Lại nữa, dường như chưa có một lãnh tụ hay học giả nào trên thế giới ví bác sĩ với “mẹ hiền” như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu nói “lương y phải như từ mẫu” của Người vừa là lời căn dặn thầy thuốc không chỉ có nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, mà còn phải chăm lo ân cần cho người bệnh như mẹ chăm con; vừa là lời nhắc nhở bệnh nhân phải coi bác sĩ cứu mình khỏi bàn tay thần chết cũng có công ơn không khác bậc sinh thành.
Lịch sử ngành y nước ta từ xưa đến nay đã ghi danh nhiều thế hệ thầy thuốc, bác sĩ giỏi về y thuật, sáng về y đức. Từ những bậc danh nhân trí giả như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đặt nền móng cho nền y thuật nước nhà, những tài năng khoa học như giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch suốt đời vì sự nghiệp cứu người, tới bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm truyền cảm hứng về lẽ sống và cống hiến cho bao người trẻ. Họ luôn là những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ noi theo để phấn đấu, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt sứ mạng bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân.
Dựa trên truyền thống tốt đẹp đó, ngành y tế nước ta trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu ngang tầm với nền y học của khu vực và thế giới, nổi bật là trong các lĩnh vực ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa, y học cổ truyền, sản xuất vaccine. Ngành y cũng đã nỗ lực tăng diện phủ sóng bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở, đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh. Ý thức của cán bộ y tế đã có sự thay đổi từ tư tưởng “ban ơn” sang trạng thái “cung cấp dịch vụ, phục vụ”. Đây không phải là đánh giá chủ quan, mà là cảm nhận thực tế tại các bệnh viện trong thời gian qua.
Một thành tích nổi bật nữa là chính sách y tế dành cho người nghèo và cận nghèo. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) về y tế, như giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác. Hẳn những ai đang công tác trong ngành y đều cảm thấy tự hào vì đã góp phần nâng tuổi thọ trung bình của Việt Nam lên mức cao của khu vực, thậm chí hơn hẳn so với các nước có cùng thu nhập.
Cách đây hơn 60 năm, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị với lời căn dặn sâu sắc, ân cần: “Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Vì ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, năm 1985, Đảng và Nhà nước đã quyết định lấy ngày 27/2 hằng năm là “Ngày thầy thuốc Việt Nam” để tôn vinh đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, y tá… trên cả nước.
Đây đó vẫn còn những sự cố y khoa do bác sĩ tắc trách, kém tay nghề. Vẫn còn những y tá có thái độ hách dịch. Vẫn còn tình trạng kê đơn thuốc giá cao để ăn hoa hồng. Vẫn còn giường bệnh 2-3 người nằm ghép. Rồi cả những vụ người nhà bệnh nhân hành xử côn đồ rộ lên gần đây. Nhưng đó chỉ là một vài mảng tối trên bức tranh chung đang khởi sắc. Dư luận xã hội nhìn chung đều thấu hiểu với những khó khăn của ngành, do nguồn lực đầu tư thì có hạn, đồng lương của cán bộ nhân viên còn eo hẹp, trong khi người dân không phải ai cũng nhận thức đúng đắn. Đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, y tá, nhân viên ngành y vẫn luôn được coi là “những chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận chăm lo và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Nghề y vẫn luôn là nghề cao quý.