Khi Nông dân chán ruộng - Bài 2: Không chỉ là hiện tượng

Sẵn sàng cho cuộc "ly hương" với niềm hi vọng mong manh sẽ tìm được việc làm mang lại thu nhập cao hơn 10 - 15 nghìn đồng/ngày đang là dự định của nhiều gia đình ở đồng bằng sông Hồng. Nông dân ồ ạt trả ruộng cho thôn, cho xã. Nguyên nhân có nhiều nhưng cơ bản do giá phân bón, giống cây trồng, các loại dịch vụ tăng quá cao, các khoản đóng góp cho xã hội đã vượt quá sức chịu đựng của người nông dân khi đảm nhận ruộng khoán Nhà nước giao.


Khi cây lúa không nuôi nổi con người


Gia đình bà Bùi Thị Dung (thôn Thọ Xuyên, xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, Hải Dương) trước đây cấy 10 sào ruộng, nay bà chỉ cấy 6 sào. Bà Dung cho biết, chi phí đầu tư cho nông nghiệp thì cao nhưng lời lãi thu lại chẳng được bao nhiêu. Một sào ruộng trung bình cho năng suất 1,5- 2 tạ thóc, tương đương với 1,6 triệu đồng, tuy nhiên người nông dân phải gánh không ít các khoản phí. Từ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đến công cày bừa, gặt. Tính ra, mỗi sào ruộng một nắng hai sương chỉ cho thu lãi 200.000 - 300.000 đồng.


Ông Hà, người dân thôn Thọ Xuyên, xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện (Hải Dương) nhẩm tính: công cấy 200.000 đồng/ngày; công máy cày 250.000 đồng/đợt, các chi phi thuốc trừ sâu, giống, trừ sâu bọ tính ra hết khoảng 900.000 đồng/sào/vụ. Với năng suất 1,5 - 1,6 tạ/sào và giá lúa khoảng 600.000 - 650.000/tạ, tính lãi chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng/vụ. Trong khi đó đi làm công nhân, lương tháng 3,5- 4 triệu đồng/tháng nên hầu hết thanh niên không muốn làm ruộng. Hiện chỉ có người có tuổi ở nhà làm ruộng. Đó là một thực tế tại nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay.


Để tìm hiểu thêm, chúng tôi về vùng (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) nơi có khu đồng Chiều Ngăm rộng đến cả chục ha (gồm ba xã Đông Phương, Đông Sơn, Đông Xá). Hiện nơi đây cũng là nơi có nhiều bà con bỏ ruộng hoang không cấy. Theo nhiều bà con nông dân, vụ xuân vừa qua được xem là bội thu. Tuy nhiên, giá thóc mấy năm gần đây tăng chẳng là bao.


“Bây giờ cấy hái chỉ lấy công làm lãi thôi chứ hiệu quả kinh tế cao là không có. Tôi cấy 2 mẫu nhưng trừ chi phí đi, mùa nào được mùa mà năng suất cao trên 2 tạ thì được lãi năm trăm nghìn một sào, không thì chỉ lãi ba trăm thôi, mà có vụ mất mùa lại hòa vốn. Tôi có tuổi rồi đi vào công ty không đi được nữa mà cũng bận việc gia đình nên cứ phải bám đất, bám làng. Có nhiều người không cấy nên dồn hết cho chúng tôi cấy”- bà Hoàng Thị Phương, thôn Trần Phú, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng chia sẻ.


“Cái khu đầm Chiều Ngăm bị bỏ không năm nay rồi vì trũng, cấy không được ăn. Nó thuộc về đồng đầm, cho nên cấy bao nhiêu, nước lên là hỏng bấy nhiêu. Vì vậy, xã cho đấu thầu rồi nhưng dân không cấy. Ở đây hay mất mùa, cấy chuột ăn, trâu bò phá nên dân trả lại hợp tác xã và xã.”- ông Hoàng Văn Hợi- thôn Trần Phú, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, cho biết.


Còn theo bà Nguyễn Thị Nghị, ở thôn Đoài, xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương (Thái Bình), nhà bà cái gì cũng trông vào hạt thóc nên không thể bỏ ruộng. Nhưng với bà, hiện nay làm ruộng vất vả nhiều mà hạt thóc thì lại quá rẻ. Nhiều người trong làng đi làm thợ xây, thợ may thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.


Ly hương là ly nông


Khi ruộng lúa không sử dụng hết phần lớn lực lượng lao động nông nghiệp, đặc biệt không đáp ứng nổi yêu cầu làm kinh tế của lớp thanh niên trong gia đình thì hiện tượng ly hương cũng diễn ra tại nhiều địa phương.


Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Thái Bình có nhiều khu công nghiệp, cần tuyển nhiều lao động phổ thông. Các dịch vụ như đi làm thợ xây, thợ hồ hoặc đi các tỉnh làm thuê có thu nhập cao, thậm chí vào tận Tây Nguyên hoặc đồng bằng sông Cửu Long thuê đất để sản xuất, nuôi cá nuôi tôm… cũng đang khiến cho lớp thanh niên nông thôn ở độ tuổi lao động không còn thiết tha với công việc ruộng vườn.


Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương thống kê tình hình bỏ ruộng Ngày 29/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng tại địa phương về Bộ trước ngày 10/8. Theo Bộ NN&PTNT, qua phản ánh của một số cơ quan thông tấn, báo chí thời gian gần đây, nông dân nhiều nơi đã bỏ ruộng và trả ruộng, ngay cả những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp. Vấn đề trên đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và tâm lý người dân ở khu vực nông thôn, gây lãng phí trong sử dụng quỹ đất nông nghiệp. Đây là vấn đề cần khẩn trương xem xét, nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các chính sách và giải pháp khắc phục. Bộ NN&PTNT yêu cầu các sở kiểm tra, thống kê tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng ở địa phương; trong đó, đánh giá quan hệ sử dụng ruộng đất, quan hệ sản xuất, đời sống của hộ nông dân bỏ ruộng, trả ruộng, vấn đề xã hội địa bàn dân cư. Trên cơ sở này, Bộ yêu cầu ngành nông nghiệp địa phương đưa ra các kiến nghị, đề xuất các giải pháp, chính sách, nhấn mạnh vào giải pháp mà địa phương đã áp dụng nhằm quản lý, sử dụng đầy đủ, hiệu quả đất nông nghiệp, bảo đảm việc làm, thu nhập cho hộ nông dân, khắc phục tình trạng bỏ ruộng; đồng thời đưa ra những kiến nghị để khắc phục tình trạng này. Mạnh Minh

Ông Vũ Viết Hồ, Trưởng thôn Trung, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho biết: Hiện nay, người ở trong thôn chỉ còn toàn người già và trẻ em thôi. Thanh niên trong làng đi làm ăn xa hết rồi. Người thì đi làm thuê, người thì đi làm phu hồ. Con gái thì đi làm nhà máy, xí nghiệp hết. Giờ đây, ruộng đồng trông cả vào đám người già ở nhà mà thôi.


Không chỉ thanh niên chưa lập gia đình, nhiều cặp vợ chồng cũng gửi con lại ông bà nội, ngoại chăm nuôi rồi cùng dắt nhau lên Hà Nội hay các tỉnh xa kiếm việc làm thuê. Nhiều đứa trẻ chưa dứt bầu sữa mẹ thì cha mẹ chúng đã phải để con ở quê với ông bà để ra đi tìm kế sinh nhai. Hiện tượng thanh niên bỏ quê ra phố làm việc đang góp phần dẫn tới tình trạng đồng ruộng bị bỏ hoang ở các làng quê hiện nay.


“Có một số người rời làng quê vào miền Nam kiếm ăn, tích tụ vốn mua được nhà, đất trong đó rồi đưa cả gia đình vào sinh sống. Nhiều người dân ở quê nhà nhìn vào trong ấy như một hướng để làm giàu. Những người già yếu ở lại bám làng, “trụ lại” với cây lúa nhưng chúng tôi cũng đang khó khăn, bởi một hạt lúa gieo xuống phải gánh chịu bao nhiêu chi phí, và gần như không có lãi” - ông Thái Ngọc Hiến, 74 tuổi, ở tổ 28, phường Trần Lãm, TP Thái Bình cho biết.


Cạnh nhà ông Hiến, vợ chồng ông Nguyễn Anh Dũng nuôi 3 đứa cháu cho 2 người con đã bỏ ruộng mấy năm vào miền Nam đi làm thuê. Đêm đến, ông ngủ giữ nhà cho anh con lớn, còn bà đến ngủ giữ nhà cho con út. Nhà có hơn 6 sào ruộng vợ chồng ông chủ yếu là thuê người làm.
“Từ nhiều năm nay, nhiều nông dân bỏ làng đi kiếm sống nhiều và bắt đầu bỏ ruộng, trả ruộng từ đó. Nguyên nhân là do làm nông nghiệp thu nhập thấp, họ phải đi xa làm ăn. Có những người ra đi vài ba năm quay về quê. Nhưng làm ăn khó khăn quá, họ lại ra đi.”- ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình xác nhận.


Lê Sơn - Xuân Cường - Mạnh Minh

 

Bài 3: Tấc vàng ai giữ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN