Giảm 15 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012 (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố), Hà Nội tiếp tục nằm ở tốp dưới, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố. Đây là vấn đề “nóng” được rất nhiều cử tri chất vấn lãnh đạo thành phố tại các cuộc tiếp xúc cử tri diễn ra trong tuần qua. Sự bức xúc của cử tri là dễ hiểu, bởi chỉ số PCI của Hà Nội hiện nay là không tương xứng với vị thế của Thủ đô.
Kết quả xếp hạng PCI đã cho thấy những bất cập của Hà Nội trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều cử tri đặt câu hỏi: Hà Nội gần các cơ quan Trung ương, có nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu, lượng chất xám cao, nhưng thứ hạng PCI lại rất kém? Tình trạng này không chỉ trong một năm, mà trong nhiều năm liên tục, thứ hạng PCI của Hà Nội luôn thuộc nhóm yếu kém, năm cao nhất cũng chỉ xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố.
Lãnh đạo thành phố thừa nhận, nguyên nhân bao trùm khiến PCI của Hà Nội giảm sâu, đó là sự chuyển biến rất chậm trong lĩnh vực cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp. Báo cáo công tác cải cách hành chính của Hà Nội được công bố vào trung tuần tháng 7 vừa qua đã nhận định, bảng xếp hạng PCI cho thấy nhiều “hạt sạn” trong điều hành của một số sở, ngành, địa phương trong lĩnh vực thu hút đầu tư, giá đền bù đất đai chưa phù hợp với thực tế; phần lớn các doanh nghiệp đều giảm niềm tin vào thiết chế pháp lý mà thành phố ban hành, chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố; việc tổ chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một số đơn vị chưa nghiêm túc, rất nhiều hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính sai hẹn.
Rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự bức xúc trước thái độ vô cảm của một bộ phận cán bộ công chức, sự thiếu thống nhất giữa các sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh; hứa hẹn nhưng không giải quyết hoặc chậm giải quyết... Đặc biệt, hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn, trong khi đó, trách nhiệm kiểm tra, xử lý sai phạm của cấp có thẩm quyền lại thiếu kiên quyết, triệt để.
Đã có nhiều cuộc họp của lãnh đạo thành phố nhằm tìm giải pháp tháo gỡ, lấy lại niềm tin cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có được kết quả như mong đợi, điều thành phố cần quan tâm lúc này là các cấp lãnh đạo từ thành phố đến các sở, ngành… phải sẵn sàng lắng nghe các ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp và giải quyết nhanh những vấn đề thuộc thẩm quyền. Không cứng nhắc từ những báo cáo một chiều, mà cần thường xuyên đối thoại, xem doanh nghiệp là đối tác gắn bó bền vững, là bạn đồng hành tin cậy. Có như vậy, doanh nghiệp mới sát cánh cùng thành phố thúc đẩy kinh tế phát triển.
Yến Nhi