đó là thu nhập từ nông nghiệp quá thấp, đóng góp của nông dân còn nặng và thiếu lao động chủ lực... Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại, đồng thời cũng đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà nông.

 

Theo Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2011 trở về trước, việc bỏ hoang ruộng đất đã xảy ra ở một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh..., chủ yếu là ở địa bàn xung quanh các doanh nghiệp, khu cụm công nghiệp, do đất bị chia nhỏ không đủ canh tác và chất lượng đất quanh khu vực các nhà máy, xí nghiệp cũng giảm sút nghiêm trọng. Đặc biệt từ năm 2011 trở lại đây, ngày càng nhiều hộ nông dân ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... bỏ ruộng, thậm chí họ còn "làm đơn trả ruộng".


Việt Nam là nước nông nghiệp, với hơn 70% dân số là nông dân, nguồn thu nhập chính của đại đa số người dân Việt Nam là từ sản xuất nông - lâm nghiệp. Chính vì vậy, đất sản xuất nông nghiệp trở nên vô giá và trở thành vấn đề sống còn đối với người nông dân. Tuy nhiên, do cách làm còn manh mún, kém hiệu quả, sản xuất lạc hậu, thiếu sự đầu tư và quy hoạch bài bản khiến cuộc sống của người nông dân khó khăn và họ không còn thiết tha với đồng ruộng. Ai cũng hiểu rằng, khi nhà nông không còn mặn mà với đồng ruộng thì sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh dân số có xu hướng tăng nhanh, chưa kể Việt Nam là một trong năm nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu, mà vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp là vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.


Thực tế trong những năm gần đây, nhiều địa phương luôn phải gánh chịu hậu quả nặng nề của những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, mưa lũ thất thường; rồi xa hơn là nước biển dâng, nhiễm mặn. Bên cạnh đó, đất nông nghiệp, thậm chí cả đất “bờ xôi ruộng mật” đang ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các khu công nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân khiến cuộc sống của người nông dân vốn đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn.


Trong nhiều năm qua, đặc biệt từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách ưu tiên đối với sản xuất nông nghiệp, có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân như miễn thuế, miễn thủy lợi phí, trợ cấp tiền cho những hộ sản xuất lúa. Nhưng vấn đề đặt ra lúc này là cần sớm qui hoạch lại tổng thể đất nông nghiệp, cơ cấu lại sản xuất, củng cố, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, có chính sách hỗ trợ nhà nông xây dựng vùng chuyên canh, vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...


Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định vị thế quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế; đồng thời thể hiện rõ quan điểm phải kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, mà trong đó vai trò của nông dân giữ vị trí trung tâm. Vấn đề trên cũng được khẳng định tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII khi các đại biểu thảo luận về quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020. Quan điểm trên thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng, bởi vấn đề an ninh lương thực không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia, mà trở thành mối quan tâm của toàn cầu.


Yến Nhi

Khi nông dân chán ruộng - Bài cuối: Làm giàu từ đồng lúa
Khi nông dân chán ruộng - Bài cuối: Làm giàu từ đồng lúa

Trong bối cảnh nhiều người nông dân chán ruộng, ở nhiều nơi, người nông dân vẫn mỗi ngày làm giàu trên đồng đất quê mình. Họ đã làm như thế nào và liệu có mẫu số chung giải bài toán kinh tế bằng nông nghiệp?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN