Khi nông dân chán ruộng - Bài cuối: Làm giàu từ đồng lúa

Trong bối cảnh nhiều người nông dân chán ruộng, ở nhiều nơi, người nông dân vẫn mỗi ngày làm giàu trên đồng đất quê mình. Họ đã làm như thế nào và liệu có mẫu số chung giải bài toán kinh tế bằng nông nghiệp?

 

Không nhất thiết là lúa


Theo bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình thì định hướng của ngành là không nhất thiết phải làm lúa. Ngành đang xây dựng những mô hình chuyển đổi phù hợp và có hiệu quả cao. “Có thể việc bà con bán ruộng cho hộ chăn nuôi vịt đàn cũng là vấn đề cần quan tâm vì đó cũng là cách chuyển đổi phát huy được hiệu quả. Mặt khác, cũng phải mạnh dạn đưa cây trồng có kinh tế cao vào thay cây lúa”- bà Nga nhấn mạnh.


 

Chuyển đổi những cánh đồng lúa kém hiệu quả sang trồng ớt đang mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Lê Sơn

 

Chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây hoa màu có năng suất chất lượng cao để nâng cao thu nhập là điều cần làm. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất vụ đông ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện thu nhập đáng kể cho người nông dân. Đó là mô hình trồng ớt tại các xã Quỳnh Hải, Quỳnh Minh, An Ninh…


Ông Chu Công Phượng - Chủ nhiệm HTX An Ninh cho biết, cây ớt đã có mặt tại đây từ rất lâu rồi, đến nay ớt đã thành cây trồng chủ lực trong vùng. Cây ớt đã chiếm phần lớn diện tích cây vụ đông (khoảng 140 ha trên tổng số gần 200 ha cây vụ đông). Người dân nơi đây lựa chọn gieo trồng cả 2 loại ớt là ớt quả nhỏ truyền thống và ớt ngoại quả to; trung bình năng suất ớt kim đạt khoảng 3 - 4 tạ/sào, ớt ngoại đạt 7 - 8 tạ/sào.


Với giá bán như hiện nay thì mỗi vụ người trồng ớt thu được từ 3 - 5 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn thực lãi từ 2 - 4 triệu đồng/sào. Với một số hộ dân ở An Ninh, ớt đã mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Điển hình có những hộ thường xuyên trồng 1,5 sào ớt xuân - hè và khoảng 3 sào ớt đông gồm cả ớt kim và ớt ngoại, tính ra mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng từ bán ớt…


Ngoài ra còn rất nhiều những mô hình trồng cây xuất khẩu ở xã Quỳnh Nguyên với các cây ngô ngọt, dưa bao tử và cây bắp cải cuộn. Diện tích vùng cây xuất khẩu của xã đã mở rộng được 40 ha. Không chỉ được hỗ trợ một phần về giống, kỹ thuật và phân bón mà các hộ dân trồng cây xuất khẩu ở Quỳnh Nguyên còn được HTX ký hợp đồng nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến. Hiệu quả kinh tế mà mô hình trồng cây xuất khẩu ở Quỳnh Nguyên mang lại cao gấp từ 2,5 - 3 lần so với cấy lúa.


Đặc biệt là xã Quỳnh Hải không chỉ phát triển mạnh cây vụ đông, mà còn hình thành được diện tích đất chuyên màu rộng 90 ha gieo trồng 3 - 5 vụ khép kín trong năm. Ở đây người dân đã lựa chọn gieo trồng những cây mà thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn như hành tỏi, rau thơm, su hào, bắp cải… đồng thời thực hiện trồng trái vụ, lệch vụ để vừa dễ tiêu thụ, vừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn, trung bình khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Tại Quỳnh Hải việc một gia đình có thu nhập vài chục triệu đồng từ vụ đông không phải là chuyện hiếm…


“Lối ra” nào cho  nông nghiệp


 

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), để khắc phục hiện tượng nhiều nơi nông dân viết đơn trả ruộng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp cũng như nâng mức thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cho người nông dân, trước tiên cần phải tăng được thu nhập nông nghiệp cho những người muốn làm nghề nông. Để đạt được điều này, cần một loạt giải pháp: Thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, có cơ chế hỗ trợ tín dụng để thúc đẩy tích tụ ruộng đất, đưa ra những công nghệ kỹ thuật để nông dân tăng năng suất, hạ giá thành, đảm bảo khả năng linh hoạt khi ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, tăng kết nối giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua để đầu ra ổn định. Đó chính là những nền tảng căn bản để tăng thu nhập từ nông nghiệp, gắn bó những nông dân có tay nghề cao với đồng ruộng.


Bên cạnh đó cũng cần linh hoạt trong chuyển đổi diện tích canh tác lúa không hiệu quả sang trồng những cây có giá trị cao hơn: ngô, khoai, rau màu... Nhu cầu cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi rất cao, thu nhập từ các cây này cũng cao hơn rất nhiều, trong khi hàng năm chúng ta tốn rất nhiều tiền để nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, cần chuyển từ việc bảo vệ đất lúa sang bảo vệ đất nông nghiệp, tránh việc thu đất nông nghiệp để phát triển kinh tế một cách bừa bãi.


Cũng theo ông Tuấn, để tạo thêm nhiều thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp, cần có cách kéo phát triển công nghiệp - dịch vụ về vùng nông thôn, kết nối trực tiếp với vùng nguyên liệu để đảm bảo đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, sự phát triển của công nghiệp - dịch vụ nông thôn sẽ giúp tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn dư thừa hiện nay.


Chỉ có thể bằng việc phát triển bền vững, người nông dân mới có cơ sở gắn bó với cây lúa, với đồng ruộng, đảm bảo an sinh xã hội.


Lê Sơn- Xuân Cường- Mạnh Minh

Tấc vàng ai giữ
Tấc vàng ai giữ

Cánh đồng xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện (Hải Dương) vẫn phủ màu xanh mướt bởi trên thực tế các hộ dân có nhân lực vẫn nhận ruộng về làm bằng thỏa thuận miệng giữa các gia đình với nhau. Chính quyền địa phương gần như “bó tay” trong việc quản lý con số thực ruộng được trồng cấy...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN