Sứ mệnh của doanh nhân Việt

Từ những doanh nhân thời kỳ đầu của đất nước như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô... cho đến thế hệ doanh nhân trong kỷ nguyên mới, tất cả đều sẵn sàng gánh vác sứ mệnh tiên phong phát triển kinh tế, với tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc và khát vọng nâng cao vị thế của đất nước.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt vào ngày 11/10 giữa Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Ảnh: Dương Giang – TTXVN

Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò của giới doanh nhân và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của doanh nhân với sự phát triển của đất nước. Và trước Ngày Doanh nhân 13/10 năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết quan trọng, Nghị quyết Số 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây được ví như món quà “đặc biệt” cho giới doanh nhân nhân ngày mà cả xã hội tôn vinh họ.

Điều dễ dàng nhận thấy là sự tôn trọng, đề cao giới doanh nhân ngày nay không chỉ rơi vào ngày 13/10, mà là một tâm lý chung của xã hội, của một đất nước đang hừng hực đi lên trên mặt trận kinh tế. Từ chỗ được xếp cuối cùng trong các giai tầng xã hội ở thời kỳ "sỹ, nông, công, thương", doanh nhân Việt ngày nay đang đứng ở một vị thế đáng tự hào trong xã hội. Họ là lực lượng nòng cốt đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đưa nước ta từ vị trí hầu như không có tên trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành một quốc gia nằm trong top 40 về GDP và top 20 về quy mô thương mại toàn cầu.

Nhìn lại lịch sử, ba thập kỷ chiến tranh (1945-1975) và chủ trương xây dựng nền kinh tế XHCN theo mô hình cổ điển sau khi đất nước thống nhất (1975-1985) đã khiến các yếu tố kinh tế thị trường bị kìm hãm, kèm với đó là sự vắng bóng của các doanh nhân. Tuy nhiên, năm 1986, công cuộc Đổi mới, với trọng tâm là chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Nếu như vào những năm 1990, toàn quốc chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp tư nhân, thì đến hôm nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900.000 doanh nghiệp, tạo thành lực lượng hùng hậu góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước ta.

Trong sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước. Chính vì vậy, trong những năm qua, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết 41 vừa được Bộ Chính trị ban hành có thể ví như “kim chỉ nam” cho đội ngũ doanh nhân, và cũng đặt một trọng trách lớn, sứ mệnh lớn lên vai họ. Nghị quyết đã nhấn mạnh "đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Điểm đáng chú ý là Nghị quyết 41 đã nêu rõ yêu cầu "có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu". Để trở thành những “doanh nhân dân tộc”, đội ngũ doanh nhân Việt Nam được yêu cầu phải “có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật”, coi trọng những giá trị đạo đức, văn hóa và văn minh trong sản xuất, kinh doanh.

Có thể nhận thấy rất rõ, nhờ những đường lối, chính sách tạo thuận lợi của Đảng và Nhà nước ta, doanh nhân Việt Nam đã mạnh mẽ nắm bắt thời cơ, và đạt được những bước nhảy vọt lớn. Sau 30 năm Đổi mới, lực lượng doanh nhân đã trưởng thành rất nhiều, tên tuổi của nhiều doanh nhân đã giành được sự kính nể, trọng thị của xã hội. Trong thời kỳ đại dịch và hậu đại dịch COVID-19, doanh nhân Việt Nam đã chứng tỏ tinh thần kiên cường, linh hoạt, sáng tạo, bản lĩnh vượt khó khăn. Các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp do họ dẫn dắt ngày càng giành được nhiều niềm tin và sự ủng hộ của người dân.

Doanh nhân Việt cũng không hề thua kém bản lĩnh với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện làm giàu cá nhân mà họ còn đang dần thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng, với đất nước, đặc biệt là khát vọng đóng góp vào sự cường thịnh của dân tộc. Rõ ràng, các doanh nghiệp hàng đầu sẽ quyết định vị thế của kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, bền vững với khả năng cạnh tranh toàn cầu, và cộng đồng doanh nhân có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường, thịnh vượng.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, quy mô doanh nghiệp ở nước ta còn nhỏ bé, hiệu quả hoạt động chưa cao, đặc biệt là chưa tạo được dấu ấn ở khu vực và thế giới. Số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, còn nhiều doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp trong cạnh tranh, hội nhập.

Bên cạnh đó, vấn đề đạo đức doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn những mảng tối nhức nhối. Nền kinh tế thị trường nước ta hiện nay vẫn đang trong giai đoạn dần hoàn thiện, hệ thống pháp luật chưa đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn, còn nhiều bất cập. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn trong giai đoạn hoàn thiện, đôi khi còn những bất cập, một số doanh nhân đã lợi dụng "kẽ hở" để làm giàu bất chính. Chạy theo lợi nhuận, nhiều người đã bất chấp pháp luật, xem nhẹ trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, vi phạm từ trốn thuế, sở hữu trí tuệ, tàn phá môi trường, "đi đêm"với quan chức, đến sản xuất hàng hóa kém chất lượng, thậm chí hủy hoại sức khỏe của người tiêu dùng... Những việc làm trái pháp luật đó đã làm hoen ố các chuẩn mực, giá trị đạo đức doanh nhân, làm xói mòn niềm tin vào hình ảnh doanh nhân và doanh nghiệp.

Còn ở chiều khách quan, doanh nhân Việt vẫn đang đối mặt không ít khó khăn về cơ chế chính sách bất cập, chồng chéo; thủ tục hành chính quan liêu, và đặc biệt là nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn vốn - yếu tố then chốt để doanh nghiệp trụ vững và phát triển. Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc, tháo gỡ quyết liệt từ nhiều phía cơ quan chức năng để doanh nghiệp thực sự được "cất cánh" trong một môi trường lành mạnh, thông thoáng. Rõ ràng doanh nhân Việt cần được tạo thuận lợi không chỉ bằng các chủ trương, chính sách mà phải bằng sự thực tiễn hóa những chủ trương đó, từ đó họ mới có thêm lực đẩy và niềm tin cho hành trình phát triển của mình.

Trong bức thư chưa đầy 200 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam cách đây đúng 78 năm, Người đã gọi "giới công thương" là "các Ngài" một cách đầy trân trọng. Tinh thần đó đến nay vẫn được tiếp nối trong các văn kiện thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng ta về vai trò của giới doanh nhân. Sứ mệnh đặt lên vai họ chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng lòng tự tôn, tự cường dân tộc chắc chắn sẽ dẫn bước cho doanh nhân Việt ngẩng cao đầu, làm trụ cột nâng cao tầm vóc của nền kinh tế Việt Nam và con người Việt Nam.

Thu Hằng
Doanh nhân kiến tạo Việt Nam bền vững
Doanh nhân kiến tạo Việt Nam bền vững

Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân do USAID tài trợ, tổ chức Diễn đàn “Tiên phong tinh thần doanh nhân, kiến tạo Việt Nam bền vững”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN