Không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại những vấn đề, nội dung mà các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý trước đó, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của mình.
Có thể coi đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện cam kết tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho doanh nghiệp, nhà đầu tư làm ăn chân chính ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập càng sâu rộng của Việt Nam. Đây cũng dấu hiệu tích cực nhằm tăng khả năng đối thoại giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua đó, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, lãnh đạo chính quyền các cấp trực tiếp lắng nghe và lắng nghe thường xuyên để kịp thời đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ ít nhận được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời bày tỏ mong muốn xóa bỏ được tình trạng cơ quan quản lý nhà nước nào, cấp thừa hành nào cũng có thể thanh tra, kiểm tra, với động cơ nhũng nhiễu, gây khó khăn, làm mất cơ hội làm ăn kinh doanh của doanh nghiệp.
Không phải từ bây giờ mới xảy ra tình trạng “nghiện” kiểm tra doanh nghiệp, mà nó đã tồn tại từ nhiều năm nay. Rất nhiều doanh nghiệp than phiền, bức xúc, thậm chí uất ức khi phải tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra khác nhau, nhưng chỉ có một nội dung kiểm tra. Một điểm chung, mặc dù bị gây phiền nhiễu, nhưng rất ít doanh nghiệp dũng cảm phản ánh với báo chí hoặc các cơ quan giám sát về sự lạm dụng, nhũng nhiễu của cán bộ thanh tra vì sợ bị làm khó trong thời gian tới. Có hiện tượng lợi dụng hoạt động thanh tra, kiểm tra để lấy thông tin về hoạt động doanh nghiệp rồi tung ra bên ngoài, gây bất lợi cho doanh nghiệp đó hoặc cung cấp thông tin đó cho đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp bị thanh tra. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải chấp nhận “sống chung với thanh tra, kiểm tra” để được yên ổn sản xuất, kinh doanh.
Tại các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với doanh nghiệp diễn ra thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nghe doanh nghiệp phản ánh, một năm họ tiếp đến 20 đoàn thanh tra, chưa kể các cơ quan quản lý cấp địa phương... Cơ quan nào cũng có thể đến doanh nghiệp để kiểm tra từ thuế, môi trường, phòng cháy chữa cháy... khiến doanh nghiệp không còn thời gian tập trung sản xuất kinh doanh nữa.
Doanh nghiệp liên tục nhận được điện thoại, văn bản của cơ quan chức năng thông báo lịch sẽ “đến thăm”, theo kiểu cơ quan quản lý dàn hàng ngang vào kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp. Chẳng hạn, có thời điểm cơ quan thuế, thanh tra tài chính, kiểm toán... cùng tiến hành kiểm tra, thanh tra về thuế…
Mỗi đợt thanh tra thường kéo dài cả tháng, thậm chí nhiều tháng, nội dung kiểm tra thường rất chồng chéo, trùng lặp, thậm chí vô lý. Có thời điểm doanh nghiệp tiếp đoàn thanh tra này chưa xong, đoàn khác đã vào nhưng nội dung thanh tra, kiểm tra của các đoàn na ná nhau, cũng lật hồ sơ, sổ sách dò xem doanh nghiệp có sai phạm gì về tài chính, thuế hay không. Thời gian để tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra của đã choán hết thời gian kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đã góp phần triệt tiêu động lực của doanh nghiệp, khiến họ có những suy nghĩ tiêu cực.
Ý kiến của nhiều doanh nghiệp cho rằng, chỉ khi nào cán bộ công chức thực sự tận tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, coi việc thành công (hay thất bại) của doanh nghiệp cũng là niềm vui (hay nỗi buồn) của mình; thì khi đó, doanh nghiệp mới thoát khỏi sự phiền toái và yên tâm làm ăn. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần xem xét lại công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng, cơ quan chuyên ngành nào thì thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đó và các đơn vị khác phải sử dụng lại kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chuyên ngành.
Không thể chần chừ, đã đến lúc cần mạnh tay dẹp bỏ vấn nạn này bằng cách xử lý người đã ra quyết định thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, nếu hoạt động thanh tra, kiểm tra không đúng nguyên tắc, không đúng nội dung, tôn chỉ mục đích.