Vòng tròn luẩn quẩn mang tên Triều Tiên

2 giờ 47 sáng 29/11, Triều Tiên bất ngờ thử một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa sau hơn hai tháng im ắng. Đây là quả tên lửa Hwasong-15, được Triều Tiên mô tả là mạnh nhất, có thể bắn tới gần như mọi nơi trên lãnh thổ Mỹ. Qua hình ảnh, các chuyên gia cũng phải thừa nhận không có nhiều quốc gia có thể sản xuất ra một quả tên lửa to như vậy.

Dù lần thử tên lửa này có phần bất ngờ, nhưng với những ai quan tâm tới tình hình Triều Tiên, những gì diễn ra sau đó có nhắm mắt cũng hình dung được. Đơn giản là vì sự kiện kiểu này đã lặp lại rất nhiều lần và diễn ra rất nhiều năm.

Có thể nói “quy trình” diễn ra sau mỗi vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên sẽ là như sau: Đầu tiên, cộng đồng quốc tế sẽ lên án kịch liệt mà trong số đó không thể thiếu chỉ trích từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Nga và Trung Quốc. Tiếp đó, giới truyền thông thế giới sẽ ồ ạt đưa tin, bài, ảnh, video cùng với ý kiến nhận định, dự đoán của các chuyên gia về tất cả những thứ liên quan tới vụ phóng như công nghệ tên lửa, ý đồ của Triều Tiên... Biện pháp trừng phạt là điều không thể thiếu sau mỗi vụ thử tên lửa. Sau đó, thế giới buộc phải thừa nhận rằng trừng phạt không ngăn chặn được chương trình hạt nhân của Triều Tiên mà như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhận định, Triều Tiên thà phải ăn cỏ chứ không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Khi các bên còn tranh cãi xem nên làm gì với Triều Tiên, dùng biện pháp ngoại giao hay quân sự, thì nước này đã kịp thực hiện thêm một vụ thử nữa. Và rồi quy trình như trên lặp lại.

Tại sao vòng tròn luẩn quẩn này không bị phá vỡ trong suốt thời gian qua? Nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ một điều đơn giản là không bên nào chịu nhượng bộ và hiểu nhau.

Về phía Triều Tiên, nước này coi sức mạnh hạt nhân là giải pháp tối thượng trong vấn đề tái thống nhất bán đảo Triều Tiên và cân bằng lực lượng với Mỹ. Với hai mục tiêu đó, chắc chắn Triều Tiên không bao giờ tự nhiên từ bỏ hạt nhân do dù chịu sức ép hay các lệnh trừng phạt, nhất là khi Mỹ và Hàn Quốc năm nào cũng phô trương sức mạnh bằng cách rầm rập tập trận quy mô lớn sát nách Triều Tiên. Nước này cũng nói chắc như đinh đóng cột rằng không thể đưa chương trình hạt nhân ra đàm phán.

Trong khi đó, Mỹ lại khăng khăng muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng mọi biện pháp từ đe dọa tới trừng phạt hay gây sức ép lên Trung Quốc để nước này kiềm chế Triều Tiên. Đã vài lần Tổng thống Mỹ Donald Trump trực tiếp hay gián tiếp nhắc tới biện pháp quân sự, khiến báo chí, chuyên gia phải cảnh báo về hậu quả khôn lường.

Một vòng luẩn quẩn nữa trong khủng hoảng Triều Tiên liên quan tới Liên hợp quốc. Cơ quan này dường như đang ở vị trí tiến thoái lưỡng nan khi một mặt áp dụng hàng loạt nghị quyết trừng phạt làm kiệt quệ kinh tế Triều Tiên, một mặt lại phải giải ngân ngay lập tức để viện trợ nhân đạo cho người dân nước này - vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt.


Gần đây, Trung Quốc và Nga đã đề xuất một biện pháp gọi là “đóng băng kép” để phá vỡ những vòng tròn luẩn quẩn đó. Theo đề xuất đưa ra ngày 4/7, khủng hoảng Triều Tiên có thể được giải quyết nếu như Triều Tiên đồng ý đóng băng các vụ thử tên lửa, còn Hàn Quốc đóng băng các cuộc tập trận chung với Mỹ. Đề xuất được đánh giá là hợp tình hợp lý, có qua có lại này đã rơi tõm vào lãng quên, hay nói đúng hơn là không được bên nào trực tiếp liên quan tán thành hay đả động đến.

Một khi mà các bên không chịu nhượng bộ lẫn nhau, không chịu cùng lùi để tạo điều kiện cho một bước ngoặt trong giải quyết khủng hoảng Triều Tiên, thì cái vòng luẩn quẩn trên sẽ tồn tại mãi. Nó có thể tồn tại cho đến khi một bên thực sự hết kiên nhẫn chiến lược, mắc sai lầm và gây ra hậu quả khủng khiếp cho thế giới.

Thùy Dương
Triều Tiên gửi thông điệp ngầm gì trong tuyên bố về vụ thử ICBM?
Triều Tiên gửi thông điệp ngầm gì trong tuyên bố về vụ thử ICBM?

Sau vụ thử tên lửa mới nhất, Triều Tiên có thể đã cố gắng bắn tín hiệu công khai với Mỹ rằng họ sẵn lòng tham gia bàn đàm phán ngoại giao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN