Thô bạo với di tích

Lại thêm chuyện buồn với di tích ở Thủ đô. Đó là việc, sư trụ trì chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ) tự ý tu sửa vườn Tháp, nhà Ni, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới yếu tố gốc của di tích gốc. Cái mất không chỉ là giá trị vật chất, mà sâu xa là giá trị tinh thần chứa đựng, tích tụ từ ngàn đời của di tích đã không còn. Bài học quả là đắt giá!


Vẫn biết, việc xâm hại di tích lịch sử văn hóa không còn là chuyện hy hữu ở nước ta. Nhưng vụ việc xảy ở cùng một điểm chùa thuộc di tích lịch sử cấp quốc gia, ở ngay Thủ đô, thì quả là điều đáng trách. Điều đáng nói, việc tu sửa vườn Tháp, nhà Ni tại chùa Trăm Gian diễn ra trong một thời gian dài (từ tháng 11 năm 2014 đến đầu năm 2015) mà cơ quan chức năng không hay biết? Hẳn nhiều người còn nhớ, năm 2012 tại di tích này cũng từng xảy ra những sai phạm gây chấn động dư luận cả nước, khi sư trụ trì chùa tự ý hạ giải gác Khánh và nhà Tổ để tu sửa khi chưa được phép của các cơ quan chức năng. Nhiều người nhận xét, những gì xảy ra ở chùa Trăm Gian như một thảm họa đối với ngôi chùa ngàn năm tuổi. Đó là một tổn thất lớn đối với di sản, mà nguyên nhân không phải do thiên nhiên, mà do chính con người.

Thật khó hiểu và khó giải thích, khi chúng ta đã có cả một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, có sự phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương ấy vậy mà tình trạng xâm hại di tích trong vẫn không được ngăn chặn. Trước hiện tượng vi phạm Luật Di sản Văn hóa liên tục xảy ra tại các di tích lịch sử văn hóa ở Thủ đô, đã cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác quản lý các di tích, đặc biệt là ở các di tích đã được xếp hạng.

Cách đây chưa lâu, dư luận từng xôn xao việc sư thầy tự ý đưa một pho tượng lạ bằng đồng vào di tích chùa Chân Long (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) khiến nhân dân địa phương bất bình. Gần đây, là chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm) bỗng xuất hiện “pho tượng lạ” để ngay gian chính của chùa, làm ảnh hưởng tới khuôn viên, cảnh quan di tích. Chuyện đưa hiện vật lạ (gồm áo giáp sắt, ngựa sắt, roi sắt) vào đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) còn chưa lắng dịu, thì dư luận lại phải đón nhận tin không vui khi ở Lăng Ngô Quyền (xã Đường Lâm, huyện Sơn Tây) bỗng xuất hiện tấm bình phong bằng đá khắc hình con vật, người thì bảo đó là hổ, người thì bảo đó là con báo lai chó sói. Chưa hết, nhà đại bái và hậu cung tại đình Cựu Quán (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) đã bị phá dỡ lấy gỗ sưa đem bán. Điều đáng nói là việc làm này lại do chính những người được người dân tin tưởng giao trọng trách trông coi di tích thực hiện; trong đó có cả bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, trưởng ban khánh tiết, chi hội trưởng người cao tuổi..

Vẫn biết, là địa phương có số di tích được xếp hạng vào bậc nhất cả nước (hơn 2.000 di tích, trong đó có hơn 1.000 di tích quốc gia), thì việc quản lý, di tích quả là không đơn giản. Tuy nhiên, không vì thế mà chính quyền các cấp, ngành chức năng của Hà Nội thoái thác trách nhiệm khi để tình trạng xâm hại di tích xảy ra trong một thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân có liên quan, muốn làm tốt công tác quản lý di tích, Hà Nội cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, thậm chí làm hẳn những tờ rơi tuyên truyền về những việc được làm và không được làm đối với các di tích cho người dân và cũng như những người tham gia trông coi, quản lý khu di tích nắm rõ, thực hiện.
Yến Nhi
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN