Doanh nghiệp sản xuất nước mắm Thanh Quốc, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Đáng chú ý, VINASTAS tự tiến hành khảo sát và đưa ra kết luận về nồng độ thạch tín trong nước mắm sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh tình trạng nước mắm công nghiệp có hoá chất đang chi phối thị trường để thông tin kịp thời cho người dân. Các cơ quan này phải có báo cáo gửi Thủ tướng trước ngày 22/10.
Báo cáo của VINASTAS ngay lập tức đã được các cơ quan báo chí đăng tải và gây hoang mang cho người tiêu dùng. Thông tin trên báo chí mấy ngày qua cho thấy lượng nước mắm truyền thống bán ra đã giảm đáng kể do người tiêu dùng lo ngại về hàm lượng thạch tín cao.
Những năm gần đây, thị trường nước mắm “béo bở” trong nước ngày càng bị các doanh nghiệp lớn chi phối bằng các thương hiệu nước mắm công nghiệp rẻ tiền. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê , người dân Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng giá trị khoảng 7.200 - 7.500 tỉ đồng. Còn theo số liệu của Euromonitor, quy mô thị trường nước mắm Việt Nam năm 2015 lên đến 11.300 tỉ đồng, trong đó nước mắm công nghiệp chiếm 76% và nước mắm truyền thống chỉ đạt 24% thị phần.
Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao VINASTAS tung ra báo cáo khảo sát về nồng độ thạch tín trong nước mắm giữa lúc các cơ quan chức năng đang điều tra về chất lượng nước mắm công nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ? Và tại sao VINASTAS lập lờ trong việc đánh lận thạch tín vô cơ vốn có hại cho sức khỏe với thạch tín hữu cơ mà các chuyên gia khẳng định là gần như vô hại?
Vấn đề này “tinh vi” ở chỗ thạch tín hữu cơ chỉ sinh ra từ cá và các thủy hải sản trong quá trình sản xuất nước mắm truyền thống bằng phương pháp lên men tự nhiên kéo dài từ 8 tháng đến 1 năm trong các thùng, còn thạch tín vô cơ là hóa chất công nghiệp đưa vào công nghệ sản xuất nước mắm công nghiệp. Thực tế cho thấy nước mắm có độ đạm càng cao (hiểu nôm na là càng bổ dưỡng) thì hàm lượng thạch tín càng cao. Những thương hiệu nước mắm nổi tiếng của Phan Thiết, Phú Quốc… đều có từ 25 – 45 độ đạm nên có hàm lượng thạch tín cao hơn nước mắm công nghiệp khi chỉ có dưới 5 độ đạm. Việc sử dụng nước mắm truyền thống có thạch tín hữu cơ là vô hại; điều đó đã được thực tế kiểm nghiệm hàng trăm năm qua với các loại nước mắm của Phan Thiết, Hải Phòng, Phú Quốc. Nhiều loại nước mắm truyền thống của Việt Nam đã được xuất khẩu nổi tiếng thế giới đến nỗi bị đánh cắp mất thương hiệu!
Người Việt Nam luôn ưa chuộng và tự hào về các loại nước mắm truyền thống được chế biến từ cá và muối, là sản phẩm sạch và bổ dưỡng từ bao đời nay; tạo thành nét văn hóa trong nền văn hóa ẩm thực phong phú giàu bản sắc Việt Nam.
Việc VINASTAS đưa ra chỉ số về hàm lượng asen cao trong 101 sản phẩm nước mắm truyền thống có độ đạm cao nhằm bảo vệ lợi ích cho ai, nếu không muốn nói đó là nhằm “chống lưng” và khuyến khích cho thị trường nước mắm công nghiệp đang có lợi nhuận khủng?
Phát biểu với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, có đại biểu đã lưu ý rằng VINASTAS không có thẩm quyền trong việc công bố nồng độ asen trong nước mắm, vì thẩm quyền đó thuộc về một cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng hành động vừa qua của VINASTAS “rất có thể có tiêu cực”.
Hành động của VINASTAS như là một đòn đánh bồi vào một ngành nghề và sản phẩm truyền thống vốn đã nổi tiếng của Việt Nam cả trong nước và thế giới.
Các doanh nghiệp nước mắm truyền thống đang rất bức xúc và cho rằng thông tin của VINASTAS không rõ ràng, sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của ngành hàng nước mắm truyền thống nếu các cơ quan quản lý không sớm vào cuộc!