Ranh giới giữa sự tri ân với biếu xén, hối lộ, đút lót là lằn ranh rất mong manh. Đã là người lãnh đạo thì phải rất tinh tường để nhận ra cái ranh giới vô hình ấy.
Chuyện xưa kể có viên quan luôn tỏ ra mình rất liêm, tịnh không ăn của đút bao giờ khiến đám quan gia rất thất vọng. Năm đó, nhân dịp Tết ông ta định cho cô con gái tuổi cập kê hình như là tuổi Tý vu quy. Tin tức được đám sai nha rỉ tai trong chốn quan trường khiến đôn đáo tìm cách biếu xén sao cho hiệu quả.
Vì vậy, có gã chánh tổng bèn bí mật thuê thợ kim hoàn đúc con chuột bằng vàng đến tặng, gọi là có chút quà cho em nó làm của hồi môn. Không hiểu sao, tay thợ vàng lại khoe với đồng nghiệp thế là chiêu tặng con chuột vàng của tay chánh tổng kia bị lộ vở khiến cô con gái rượu này có đến dăm bẩy con chuột vàng, đủ kích cỡ trọng lượng.
Nghe nói có con đến 10 - 15 lượng vàng. Tết nhất xong mà lễ vu quy chưa diễn ra vì nghe đâu chưa được tuổi. Nhân dịp có đông đủ sai nha, quản gia, quan phụ mẫu này hắng giọng thủng thẳng nói: Các thầy có khiếm khuyết lắm đấy, ai bảo các thầy là con tôi tuổi Tý hả, nó tuổi Sửu nên cuối năm nay mới lấy chồng đấy nhé!
Nghe nói đến đây có mấy viên chánh tổng, lý trưởng sợ quá, ngất xỉu, phải giật tóc mai, đổ nước giải cấp cứu mới lai tỉnh. Chuyến này chắc chết, chạy đâu ra trâu vàng bây giờ? Chuyện không kể sau đó tiêu thư có được trâu vàng hay không vì ông này bị triều đình huyền chức do hà lạm tiền công. Hóa ra ông này liêm vờ.
Trước Cách mạng tháng Tám nhà văn Nguyễn Công Hoan đã kể chuyện ông quan nhỏ hối lộ ông quan lớn hơn bằng… vợ. Chuyện kể vào cuối năm, ông ta ép vợ điểm trang để “Tết” quan cái trinh tiết và phẩm hạnh của một phu nhân. Bà không chịu. Ông ta năn nỉ, năn nỉ để việc hối lộ sex thành công, để quan trên ưng ý và cất nhắc ông ta. Thật kinh tởm và lợm giọng!
Chuyện nay “Tết” quan, quà biếu quan thời nay khác lắm. Thế mà năm rồi có nghe đến chuyện hối lộ, tham nhũng được lên đến Quốc hội. Nghe mà buồn lòng vì công cuộc chống tham nhũng của chúng ta chưa đạt kết quả như quyết tâm của Đảng, tin tưởng và mong đợi của dân.
Giờ xin kể chuyện “Tết” mà tôi được biết, được nghe có cũ, có mới nhưng vẫn có giá trị giáo dục đạo đức cho cán bộ đảng viên trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Anh Lương Đức Quynh, vốn là Thư ký của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt. Chúng tôi quen nhau trong công tác của một phóng viên TTXVN thường trú tại Hà Nội và trợ lý Bí thư Thành ủy. Còn nhớ một cái Tết, có mấy cơ sở quen biết cứ nhờ tôi mời hộ anh Quynh đến dự tổng kết.
Họ quý anh vì anh đã lắng nghe, ghi chép những khó khăn, khúc mắc của cơ sở để báo cáo với Bí thư Thành ủy. Anh Quynh nhận lời rồi đều không thể đi cùng tôi. Thì ra anh bận phải đi… trả quà Tết. Tôi hỏi ông có bị làm sao không đấy, quý ở tấm lòng, sao không nhận quà Têt?
Tôi cứ nghĩ, hay là anh nổi máu… lãnh đạo như tin đồn về một ông tân chủ tịch nộp cho cơ quan mấy tỉ đồng tiền phong bì chúc Tết… Thì ra không phải vậy, anh Quynh bận thật vì ông Duyệt giao việc mang phong bì tiền quà Tết đến… trả cơ sở.
Ông Duyệt có thư riêng hẳn hoi gửi cho các cơ sở này. Đại ý ông viết rằng đã nhận được quà Tết của đơn vị (gồm… hiện vật và phong bì tiền mặt). Quà hiện vật ông xin nhận để chuyển cho các trung tâm dưỡng lão, làng trẻ mồ côi… Riêng tiền mặt (ông ghi số tiền cụ thể) xin gửi lại để đơn vị làm quà cho các gia đình chính sách, người lao động tiêu biểu. Thế là anh Quynh phải mang đi trả và lấy bằng được biên nhận của đơn vị.
Anh biết đức tính chu đáo và cẩn trọng của ông Duyệt mà. Khổ cho Quynh, ngày Tết người ta bận túi bụi làm sao gặp được lãnh đạo đơn vị và nhất là quân kế toán, tài vụ, hành chính để nộp lại tiền? Thế nhưng Quynh vẫn tận tụy hoàn thành việc của Bí thư giao. Nhưng anh “mất” Tết.
Sau Tết, có dịp gặp Bí thư Duyệt, tôi hỏi ông về chuyện này. Ông cười bảo mình có giúp được gì đâu mà nhận tiền của cơ sở.
Cậy là nhà báo, quen ông đã lâu ngày, từ khi ông còn lãnh đạo ở vùng Mỏ, tôi mạnh dạn hỏi thêm điều mà Quynh không nói. Đó là tiền trong phong bì là bao nhiêu? Ông Duyệt hạ giọng bảo, nhiều lắm, mấy tháng lương công nhân, có cái bao thư cả chỉ vàng đấy, nhận làm sao được!
Quý hóa thay tấm lòng của người đứng đầu Đảng bộ Thành phố! Sau này ông có vị trí cao hơn, Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, gặp anh em chúng tôi, ông vẫn vui vẻ, tin cậy như ngày nào.
Cùng ở Hà Nội, hiện nay có một quan chức đầu ngành nói không với “Tết” quan theo kiểu không giống ai và khó làm theo. Ông không cho nói tên mình nên tôi đành chấp nhận và gọi ông là ABC vậy. Trước hết là ông cấm vợ con, được tiếp và nhận quà của bất cứ ai ở cơ quan ông.
Dịp ông được lên cấp lên chức năm rồi là dịp ông càng kiên quyết thực hiện nói không với chúc tụng mừng sếp còn nghiêm hơn mấy cái Tết trước. Anh em kể rằng dịp Tết, ông bị nhận nhiều thiếp chúc Tết kèm bao thư. Phần vì không lẽ lại bóc tuốt tuồn tuột các thiếp chúc Tết và trả lại tiền mặt “nó thế nào ấy”. Ông đành giữ lại và để dành đến sau Tết.
Ngày làm việc khai xuân ông đi chúc Tết mang theo những bao thư này. Sau phần nghi thức mừng xuân ông lấy phong bì của chính đơn vị đã tặng và nói: Trước Tết anh em đã gửi tôi cái bao thư này, tôi xin cảm ơn và hôm nay xin bóc ra công khai trước mọi người và tặng anh em liên hoan khai xuân.
Nghe nói ngoài những phong bì thông thường chỉ có vài triệu còn có những phong bì chứa ngoại tệ kèm theo lời trách cứ và chất vấn. Mọi người hiểu ngay đây không phải là thư “Tết” cấp trên mà là chạy chức chạy quyền… Không có thông tin về chủ nhân những phong bì “Tết” quan trên này ra sao, nhưng chắc chắn là sẽ lãnh đủ với người đứng đầu liêm khiết này.
Còn chuyện quà “Tết” ông Bảy Nhị, quan chức đầu tỉnh An Giang thì nhiều người biết lắm, đó là ông Nguyễn Minh Nhị, Chủ tịch UBND tỉnh này. Có lẽ ông là quan chức đầu tỉnh hiếm hoi dám nói mình không hề chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào. Ông là người ký duyệt vô vàn dự án mà không bao giờ cần nhận bao thư kèm theo. Chuyện có ai đó biết trước quy hoạch, lén “đi tắt đón đầu” bằng cách “mua”, “Tết” ông đều thất bại.
Theo ông kể lại thì, chuyện theo thông lệ có cái bao thư cảm ơn (núp bóng chúc Tết cuối năm) chút đỉnh từ phía doanh nghiệp với cá nhân với ông là có. Ông bảo, nếu cứ nói chưa bao giờ nhận là không thực lòng. Nhưng nếu có màn xin xỏ hoặc mưu cầu này nọ là ông kiên quyết gạt ngay.
Ông tâm sự rằng, nhận mấy cái thứ đó mình “chết chắc” vì không thể quá máy móc, cứng nhắc trong ứng xử có thể gọi là “tế nhị” này. Ông bảo có lần “tiền thưởng” khá hậu hĩnh hoặc người ta đưa bao thư “quá dày” cho ông… Trả không được, nhận không xong, ông giao luôn cho thủ quỹ cơ quan lập hẳn một cái quỹ riêng để trợ giúp người này, người kia khó khăn mà chi ngân sách không được.
Sau này ông bảo nếu ai đút lót mình, họ đều điều nghiên xem ông này “hảo ngọt” hoặc “thích phần trăm” hay ham vi vu… Ông bảo ranh giới giữa sự tri ân với biếu xén, hối lộ, đút lót là làn ranh rất mong manh. Đã là người lãnh đạo thì phải rất tinh tường để nhận ra cái ranh giới vô hình ấy.
Cuối cùng, ông kiên quyết nói không. Trước khi nghỉ hưu ông kêu cô kế toán đến hỏi về cái quỹ phong bao ấy thế nào thì được thưa rằng vừa hết sạch và khóa sổ. Cô nộp lại cho ông cuốn sổ liêm - nhân này.
Ngày xuân kể lại chuyện quà biếu, bởi gần đây có tin một vị sếp mới nhậm chức đã tiếp trên 500 đoàn khách cá nhân và tập thể đến chúc mừng nhộn nhịp lắm, nhưng không có thông tin rằng ông chuyển cho thư ký các bao thư ấy để trả lại như ông Phạm Thế Duyệt, hoặc tặng lại anh em liên hoan như ông muốn giấu tên hay như ông Bẩy Nhị lập quỹ nhân ái riêng.
Bách nhân bách tính, mấy vị này khác nhau về cách ứng xử nhưng giống nhau ở một điểm, đó là cung tôn thờ chữ LIÊM - phẩm chất hàng đầu của người làm quan dù là thời Trần Nhân Tôn, Lê Lợi -Nguyễn Trãi, Lý Công Uẩn, Quang Trung, Minh Mệnh, Hàm Nghi hay thời đại Hồ Chí Minh đương đại.
Hai câu chuyện xảy ra ở hai thời điểm khác nhau, hai nơi xa nhau và khác nhau nhiều về cách nghĩ, cách làm, lối sống. Thế nhưng, dẫu có khác nhau chút chút về cách ứng xử của hai người lãnh đạo địa phương nhưng đều giống nhau ở một điểm, làm quan phải biết từ chối.
Cả hai ông “quan” cách mạng này đều là những học trò xứng đáng của Bác Hồ trong cách sống và ứng xử chí công vô tư, cần - kiệm - liêm - chính được Đảng tin, dân trọng, đáng nêu gương trong lúc toàn Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Bảo Dân